“Lòng riêng mừng sợ khôn cầm/ Sợ thay mà lại mừng thầm cho ai” (Kiều). Đấy cũng là một trong những nghịch lý của những kẻ buôn vũ khí ở Hà Nội đang theo dõi từng ngày cuộc chiến của quân và dân Ukraine chống lại Nga xâm lược bằng các trang bị của Mỹ và NATO. Có chuyên môn, họ hiểu tính ưu việt của vũ khí phương Tây, nhưng là “thần dân” của một chế độ độc tài – toàn trị, họ không dám mở miệng khen lấy một câu, chứ chưa nói ủng hộ sự nghiệp chống xâm lăng của những người từng là anh em cùng chiến hào.
Khiếp sợ (một cách vô lối) bởi Nga và Trung Quốc, Việt Nam chẳng dám ho he lên tiếng, chứ chưa nói tới ca ngợi tài cầm quân lẫn tinh thần kháng cự của tướng lĩnh, sĩ quan và binh lính Ukraine. Hà Nội thấy Kiev chống trả Nga ác liệt trong 10 tháng qua cũng có phần thích thú, nhưng chỉ dám “thích ngầm” thôi. Một bộ phận thức thời ở Ba Đình buộc phải tính chuyện “đường xa sau này”. Việt Nam muốn tập trung vào một sự thay đổi lớn trong quốc phòng, khi tìm cách giảm phụ thuộc vào vũ khí của Nga, quan tâm tới thị trường Mỹ và đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí sản xuất trong nước, với bên mua có thể đến từ châu Phi, châu Á và có thể thậm chí là cả Moscow. Việt Nam hiện là một trong 20 quốc gia mua vũ khí lớn nhất thế giới giữa bối cảnh căng thẳng leo thang với Trung Quốc, với ngân sách nhập khẩu vũ khí hàng năm ước tính khoảng 1 tỷ USD và sẽ còn tăng nữa, theo GlobalData, nhà cung cấp dữ liệu toàn cầu về mua sắm quân sự.
Tìm mọi cách “giãn Nga – xa Trung”
Hầu hết khoản ngân sách này trước đây đều được trả cho Nga, quốc gia trong nhiều thập niên là nhà cung cấp vũ khí và hệ thống phòng thủ chính của Việt Nam. Điều đó khiến Việt Nam trở thành một trong những khách hàng mua vũ khí hàng đầu của Mockow, theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI). Nhưng điều này sẽ thay đổi khi Việt Nam đang cố gắng “giãn Nga – xa Trung”, để kiếm được những thiết bị tiên tiến mà Nga không thể cung cấp, hơn nữa còn phải lo đối mặt với áp lực của phương Tây, nếu tiếp tục mua sắm từ Moscow. Vũ khí được cho là “hiện đại” của Nga đang thành những đống sắt vụn trên chiến trường Ukraine. Hà Nội lại càng không thể mua loại vũ khí “dưới cơ” vũ khí Trung quốc để chống lại chính “đại ca” của mình. Thay vào đó, Việt Nam đang chuyển sang các nhà cung cấp từ châu Âu, Đông Á, Ấn Độ, Israel và Hoa Kỳ. Việt Nam cũng đang thúc đẩy ngành công nghiệp quân sự trong nước với sự hỗ trợ từ Israel và các đối tác khác.
Tuy nhiên, tiến trình “giãn Nga – xa Trung” đang gặp một rắc rối mới. Tin từ nội bộ Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết, hiện Nga lại đang muốn mua lại một phần hay tất cả các vũ khí mà trước đây đã bán cho Việt Nam. Việt Nam hết sức đau đầu về chuyện này. Điều này cho thấy nước Nga đang gặp khó khăn thực sự, họ sản xuất vũ khí không kịp cho cuộc xâm lăng tại Ukraine, hơn nữa các lệnh trừng phạt của phương Tây không xuất khẩu chip bán dẫn cho quân đội Nga để có thể sản xuất. Nếu không đáp ứng yêu cầu của Nga, Việt Nam sợ Nga “phật lòng”, nếu tiến hành giao thương thì rủi ro rất cao. Trong khi đó, lại có tin chính thức Mỹ sẽ giao cho Việt Nam 12 chiếc máy bay huấn luyện T-6 trong giai đoạn từ năm 2024 đến 2027. Đây là thông tin được Nữ Chuẩn tướng Không quân Sarah Russ đưa ra trong cuộc họp báo vào sáng ngày 9/12 tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội. Báo nhà nước Việt Nam dẫn lời bà Russ cho biết: “Mỹ rất vui khi Việt Nam đã chọn chúng tôi là một trong các đối tác để hiện đại hóa chương trình đào tạo phi công cho không quân Việt Nam”. Ba chiếc máy đầu tiên sẽ được giao trong quý đầu năm 2024, hai hoặc ba chiếc tiếp theo sẽ được giao vào cuối năm 2024. Số còn lại sẽ được giao vào năm 2027.
