Thi sĩ Hoàng Cầm (1922-2010) Tác giả Lá Diêu Bông đã giã từ chúng ta

  • Nguyễn Hoàng

Thi sĩ Hoàng Cầm (1922-2010)

Nhà thơ Hoàng Cầm, tác giả bài thơ nổi tiếng Lá Diêu Bông vừa ra đi sáng thứ Năm 6 tháng 5, 2010. Chị Kiều Loan, trưởng nữ của thi sĩ, - hiền thê của nhạc sĩ Trần Nhật Hiền ở San Jose, California - cho biết thân phụ chị vừa mãn phần vào lúc 9 giờ 12 phút sáng ngày thứ Năm, 6 tháng 5, 2010 nhằm ngày 23 tháng 3 năm Canh Dần tại Hà Nội. Nhà thơ Hoàng Cầm tên thật là Bùi Hoàng Cầm tự Bùi Tằng Việt sinh năm 1922 tại Bắc Ninh, Bắc Việt. Hưởng thọ 89 tuổi. Được biết ngoài Bùi Thị Kiều Loan và chồng con hiện sống tại Hoa Kỳ, thi sĩ còn có hai người con trai là Bùi Hoàng Anh và Bùi Bằng Phi hiện ở Việt Nam.

Một bản tin của VNExpress cho biết thi sĩ “vì một cú ngã dẫn đến bại chân, nhiều năm qua, ông hoàng của thơ tình Việt Nam chỉ còn quanh quẩn nằm ngồi trong căn phòng nhỏ trên con phố Lý Quốc Sư. Tối ngày 2 tháng 5, bệnh trở nặng, ông được đưa vào bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội cấp cứu. Hơn 3 ngày sau, tác giả Bên Kia Sông Đuống qua đời, hưởng thọ 89 tuổi.”

Hoàng Cầm là một trong các văn nghệ sĩ trải qua nhiều thăng trầm dính líu vào sự kiện Nhân văn – Giai phẩm nửa thế kỷ trước. Có thể nói ông là một trong những cột trụ của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.

Bản tin của RFI cho biết chi tiết về thi sĩ như sau: “Tên thật là Bùi Tằng Việt, Hoàng Cầm sinh ngày 22/2/1922, tại làng Phúc Tằng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Nguyên quán làng Lạc Thổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Học cao đẳng tiểu học ở Bắc Ninh, trung học ở trường Thăng Long, Hà Nội. Đậu tú tài, ban triết. Thừa hưởng tinh thần dân ca quan họ và giọng ngâm thơ của mẹ, Hoàng Cầm trở thành nhà thơ có giọng ngâm độc đáo được mọi người truyền tụng.

Làm thơ từ năm 8 tuổi. Dưới thời Pháp thuộc, 15 tuổi, Hoàng Cầm viết kịch thơ Hận Nam Quan. 20 tuổi, sáng tác kịch thơ Kiều Loan, hai tác phẩm gợi lòng yêu nước, kích động sĩ khí, thúc đẩy con người vùng lên chống ngoại xâm.

Trong thời kháng chiến, Hoàng Cầm sáng tác và trình diễn ba bài thơ gây chấn động lòng quân và lòng người: Đêm Liên Hoan, Tâm sự đêm giao thừaBên Kia sông Đuống.

Thời Nhân Văn Giai Phẩm, Hoàng Cầm là một trong những người tiên phong và chủ chốt của phong trào. Không giữ vai trò lãnh đạo như Nguyễn Hữu Đang, cũng không ở vị trí sách lược của một quân sư như Lê Đạt, Hoàng Cầm là người hài hoà và nối kết. Ngoài Phan Khôi, Hoàng Cầm - với uy thế văn học ngang hàng những nhà văn, nhà thơ chính thống lúc bấy giờ - đã viết bài bảo vệ Trần Dần, trực tiếp đương đầu với Tố Hữu.”

Thơ Hoàng Cầm

Trích' Bên kia sông Đuống'

Bao giờ trở lại giòng sông Ðuống
Ta lại tìm em
Em mặc yếm trắng
Em thắt lụa hồng

Em đi trẩy hội non sông
Cười me ánh nắng muôn lòng xuân sang
Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thêm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp

....

Trích ‘Tâm Sự Đêm Giao Thừa’

Đêm nay hết một năm
Đứng gác đến giao thừa
Quê hương chừng rét lắm
Lất phất mấy hàng mưa

Tôi có người vợ nghèo
Đời vất vả gieo neo
Từ khi chồng ra lính
Nhà gianh bóng hắt heo

...

Lá Diêu Bông

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều,
Cuống rạ.
Chị bảo: Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng.
Hai ngày em đi tìm thấy lá
Chị chau mày:
Đâu phải Lá Diêu Bông.
Mùa Đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu,
Trông nắng vãn bên sông.
Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim.
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xòe tay phủ mặt chị không nhìn.
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể.
Gió quê vi vút gọi.
Diêu Bông hời...
ới Diêu Bông!


* Blog của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.