Thêm một chiến dịch vận động nhân quyền cho Việt Nam

Cuộc tổng vận động vào đầu tháng 6 với phái đoàn hằng trăm người Việt sẽ đổ về thủ đô Washington tới các văn phòng dân biểu và thượng nghị sĩ kêu gọi ủng hộ hai đạo luật nhân quyền cho Việt Nam.

Thêm một chiến dịch vận động nhân quyền cho Việt Nam khởi sự tại Hoa Kỳ trước khi cuộc đối thoại nhân quyền thường niên Việt-Mỹ diễn ra vào giữa tháng này.

Chiến dịch do Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS đề xướng bắt đầu từ ngày 10/4 với các buổi họp và điều trần tại Quốc hội Mỹ và sẽ kết thúc bằng cuộc tổng vận động vào đầu tháng 6 với phái đoàn hằng trăm người Việt đổ về thủ đô Washington tới các văn phòng dân biểu và thượng nghị sĩ kêu gọi ủng hộ hai đạo luật nhân quyền cho Việt Nam và đặt điều kiện nhân quyền với Hà Nội khi thương nghị Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.

Trong cuộc trao đổi với Trà Mi ngày 3/4, Giám đốc điều hành tổ chức BPSOS, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, cho biết thêm chi tiết nghị trình cuộc vận động năm nay.

Your browser doesn’t support HTML5

Thêm một chiến dịch vận động nhân quyền cho Việt Nam


Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng: Ngày 10/4 sẽ có cuộc họp với các nhân viên lập pháp trong Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện Hoa Kỳ. Sau đó sẽ có cuộc họp báo về vấn đề nhân quyền Việt Nam ngay tại Hạ viện. Chiều 10/4 sẽ có cuộc họp với Chủ tịch Ủy hội Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ về tình hình đàn áp tôn giáo tại Việt Nam.

Ngày 11/4 sẽ có cuộc điều trần tại Hạ viện Mỹ về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, tập trung vào 3 lĩnh vực: đàn áp tôn giáo, nạn tra tấn-bạo hành của công an, và nạn buôn người.

Vài tuần sau đó sẽ có cuộc điều trần nối tiếp, tập trung vào vấn đề tài sản của các giáo hội và của công dân Hoa Kỳ gốc Việt đã và đang bị cưỡng đoạt bởi chính quyền Việt Nam.

Hai cuộc điều trần này là nền móng cho hai đạo luật nhân quyền Việt Nam hy vọng được đưa vào Hạ viện Mỹ vào tháng 5 gồm Đạo luật Nhân quyền Việt Nam và Đạo luật Chế tài những kẻ vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Ngày 4/6 sẽ có cuộc tổng vận động tại Hạ và Thượng viện Quốc hội Hoa Kỳ để kêu gọi ủng hộ hai đạo luật này.

VOA: Thành phần tham dự các buổi điều trần này gồm những ai?

Tiến sĩ Nguyễn Ðình Thắng, Giám đốc điều hành tổ chức BPSOS.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng: Các nhân chứng ra điều trần ngày 11/4 gồm cựu dân biểu Cao Quang Ánh, ông Võ Văn Ái từ Pháp đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một giáo dân Cồn Dầu đã chứng kiến cuộc đàn áp ngày 4/5/2010, thân nhân của một nạn nhân buôn người trong số 15 cô gái Việt bị bán sang Nga làm mại dâm (mà hiện còn 8 cô đang trong tay những kẻ buôn người). Có tổng cộng 5 nhân chứng người Việt ra điều trần. Người thứ năm chúng tôi đang quyết định. Đây là cuộc điều trần hỗn hợp của hai Tiểu ban dưới Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ. Chúng tôi kỳ vọng có sự tham dự của Chủ tịch Tiểu ban đặc trách nhân quyền là dân biểu Christopher Smith và Chủ tịch Tiểu ban đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương là dân biểu Steve Chabot, cùng một số các vị thường xuyên quan tâm về vấn đề Việt Nam như dân biểu Ed Royce, Frank Wolf, và Zoe Lofgren.

VOA: Nội dung buổi điều trần thứ nhì xoay quanh vấn đề tài sản giáo hội và tài sản công dân Mỹ gốc Việt bị tước đoạt. Vì sao vấn đề này được đặt ra trong cuộc vận động nhân quyền Việt Nam năm nay?