Theo TS. Hà Hoàng Hợp, Việt Nam đang đàm phán các thỏa thuận khả thi để nhập khẩu vệ tinh và các sản phẩm lưỡng dụng khác từ các đối tác khác “ngoài Nga”. Điều đó sẽ đẩy nhanh xu hướng giảm nhập khẩu vũ khí của Nga, với giá trị giảm xuống chỉ còn 72 triệu đôla vào năm ngoái (30% tổng lượng nhập khẩu) từ mức cao nhất năm 2014 là 1 tỷ đô la, chiếm gần 90% tổng số năm đó, theo SIPRI. Nhập khẩu từ Nga đã giảm hàng năm kể từ đó, ngoại trừ năm ngoái, khi phục hồi nhẹ sau năm 2020. Năm đó, đại dịch COVID-19 làm giảm nhập khẩu quân trang của Việt Nam xuống chỉ còn 32 triệu đôla, trong đó 9 triệu đôla là vũ khí của Nga. Theo các nguồn tin từ “Triển lãm quốc phòng quốc tế” này, đến năm 2025 Việt Nam sẽ có doanh nghiệp đứng trong danh sách 80 doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới về doanh thu, xuất khẩu được sản phẩm quốc phòng. Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Triển lãm: “Phát triển công nghiệp quốc phòng sẽ trở thành mũi nhọn công nghiệp quốc gia”.
Triển lãm năm nay quy tụ 170 đơn vị tham gia trưng bày các sản phẩm quân sự và dân sự phục vụ an ninh quốc phòng đến từ 30 quốc gia. Theo đó, doanh nghiệp này đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đứng trong danh sách 80 doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới về doanh thu, xuất khẩu được sản phẩm quốc phòng, tiến lên danh sách 60 doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu vào năm 2030. Viettel mang đến triển lãm quân sự quốc tế 60 sản phẩm quân sự và 59 sản phẩm dân sự phục vụ "Kinh tế quốc phòng trong kỷ nguyên số" trên diện tích trưng bày 2.200m2. "Tham gia sự kiện lần này chúng tôi mong muốn chứng minh được năng lực của tập đoàn trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất công nghệ cao. Việt Nam muốn thoát khỏi bẫy trung bình và không bị phụ thuộc, chúng ta phải tự chủ được thiết bị công nghệ cao cho cả quân sự, dân sự" – ông Tào Đức Thắng, tổng giám đốc Viettel, chia sẻ.
Đa dạng hóa thị trường vũ khí
Dữ liệu của SIPRI cho thấy, trong những năm gần đây, Việt Nam đã mua thiết bị quân sự từ các nhà cung cấp mới, bao gồm Hoa Kỳ, Israel, Hà Lan và Hàn Quốc.
Với cuộc chiến ở Ukraine, mà Nga gọi là “chiến dịch đặc biệt”, Việt Nam dường như đang tăng tốc đa dạng hóa. Các nhà phân tích nói Ấn Độ, Israel và các nước Đông Âu có vị thế tốt hơn trong tư cách là nhà cung cấp thay thế vì họ có thể cung cấp vũ khí tương thích với các hệ thống của Nga hiện vẫn chiếm 80% kho vũ khí của Việt Nam. Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về ngoại giao Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc ở Canberra, nói đối với các hệ thống khí cụ tiên tiến hơn, các nhà sản xuất ở Tây hoặc Đông Á cũng có thể là những nhà cung cấp tiềm năng cho Việt Nam.
Reuters dẫn lời của Nghiên cứu sinh tiến sĩ Nguyễn Thế Phương từ Đại học New South Wales (Úc) cho thấy đã có các cuộc thảo luận nội bộ tại Việt Nam về việc liệu quốc gia này có nên bán vũ khí cho Nga hay là không, mặc dù cho đến nay chưa thấy một quyết định như vậy. Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Việt Nam không phản hồi trước yêu cầu bình luận từ Reuters. Nghiên cứu sinh Hunter Marston nhận định khả năng tương thích của vũ khí Việt Nam với Nga: "Khoảng 80% kho vũ khí của Việt Nam là nhập khẩu từ Nga vì vậy các thiết bị do Việt Nam sản xuất có thể sẽ phần lớn tương thích với phía Nga." Theo SIPRI tính đến ngày 5/12 thì trong 100 công ty hàng đầu về buôn bán vũ khí trên thế giới, hiện có 6 công ty của Nga, với tổng doanh thu là 17,8 tỷ USD, tăng chỉ 0.4% so với năm 2020. "Như vậy là đang có dấu hiệu trì trệ lan rộng trên khắp ngành công nghiệp vũ khí của Nga", báo cáo của SIPRI đề cập.
