Sáu thứ hoặc Ít hơn là một chương trình thử nghiệm, một sự phản đối nhẹ nhàng đối với sự tiêu thụ quá nhiều đồ thời trang cũng như chi phí cao cho việc mua sắm hàng may mặc. Người đã nghĩ ra ý tưởng này là giám đốc một công ty quảng cáo ở thành phố New York, bà Heidi Hackemer.
“Tôi có một người bạn thân ở London. Một hôm, tôi và cô ấy trò chuyện với nhau trên trang Facebook về quần áo cũng như số thời gian và công sức mà chúng tôi bỏ ra cho vấn đề quần áo, và chúng tôi cảm thấy điều này dường như khá kỳ cục. Vì vậy, tôi và cô ấy muốn thử xem nếu chúng tôi giảm số quần áo trong tủ xuống và chỉ mặc đi mặc lại một vài đồ thôi thì điều gì sẽ tác động tới đời sống của chúng tôi. Xem chúng tôi có cảm thấy căng thẳng khi không có nhiều lựa chọn về quần áo hay không? Chúng tôi có trở nên sáng tạo hơn không? Và đầu óc chúng tôi có được tự do, thoải mái để nghĩ về những điều khác hay không?"
Hai người bạn đã chia sẻ ý tưởng này với những người bạn khác của họ.
“Khi chúng tôi đi làm vào ngày thứ Hai, chúng tôi đã nói chuyện với một vài người về ý tưởng này. Chúng tôi gửi một vài tin nhắm trên Twitter. Và rồi bỗng nhiên, trong vòng 5 ngày, chúng tôi đã có gần 100 người trên khắp thế giới nói rằng họ cũng muốn tham gia vào chương trình thử nghiệm này cùng với chúng tôi. Vì thế chúng tôi đã bắt đầu chương trình từ ngày 21 tháng 6 cho tới ngày 21 tháng 7."
Bà Hackemer nói rằng đó là một tháng rất thú vị với sự tham dự của nhiều đối tượng khác nhau.
“Chúng tôi có một bé gái 11 tuổi và một phụ nữ trên 60 tuổi tham gia. Chúng tôi có sự tham dự của những người từ mọi thành phần của xã hội. Chúng tôi có những người tham gia từ nhiều nơi trên thế giới, từ Singapore cho tới Dubai, London, Amsterdam, Brazil, và trên khắp nước Mỹ. Dường như có rất nhiều người đang phải đấu tranh tư tưởng với vấn đề quần áo và cách mà họ chi tiêu cho quần áo. Tôi nghĩ đó là lý do tại sao chúng tôi có nhiều đối tượng đa dạng tham gia đến như vậy."
Bà Hackemer nói rằng bà rất ngạc nhiên khi thấy chỉ có vài người nhận ra bà mặc đi mặc lại 6 thứ trong cả tháng.
“Tôi có một chiếc quần xoóc để mặc vào cuối tuần. Và tôi có một chiếc áo cộc tay màu đen để diện. Tôi kết hợp một chiếc quần màu đen và một chiếc áo đen cùng với một chiếc váy ngắn cùng một chiếc váy dài màu đen."
Bà nhận ra rằng có ít lựa chọn hơn đã giảm bớt sự căng thẳng trong cuộc sống.
“Tôi nhận ra điều gì thực sự quan trọng và điều gì đáng phải bận tâm. Tôi cũng nhận thấy rằng sự đơn giản hóa này đã tác động tới những điều khác trong cuộc sống thường nhật của tôi, ví dụ như là tôi đi bộ nhiều hơn và nấu ăn nhiều hơn. Tôi nhận ra rằng những thứ như vậy, ý tôi là những thứ vật chất mà chúng ta cho phép chúng tồn tại trong thế giới chúng ta, thực sự đã làm tâm trí chúng ta tắc nghẽn. Thực tế là đầu óc của chúng ta sẽ rất mạnh mẽ và tích cực nếu chúng ta dẹp bỏ bớt đi đôi chút những điều không cần thiết."