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng: Đất đai là một vấn đề nhân quyền, nằm trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Mọi người đều có quyền sở hữu đất và không bị tước đoạt. Việc cưỡng chế đất đai đang là vấn đề nóng hổi ở Việt Nam hiện nay, gây ra hoạn nạn cho các nông dân và các giáo hội. Đó là công cụ đàn áp của chế độ nhắm vào các giáo hội độc lập như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Phật giáo Khme Krom, và những người Hmong, người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên theo đạo Tin Lành..v.v...Đối với các dân oan tại Việt Nam bị tịch thu đất đai, Hoa Kỳ không có tiếng nói mạnh mẽ được vì coi như “chuyện nội bộ”, nhưng trong suốt 37 năm qua, chính quyền Việt Nam đã tước đoạt tài sản của công dân Mỹ. Đó là vi phạm luật quốc tế. Luật pháp Hoa Kỳ đòi hỏi hành pháp phải có biện pháp chế tài đối với bất kỳ chính quyền nào đã tước đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ. Có đến chục hay trăm ngàn trường hợp bỏ nước ra đi từ năm 1975 hiện đã trở thành công dân Hoa Kỳ mà tài sản của họ đã bị chính quyền Việt Nam tước đoạt.

VOA: Cuộc vận động tổng thể lần này có những điểm giống và khác ra sao so với chiến dịch vận động thỉnh nguyện thư vào Tòa Bạch Ốc kêu gọi nhân quyền cho Việt Nam hồi năm ngoái?

Một nạn nhân của nạn buôn người, cô Vũ Phương Anh (thứ nhì từ bên phải), phát biểu trong một cuộc điều trần trước tiểu ban nhân quyền của Ủy ban đối ngoại Hạ-viện Hoa Kỳ, ngày 24/1/2012.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng: Đây là bước nối tiếp. Sau cuộc vận động vào Tòa Bạch Ốc tháng 3 năm ngoái, chúng tôi đã làm việc và hướng dẫn các phái đoàn tiếp tục vận động tại địa phương. Bây giờ, họ trở lại thủ đô Washington để tiếp tục vận động. Điểm khác biệt là năm nay chúng tôi làm quy củ hơn gồm ba bước. Thứ nhất là các buổi điều trần và tiếp xúc trong 10 và 11/4. Cuộc điều trần kế tiếp vài tuần sau đó hy vọng sẽ mời được các giới chức hành pháp tham gia để trả lời các thắc mắc của phía lập pháp trong Quốc hội Hoa Kỳ. Sau hai cuộc điều trần này sẽ có hai đạo luật được đưa ra để làm mấu chốt khởi động cuộc vận động từ địa phương lên đến toàn liên bang vào đầu tháng 6. Năm nay là năm đầu trong nhiệm kỳ hai năm của Quốc hội Mỹ. Chúng ta khởi đầu sớm sẽ có thời gian dài hơn để vận động cho các đạo luật về nhân quyền đối với Việt Nam.

Đặc biệt năm nay tại Việt Nam đang có phong trào đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp. Các giáo hội độc lập trong nước đã lên tiếng mạnh mẽ và chúng tôi cũng muốn yểm trợ cho các tiếng nói đó để đòi hỏi thay đổi Hiến pháp Việt Nam.

VOA: Cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ năm nay diễn ra vào giữa tháng 4 này tại Hà Nội. Thời gian sự kiện đó và chiến dịch vận động nhân quyền bắt đầu từ 10/4 kéo dài đến tháng 6 có sự trùng hợp..

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng: Vâng, rất đúng. Nó trùng hợp vì có lý do. Chúng tôi muốn có cuộc điều trần trước khi phái đoàn Bộ Ngoại giao Mỹ lên đường đi Việt Nam. Sau khi họ trở về lại có cuộc điều trần thứ nhì. Chúng tôi đang làm việc với Quốc hội Hoa Kỳ để yêu cầu một số giới chức hành pháp tới cuộc điều trần thứ hai này trình bày về chuyến đi đó xem họ đã nêu những vấn đề gì, thỏa thuận những điều nào, và đã có những tiến bộ nào từ phía Việt Nam hay chưa.

VOA: Về mục tiêu của chiến dịch, những người tổ chức kỳ vọng đạt được những điều gì sau cuộc vận động năm nay?

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng: Kỳ vọng thứ nhất, hành pháp và Quốc hội Mỹ sẽ có thể thức hội ý, hợp tác thường xuyên, đều đặn, chính thức với người Mỹ gốc Việt. Mục tiêu thứ hai, đạt những điểm trọng tâm trong công cuộc tranh đấu nhân quyền Việt Nam, trong vấn đề đối ngoại của Mỹ với Việt Nam như thúc đẩy Việt Nam tôn trọng tự do tôn giáo, ngưng các biện pháp tra tấn và nạn công an bạo hành, thực tâm phòng-chống nạn buôn người, và chính quyền Hoa Kỳ phải công tâm thi hành trách nhiệm bảo vệ quyền lợi-tài sản của công dân Mỹ hiện đang bị xâm phạm bởi chính quyền Việt Nam.

VOA: Xin chân thành cảm ơn anh đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.

http://www.youtube.com/embed/SU1eFmaG4kU