Ông Daniel Le, làm việc cho Boat People SOS, một tổ chức bất vụ lợi, tại văn phòng ở Biloxi, bang Mississippi, nói lên một số quan ngại cho toàn thể cộng đồng dân chúng dọc theo duyên hải bang Louisiana, Mississippi và Alabama:
"Mùi dầu đã vào tới bờ rồi, người ta sợ ảnh hưởng tới sức khỏe sau này, còn cộng đồng ngư phủ thì người ta rất lo lắng, sợ sẽ không làm việc được trong một thời gian dài. Nếu kéo dài trong một thời gian thì người ta sẽ không có tiền dể trang trải cho công cuộc làm ăn, cho nhà cửa của họ."
Theo sự ước đoán của ông Daniel Le, cộng đồng ngư phủ gốc Việt tại Alabama, Mississippi và Louisiana vào khoảng 6, 7 ngàn người sống bằng nghề biển, gồm cả những chủ tàu, ngư phủ hoặc làm trong các hãng chế biến thủy sản.
Trước lệnh cấm tàu bè đi vào vùng biển rộng trên 17 ngàn kilomét vuông vì sợ dầu loang ngay khi bắt đầu mùa đánh tôm cá và hải sản, các ngư phủ đang bồn chồn đứng ngồi không yên vì họ phải lo chi trả tiền mua tàu, vay ngân hàng phải trả hàng tháng, tiền bảo hiểm, tiền nợ nhà, tiền xăng dầu đi biển, chưa kể những chi phí khác trong gia đình. Một ngư dân, chủ tàu, ông Nguyễn Cường, sống tại thành phố New Orleans, cho biết về tình cảnh của ông: ông đã từng là nạn nhân trận bão Katrina cách nay 5 năm, lúc đó chiếc tàu đánh tôm của ông đã trả hết nợ, nên không bị ngân hàng buộc mua bảo hiểm như trước, không có bảo hiểm, tàu bị bão tàn phá, ông trắng tay. Nhưng sau nhờ chính phủ cho vay không lãi, để sắm một chiếc tàu mới, cỡ nhỏ, cuộc sống gia đình ông đã ổn định trở lại. Nay lại xảy ra tai họa dầu loang, không đi biển được ngay trong lúc đang mùa tôm cá, ông đứng lo ngại khi nghĩ đến những khoản tiền hàng tháng phải chi trả:
"Gia đình nào thì tôi không biết, nhưng gia đình tôi rất là khó khăn. Hiện giờ phải trả tiền mượn của chính phủ không thôi hàng tháng cũng trên 3 ngàn đồng (đô la), chẳng biết làm sao đây, còn tiền nhà, tiền xăng, tiền bảo hiểm này kia rất là cao. Một tháng chi ra trên 5 ngàn mà giờ tôi không biết làm sao đây."
Hiện nay công ty BP đang xúc tiến chương trình ngăn chặn dầu loang, và một trong những biện pháp là thuê mướn ngư phủ có sẵn tàu để ra khơi thả phao chặn dầu loang, gom và hút dầu. Tuy nhiên trong cộng đồng ở Louisiana, các ngư phủ người Việt mới đang bắt đầu tham gia chương trình này, hy vọng có được chút tiền thay thế cho nguồn lợi tức đi biển mà giờ đang bị ngưng. Nhưng theo như chỗ được biết, nhiều ngư phủ gốc Việt không đủ trình độ tiếng Anh để có thể liên lạc, thông tin với nơi chỉ huy hay các cơ quan liên hệ khác trong lúc làm công việc ngăn chặn dầu loang ngoài biển, nên đây lại là một khó khăn nữa. Mời quí vị nghe đoạn đối thoại sau đây để hiểu rõ hơn về tình cảnh mà ông Cường là tiêu biểu cho số khá đông:
VOA: Ông có thể chịu đựng được bao lâu trong tình trạng nếu không có thu nhập?
Ông Cường: Hai vợ chồng chỉ có thể chịu trong tháng này thôi, tháng sau là hết rồi. Muốn nói mấy đứa con, mà nó bận quá, tiếng Việt thì nó hiểu nhưng viết thì không viết được, định nhờ chúng nó viết thư gửi cho ngân hàng mình mượn tiền, delay (hoãn trả) tháng sau.