Theo SIPRI thì các công ty Nga đang gia tăng tốc độ sản xuất vì cuộc chiến tranh Ukraine, nhưng lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn chip bán dẫn, đồng thời chịu tác động từ các lệnh trừng phạt của Phương Tây như không thể nhận được phần thanh toán. Hồi đầu tháng 12 năm nay, vũ khí Việt Nam được báo chí trong nước đề cập "các loại vũ khí bộ binh của Việt Nam hoàn toàn có thể chen vai thích cánh với các ‘ông lớn’ trên thị trường thế giới." Tiến sĩ Ian Storey nói về thế lưỡng nan của Việt Nam đối với Nga, quốc gia mà Việt Nam luôn tuyên bố có "tình hữu nghị thủy chung, sâu sắc". Việt Nam đang đối mặt với thế lưỡng nan. Nga là người bạn lâu năm. Nhưng bởi vì Việt Nam lo lắng về việc Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông nên Việt Nam đang theo đuổi các mối quan hệ gần hơn với Mỹ." "Nếu Việt Nam bán thiết bị quân sự cho Nga thì gặp rủi ro trở thành mục tiêu đối với các lệnh trừng phạt. Hà Nội có thể giữ lập trường trung lập và không thể bán vũ khí cho Nga hoặc Ukraine."
Nỗi lo đối với các “khoản lại quả”
Cơ quan công quyền Việt Nam mới đây vừa đưa ra lệnh truy nã đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Bà này đã bị khởi tố từ ngày 29/4 với vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và các đơn vị liên quan, trong đó bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đóng vai trò là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của CTCP Tiến bộ Quốc tế (AIC). Tưởng rằng chỉ là một vụ tham nhũng đơn thuần, nhưng lsau đó có một tờ báo của Israel tiết lộ cho biết rằng, bà Nhàn giữ một vai trò quan trọng trong việc mua bán vũ khí giữa Israel và Việt Nam. Một báo cáo của SIPRI cho biết, Israel là nguồn cung cấp vũ khí nhiều thứ hai cho Việt Nam, chỉ sau Nga. Với thông tin từ tờ Haaretz như vậy, thì bà Nhàn phải là một “siêu điệp viên”, vì kể cả trên thế giới, những phi vụ mua bán vũ khí như vậy, không dễ gì một nhân vật bình thường trong thương trường có thể tiếp cận.
Điều này cũng lý giải vì sao mà bà Nhàn dường như đã biết thông tin sắp bị “xộ khám” nên đã bỏ trốn ra nước ngoài trước đó. Điều này khác hẳn với các điệp viên tình báo của bên Công an như Dương Chí Dũng, Tổng giám đốc Vinalines, anh ruột của sĩ quan công an cao cấp Dương Tự Trọng, dù trốn khỏi Việt Nam, nhưng vẫn bị tình báo của Tổng Cục 2 bắt dễ dàng bên Campuchia. Hay kể cả Trung tá tình báo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm), dù đã trốn sang Singapore vẫn bị bắt giữ và áp tải về Việt Nam không khó khăn lắm. Mới đây, trang tin Sputnik của Nga – vốn luôn có quan điểm thân thiện với chính phủ Việt Nam và Trung Quốc – đã có bài viết nhằm “thanh minh” trước các tin đồn được cho là thất thiệt và rằng, quan hệ Việt Nam – Israel vẫn tốt đẹp. Đương nhiên là chính phủ Israel không dại gì để mất khách hàng quan trọng của mình, nhưng việc cử một Uỷ viên Bộ Chính trị là ông Nguyễn Xuân Thắng sang Israel ngay lập tức, thì điều này cho thấy “tin đồn” của báo Haaraetz là có cơ sở.
Chi trả hoa hồng cho các hợp đồng vũ khí là chuyện bình thường theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, theo các nguồn tin nội bộ, có hai vấn đề đáng lưu tâm, một là các “khoản lại quả” bất thường cho các hợp đồng chuyển giao vũ khí; hai là các tính năng của các loại vũ khí được giao đã không được đảm bảo chất lượng. Trước đây, Israel đã chuyển giao dây chuyền sản xuất súng Galil ACE 31 và 32 cho phía Việt Nam. Tuy nhiên, khi sử dụng trên thao trường, các chiến sĩ cho biết các vũ khí này rất bất tiện. Bộ Quốc phòng đã phải thay thế một hệ thống khác. Tham nhũng một cách hệ thống từ trên cao xuống như vậy cho thấy sự mục ruỗng trong chính quyền ra sao. Điều quan trọng là khi ngân sách quốc gia phải oằn mình để trang bị cho quốc phòng, nhưng khi đem vũ khí ra sử sụng trên thực địa mới bộc lộ ra những yếu kém như vũ khí của Nga đã thể hiện trên chiến trường Ukraine hiện nay. Các trang thiết bị hay vũ khí hiện đại mua hàng tỉ USD, có khi chỉ là những thứ kém chất lượng. Và như vậy thì khả năng rủi ro sẽ rất cao!