Thêm 5 người Thượng Tây Nguyên từ Việt Nam vượt biên vào lãnh thổ Campuchia tìm đường tị nạn chính trị bị bắt giữ.
Một tổ chức bảo vệ nhân quyền ở Campuchia cho hay nhóm người vừa bị bắt hôm qua là một gia đình gồm 2 vợ chồng, 2 đứa con trai nhỏ, và một bé gái 9 tháng tuổi.
Tổ chức bảo vệ nhân quyền Adhoc nói vụ bắt giữ xảy ra khoảng 4 giờ chiều trong khu vực O’Yadav của tỉnh Ratanakkiri, giáp ranh với Việt Nam, khi cảnh sát Campuchia mở đợt truy quét vào rừng sâu, nơi gia đình người Thượng này lẩn trốn trong suốt nửa tháng qua.
Phnom Penh Post dẫn lời ông Chhay Thy, điều phối viên của tổ chức Adhoc tại tỉnh Ratanakkiri, cho biết cảnh sát và binh sĩ Campuchia còng tay 2 vợ chồng vừa kể từ trong rừng đưa lên xe tải chở ra đường lộ nối liền với biên giới Việt Nam.
Dân làng địa phương người sắc tộc Jarai cho hay 4 thành viên khác trong gia đình này đã tẩu thoát và cảnh sát đang truy lùng họ gắt gao.
Bắt giữ kiểu này là vi phạm nhân quyền và vi phạm Công ước quốc tế về Người tị nạn năm 1951.Nhà hoạt động Chhay Thy.
Thời gian gần đây, làn sóng người Thượng Tây Nguyên từ Việt Nam bỏ xứ, băng rừng sang lãnh thổ Campuchia để tìm cách xin tị nạn vì lý do bị đàn áp chính trị và tôn giáo đang ngày càng gia tăng. Lo sợ bị bắt trục xuất về nước, họ thường lẩn trốn vào các khu rừng rậm của tỉnh Ratanakkiri chờ được Liên hiệp quốc can thiệp cứu giúp.
Nhà hoạt động Chhay Thy lên án việc bắt giữ, trục xuất người Thượng Việt Nam về nước trước khi xác định rõ lai lịch của họ và cho họ cơ hội nộp đơn xin tị nạn. Ông Thy nói với đài VOA:
“Bắt giữ kiểu này là vi phạm nhân quyền và vi phạm Công ước quốc tế về Người tị nạn năm 1951.”
Đại diện Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc tại Campuchia cũng lên án vụ bắt giữ mới đây.
Phnom Penh Post dẫn lời bà Wan-Hea Lee nói cơ quan của bà hết sức lo ngại về tình trạng của những người Thượng Việt Nam đã bị bắt và cả những người đang còn lẩn trốn trong rừng.
Không có người Thượng nào ở đây cả. Tổ chức Nhân quyền Adhoc phải xác minh thông tin họ đưa ra, nếu không chúng tôi sẽ kiện nhóm này vì động cơ chính trị của họ.Phát ngôn nhân Bộ Nội Vụ Campcuhia Khieu Sopheat.
Bà Lee cho hay Liên hiệp quốc tiếp tục tìm cách liên lạc với Bộ Nội Vụ Campuchia để giải quyết vấn đề người Thượng Việt Nam.
Bà Lee nói sự trì trệ trong việc này một lần nữa cho thấy rõ các vấn đề lớn trong công tác quản trị của nhà nước Campuchia và nhất thiết cần phải có một sự cải tổ dựa trên luật lệ.
Bộ Nội Vụ Campuchia xác nhận thông tin về vụ bắt giữ hôm 1/2, nhưng nói rằng những người bị câu lưu không phải là người Thượng Việt Nam đi tị nạn chính trị mà là những di dân bất hợp pháp sang lãnh thổ Campuchia canh tác trên đất đai của người Campuchia.
Giới hữu trách Campuchia nói các cáo giác của nhóm hoạt động nhân quyền Adhoc mang ‘động cơ chính trị.’ Phát ngôn nhân Bộ Nội Vụ Khieu Sopheat, nói với đài VOA:
“Không có người Thượng nào ở đây cả. Tổ chức nhân quyền Adhoc phải xác minh thông tin họ đưa ra, nếu không chúng tôi sẽ kiện nhóm này vì động cơ chính trị của họ.”
Giới hữu trách Campuchia chưa cho biết thời điểm nào sẽ trục xuất 5 người vừa bị bắt trở về Việt Nam.
Kể từ đầu năm tới nay, có hơn 30 người Thượng Tây Nguyên từ Việt Nam vượt biên sang lãnh thổ Campuchia.
Sau vụ bắt giữ 5 người hôm qua, hiện còn 27 người vẫn đang lẩn trốn tại Ratanakkiri.
Tháng 12 năm ngoái, một nhóm 13 người sắc tộc Jarai đã tiếp xúc được với Liên hiệp quốc sau nhiều ngày trốn trong các khu rừng rậm. Nhóm này được đưa từ Ratanakkiri tới thủ đô Phnom Penh để gặp toán công tác Liên hiệp quốc hôm 21/12. Hiện Liên hiệp quốc đang phối hợp với giới hữu trách Campuchia xác minh xem họ có phải là những người tìm đường tị nạn vì bị đàn áp hay không.
Việt Nam đã yêu cầu Campuchia trục xuất nhóm này về nước, nhưng tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch kêu gọi Phnom Penh chớ để mối quan hệ ngoại giao gần gũi với Hà Nội chi phối quyết định của họ.
Dự kiến sẽ tiếp tục có thêm người Thượng Việt Nam bị trục xuất về nước vì chính sách của Campuchia là không hoan nghênh những người tị nạn từ Việt Nam và Trung Quốc.
Người Thượng Tây Nguyên tập trung ở cao nguyên trung phần Việt Nam gồm khoảng 30 bộ tộc, kể cả người Jarai.
Hơn thập niên qua, rất nhiều người Thượng từ Tây Nguyên Việt Nam đã tìm cách vượt biên giới sang Campuchia để lánh nạn kể từ các cuộc biểu tình hồi năm 2001 đấu tranh đòi quyền tự do tôn giáo và quyền lợi đất đai dẫn tới các cuộc bố ráp của chính quyền.
Your browser doesn’t support HTML5
Từ Campuchia, hàng trăm người đã được Liên hiệp quốc giúp can thiệp và được sang định cư ở các nước thứ ba. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bị bắt và bị trục xuất về Việt Nam, nơi họ có thể đối mặt với các bản án tù dài hạn.
Tại Việt Nam, những tù nhân lương tâm người sắc tộc thiểu số ít được công luận biết đến và lên tiếng bênh vực.
Your browser doesn’t support HTML5