VOA: Tức là ông định nhờ các cháu viết thư khất nợ với ngân hàng mà các cháu bận quá chưa viết được?
Ông Cường: Dạ đúng rồi.
VOA: Thế khả năng Anh ngữ của ông đến mức nào? Có hy vọng được BP nhận cho đi làm hay không?
Ông Cường: Tôi nghĩ chắc Anh văn của tôi nó không nhận đâu, chỉ nói được chút chút thôi chứ không hiểu được nhiều. Qua đây năm 79, mới có 2 tuần lễ rồi sponsor (bảo trợ) đưa vô trong một shipyard (xưởng đóng tàu) để đi làm. Qua đây đi làm chung với Mỹ, cũng học được mấy tiếng bồi vậy thôi chứ không có khả năng.
VOA: Vậy là hy vọng ông được BP mướn rất ít phải không?
Ông Cường: Dạ
VOA: Ông có tính đến chuyện gì khác không trong trường hợp tôm thì không đi đánh được, mà làm cho BP cũng không được thuê?
Ông Cường: Chuyện khác thì tôi chưa tính, mà bây giờ chỉ cầu xin làm sao cho gió nó đưa đi vùng khác cho dầu đừng loang về phía west của sông Mississippi, phía west của Mississippi có nhiều hồ lắm, hy vọng chính phủ bỏ lệnh cấm để chúng tôi đi làm vậy thôi.
Có 2 lý do để ông Cường muốn tham gia vào công tác ngăn chặn dầu loang; thứ nhất là ông muốn có chút lợi tức đắp đổi trong lúc không đi biển được, thứ hai ông lo cho môi trường sinh thái, hy vọng với việc làm này ông sẽ góp phần vào việc bảo vệ môi sinh. Môi trường lành mạnh thì tôm cá mới còn cho ngư dân kiếm sống và thế hệ mai sau mới còn đất sống.
Theo một ngư phủ gốc Việt khác có tàu đánh tôm cỡ trung, ông Nguyễn Mười, thì hợp đồng của BP để làm việc chặn dầu loang có nhiều điều bất lợi:
"Chúng tôi đã nộp đơn, đi cả ba ngày trời. Chỉ nộp đơn vậy thôi, chứ contract (hợp đồng) bất lợi cho chúng tôi rất nhiều. Họ bắt chúng tôi phải có bảo hiểm cho nhân công đi làm trên tàu của chúng tôi, bắt chúng tôi chi phí trước, sau đó 3, 4 tháng mới hoàn lại số tiền đó. Họ đã gọi tôi, nhưng tôi đã đưa ra những điều kiện, tại vì trong thời gian nghỉ (4 tháng mùa đông) không đi biển, chúng tôi sửa chữa tàu bè để đi làm, chi phí sửa chữa quá nhiều, mà đi làm cho họ phải trả tiền trước, tiền dầu mỗi chuyến đi chừng 10 ngày chúng tôi phải trả 6, 7 ngàn đô la, tiền đâu chúng tôi trả trước? Họ bắt chúng tôi phải chịu chi phí đó à?
Ông Mười đòi BP phải đổ dầu cho tàu của ông trước, nhưng BP không, hay chưa, gọi lại cho ông.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Xuân Phong, làm việc tại Fishery Research, thuộc National Marine Fishery của bang Louisiana thì BP chịu cung cấp dầu cho chủ tàu ra khơi chặn dầu loang, nhưng khoản chi phí rất nặng cho chủ tàu là bảo hiểm cho nhân công, ít nhất là từ 2 đến 3 người, ngoài chủ tàu, đi theo làm công tác này, BP không trả, chỉ trả khoán cho chủ tàu, tàu lớn, trên 41 feet, là 2 ngàn đô la một ngày, tàu nhỏ là 1500. Ông giải thích lý do mà một số chủ tàu gốc Việt không thamg gia công việc chặn dầu loang của BP:
"Làm những việc này (ra biển chặn dầu loang) bảo hiểm tăng lên rất cao. Bởi vậy chủ tàu chỉ còn lại khoảng 600 hay 700 đô la một ngày mà thôi."
