Để đánh dấu 35 năm cuộc chiến tranh Vịêt Nam chấm dứt, giới xuất bản ở Mỹ đã đón đầu thị hiếu người đọc bằng việc cho xuất bản ba quyển tiểu thuyết về cuộc chiến này trong hai tháng trước ngày 30 tháng Tư. Trong một buổi phát thanh trước chúng tôi đã giới thiệu tiểu thuyết The Man from Saigon của Marti Leimbach. Trong chương trình Điểm Sách lần này chúng tôi xin giới thiệu với quí vị và các bạn cuốn tiểu thuyết thứ hai cũng của một nhà văn nữ, quyển Lotus-Eaters/Quên Đường Trở Về của Tatjana Soli. Trong chương trình kỳ tới chúng tôi sẽ giới thiệu quyển truyện thứ ba về cuộc chiến tranh này, quyển Tiền Đồn Matterhorn của Karl Marlantes.
Điểm đáng chú ý là sự xuất hiện những cây bút nữ giới Mỹ viết về chiến tranh Việt Nam, việc hiếm thấy trong ba thập niên trước. Chúng ta còn nhớ từ những năm cuối thập niên 60s những ký giả phái nữ Mỹ nổi tiếng đã có mặt ở miền Nam Việt Nam như Dickie Chappelle, Frances Fitzgeral, Gloria Emerson... để tường trình về cuộc chiến tranh này. Một vài nữ ký giả của các hãng thông tấn Mỹ này đã bị thương tích ngoài mặt trận, bị phe địch bắt giữ, có người đã tử nạn như Dickie Chappelle, nhưng hầu như tất cả đều đã cố gắng thực hiện nghiệp vụ một cách chuyên nghiệp, quyết tâm, say mê và đầy can đảm.
Cũng như Marti Leimbach, Tatjana Soli viết quyển The Lotus-Eaters là để kết một vòng hoa tưởng niệm những nữ ký giả nêu trên. Tựa đề quyển truyện phần nào nói lên ý hướng của tác giả: Lotus-Eaters là tên gọi một giống thổ dân ở Phi châu và cũng được đặt tên cho ba binh sĩ dưới quyền chỉ huy của Odysseus trong đoàn quân viễn chinh khi dừng chân ở một xứ lạ đã được thổ dân cho ăn một thứ trái cây rất ngon ngọt, nhưng sau khi ăn họ đã quên hết mọi chuyện và không muốn cùng đồng đội trở về nên Odysseus phải bỏ họ lại. Chuyện này lấy từ chương IX quyển Odyssey một thiên trường ca cổ Hy Lạp bất hủ của Homer. Tác giả đã dùng một trích đoạn từ Odyssey làm lời khai từ cho quyển truyện nhằm báo trước chủ đề “mải mê quên đường trở về quê nhà” của quyển truyện.
Tatjana Soli sinh ở Salzburg, Áo quốc, theo học ngành văn ở đại học Stanford, California, và chương trình cao học sáng tác Warren Wilson, khởi đầu nghiệp văn bằng truyện ngắn đăng tải trên những tạp chí văn chương thế giá ở Mỹ và được trao nhiều giải văn chương giá trị về truyện ngắn. The Lotus-Eaters là truyện dài đầu tay của cô. Hiện Tatjana Soli sống với chồng con ở thị xã Tustin, Quận Cam, California.
Tatjana Soli trong The Lotus-Eaters đã đảo ngược thời gian tự sự: quyển tiểu thuyết được bắt đầu ở thời điểm kết thúc truyện. Đó là những ngày cuối tháng Tư năm 1975 ở Saigon, thành phố đang rơi vào tình trạng hỗn loạn, ngột ngạt ngất lịm. Nhân vật chính của truyện là Helen Adams, một nữ ký giả nhiếp ảnh khi đó đã 32 tuổi. Cùng với các đồng nghiệp trong giới truyền thông Âu-Mỹ ngồi giải khát tên sân thượng khách sạn Caravelle ở Saigon, mục kích những chiết trực thăng cuối cùng của quân đội Mỹ hối hả hạ và cất cánh, cảnh hỗn loạn của dân chúng chen chúc chờ được trực thăng bốc đi tỵ nạn, trong khi tiếng đại pháo ầm vang mở đường cho đoàn quân miền Bắc tiến chiếm thủ đô, Helen cũng như các đồng nghiệp trong giây phút cuối cùng thinh lặng thoáng nghĩ về tất cả những gì đang mất và đã mất.