Cô Kristy Hogue, 22 tuổi sống ở thành phố Seattle, bang Washington, đã biết về chương trình thử nghiệm của bà Hackemer qua một bài viết trên tạp chí. Cô nói rằng ý tưởng đó đã thu hút cô vì vậy cô quyết định trở thành một người chỉ mặc đi mặc lại 6 thứ đồ.
“Tôi cảm thấy tôi có quá nhiều thứ kể cả những bộ quần áo mà tôi đã không mặc đến lâu nay. Vì vậy tôi nghĩ đó sẽ là một thử nghiệm tuyệt vời để xem tôi có thể mặc đi mặc lại 6 thứ đồ hay ít hơn không."
Cuộc thử nghiệm này đã thôi thúc Hogue kiểm tra lại tủ quần áo của mình và bỏ đi những bộ đồ cô không mặc tới. Tuy nhiên, cô thừa nhận rằng chỉ có 6 thứ đồ để lựa chọn trong 31 ngày thì quả là một thách thức.
“Ban đầu tôi đã rất dễ dàng lựa chọn những bộ đồ để mặc. Đó là những thứ đồ tôi thích và thường hay mặc. Trong tuần đầu tiên, tôi rất hào hứng và mọi chuyện đều diễn ra một cách hoàn hảo, rồi sau đó tôi cảm thấy nhàm chán. Rồi tôi bắt đầu cảm thấy hơi căng thẳng. Tôi không có đủ sự tự do để lúc nào cũng có vẻ bề ngoài như tôi mong muốn. Vì vậy tôi thực sự chán nản. Cuối cùng thì tôi cũng chấp nhận điều đó và bắt đầu thấy thoải mái hơn và không quá chú trọng đến việc mình trông sẽ như thế nào nữa."
Đa số những người tham gia vào chương trình này là phụ nữ. Còn ông Alexander Smith, 35 tuổi, tới từ New York, là một trong số 40 nam giới tham gia cuộc thử nghiệm. Ông đã chọn 6 chiếc từ tủ quần áo của mình và cuối cùng chỉ mặc có 5 chiếc.
“Phần khó nhất đối với tôi là phải giặt quần áo bằng tay gần như mỗi ngày để có thể có đồ mặc vào ngày hôm sau.”
Ông nói rằng chương trình thử nghiệm này đã thay đổi nhận thức của ông về những điều khiến con người ta vui vẻ hạnh phúc.
“Chúng ta có nhiều lựa chọn đối với tất cả mọi thứ. Có hàng trăm cơ hội cho người tiêu dùng. Nhưng tất cả những sự lựa chọn đó không nhất thiết sẽ dẫn đến bất cứ thành quả nào. Chúng ta bị ám ảnh bởi những món hàng mới mẻ. Chúng ta chạy theo những thứ đó, khi mà trên thực tế nếu chậm rãi và cân nhắc lại lựa chọn của mình một cách kỹ càng hơn, có thể sẽ khiến chính bản thân chúng ta cảm thấy khó chịu trong chừng mực nào đó, nhưng thực sự lại đem tới nhều thời gian hơn, hạnh phúc hơn và nhiều thành quả hơn.”
Trang web Six Items or Less còn có một diễn đàn để những người tham gia và những người quan sát chia sẻ ý kiến và kinh nghiệm của mình. Bà Heidi Hackemer nói rằng trang web đã có rất nhiều người ghé thăm trong tháng thử nghiệm. Bà nói thêm rằng có hơn 1.000 người trên khắp thế giới đã bày tỏ mong muốn được tham gia trong lần thử nghiệm tiếp theo vào tháng 10 tới đây.
Mình sẽ mặc gì hôm nay? Đó là câu hỏi thường nhật làm tiêu tốn thời gian và đôi khi khiến nhiều người cảm thấy căng thẳng, đặc biệt là phụ nữ. Một số người thậm chí đứng trước một tủ đầy quần áo mà vẫn chẳng biết mặc đồ gì. Nhưng nếu họ chỉ có 6 thứ đồ để lựa chọn cho cả tháng thì sao? Đó là ý tưởng của một chương trình thử nghiệm tự buộc mình phải tiết kiệm mang tên ‘Six Items or Less’ tạm dịch là ‘6 thứ hoặc ít hơn’.