Trước câu hỏi 600 hay 700 đô la một ngày thì vẫn còn hơn là không có gì hết? Ông Phong giải thích:
"Nếu nói theo lối 'có còn hơn không' thì như vậy. Nhưng họ chiếu theo lối ngày mùa của họ, ngày này là ngày họ kiếm ra tiền, thì nếu đi đánh tôm thì họ còn kiếm nhiều gấp đôi, gấp ba số tiền đó. Bởi thế mà họ còn lưỡng lự. Cũng có một số họ đã ra khơi làm công tác này, một số thì còn nghe ngóng chờ lệnh của chính phủ xem có cho phép đánh tôm trở lại hay không. Những người chờ đợi đó có lý do của họ, là họ không rành tiếng Anh, họ muốn tự làm cho họ qua việc đánh bắt. Còn một số biết tiếng Anh thì họ chê lương thấp. Vì lý do đó mà công ty BP hơi gặp trở ngại, thiếu nhân lực để ra dọn dẹp ở ngoài khơi."
Chủ tàu nếu muốn làm việc chặn, vớt dầu loang cho BP thì phải hội đủ những điều kiện như thế nào? Ông Daniel Le, làm việc cho Boat People SOS tại Biloxi, bang Mississippi, cho biết:
"Thể thức đăng ký rất dễ dàng. Chỉ cần gọi vào, họ cần số điện thoại, tên, địa chỉ của mình, một thời gian họ sẽ chuyển những dữ liệu này sang cho cơ quan Coast Guard. Coast Guard sẽ cho người đến xét tàu mình, đủ điều kiện xong là họ dán cho sticker, giấy chứng nhận tàu đủ điều kiện ra biển được, không thiếu equipment (trang thiết bị) gì hết. Xong phần đó rồi họ mới sắp xếp cho đi training, thực tập những gì mình cần biết khi ra biển vớt dầu loang."
Cũng theo thông tin do ông Daniel Le cung cấp, ông cho biết mới đây đã họp với đại diện của BP, được biết vấn đề contract sẽ còn thay đổi chút ít, nhưng vấn đề xăng dầu thì chủ tàu đổ xong, ra khơi, hết bao nhiêu, trở về, BP sẽ đổ lại nhiêu đó để hoàn lại. Còn vấn đề trả tiền thì khi chủ tàu xong công tác, 14 ngày sau gửi hóa đơn tính tiền đến cho BP, công ty này sẽ xử lý giấy tờ và gửi chi phiếu đến thanh toán cho chủ tàu.
Nếu quí vị nào còn thắc mắc, xin liên lạc với:
Daniel Le
Branch manager
Boat People SOS Biloxi-Bayou LaBatre
179 Lameuse Street
Biloxi, MS 39530
Điện thoại: 228 436 9999
Fax: 228 436 9909
Email: daniel.le@bpsos.org
Website: bpsos.org
Vụ nổ giàn khoan khiến dầu phun lên từ mỏ dầu sâu dưới lòng biển vịnh Mexico và lan vào bờ theo một tốc độ nhanh khiến chính phủ liên bang, tiểu bang và địa phương đang phải hợp sức đối phó. Dầu loang gây ô nhiễm môi sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe của toàn thể dân chúng và các sinh vật sống trong và quanh khu vực. Thiệt hại về kinh tế chắc chắn không tránh khỏi. Hiện nay người ta chưa thể xác định được rõ những thiệt hại ngay tức thời cũng như trong dài hạn. Tuy nhiên lệnh cấm tàu bè đi vào một khu vực rộng hơn 17 ngàn kilomét vuông ít nhất 10 ngày cũng đã làm cho cộng đồng ngư dân với đông đảo người Việt tại vùng Louisiana, Alabama và Mississippi vô cùng lo ngại. Lan Phương đã tiếp xúc với một số ngư dân trong cộng đồng này để tường trình về những quan ngại của họ và đã liên lạc với những người làm việc cho các cơ quan có thể tiếp tay cung cấp thông tin cho cộng đồng. Mời quí vị theo dõi các chi tiết trong Câu Chuyện Nước Mỹ hôm nay.