Với Helen, tất cả những gì đang diễn ra chung quanh biến Saigòn trở thành một nơi chốn kỳ ảo của “hoài niệm, lịch sử, và thất bại.” Sự thất bại của những mơ tưởng, của lịch sử, của đời người khi chiến tranh chấm dứt. Nhưng với Helen cũng như với giới truyền thông Âu-Mỹ, ở vị trí tác nghiệp của họ, chiến tranh chẳng bao giờ chấm dứt, không bùng nổ ở một địa điểm này thì cũng bộc phát ở một địa điểm khác trên mặt đất.
Thế nhưng, riêng với Helen, chiến tranh và tình yêu quấn chặt vào nhau: tình yêu của Helen với Sam và với Linh có kết thúc cùng với chiến tranh không, và liệu cô có hy vọng sẽ có một chỗ trên máy bay đưa cô về quê hương không? Tận cùng trong tâm khảm: có thật Helen muốn trở về quê nhà không? Trong những giờ phút cuối cùng của Saigon hấp hối, Helen một phụ nữ ngoài ba mươi trải đã qua những kinh nghiệm nghề nghiệp của một “nam tử” với những tham vọng bước ra ngoài thế giới rộng lớn để ghi lại những sự thật, tất cả giờ đây đang nhạt nhòa mất hút, trong cô đơn tuyệt cùng, nay chỉ còn lại một mình, bên cạnh là chiếc máy ảnh, và một cuộc chiến tranh đã là dĩ vãng.
Helen đã bị cuốn hút tới Việt Nam vì nhiều lý do. Trước hết là cuộc tìm kiếm người anh trong quân đội đã thiệt mạng tại xứ sở này. Đang học đại học dở dang, Helen e rằng mình sẽ mất cơ hội ngàn vàng tận mắt nhìn thấy những gì đang diễn ra trong cuộc chiến nên sau một lớp huấn luyện nhiếp ảnh đã xin được một chân ký giả nhiếp ảnh tình nguyện cho tạp chí Life. Đó quả thực là một hành vi can đảm đối với một “thiếu nữ California nhát sợ và đáng thương” trong mắt người đời. Nhưng ngược hẳn lại, Helen là một tính cách mạnh dạn, ưa phiêu lưu mạo hiểm, đã quyết theo đuổi một mục đích nào là theo đuổi tới cùng cho nên không những Helen đã cố gắng học tiếng Việt mà còn sẵn sang chấp nhận những chuyến công tác đầy hiểm nguy tác nghiệp ngay trong lòng chiến trận khiến cho những đồng nghiệp ngồi ở hậu cứ phải ngạc nhiên.
Sang Việt Nam, là một thiếu nữ mới vào nghề nên Helen không khỏi bị những ký giả, nhiếp ảnh viên nam giới đã từng ở Viêt Nam nhiều năm, đánh giá thấp, đối khi riễu cợt. Những kinh ngiệm chiến tranh đã dần dần thay đổi Helen: nhiệt tình và lối suy nghĩ duy tâm của Helen bị bào mòn dần dần. Buổi đầu Helen tưởng rằng đã chụp bắt được thực tại chiến tranh trong những tấm hình, tưởng rằng những người lính chiến là những anh hùng mang nặng một lý tưởng yêu nước, nhưng càng ở trong cuộc chiến lâu Helen càng cảm thấy guồng máy chiến tranh đã nghiền nát hết thảy, đã biến con người trở thành vô nhân tính, hủy hoại sự tin cậy giữa người với người.
Nhưng rồi Helen đã gặp Sam Darrow, một ký giả nhiếp ảnh nổi tiếng vì đã được trao giải Pulitzer, là người được các đồng nghiệp đặt cho cái tên có ý nghĩa vừa ngưỡng mộ vừa khôi hài là “Mr. Viet Nam.” Hai người nhanh chóng trở nên thân thiết, rồi sau đó yêu nhau dù cho Sam không những đã có vợ nhưng vẫn nghĩ cuộc hôn nhân của mình là không hạnh phúc, mà còn mang một tâm trạng “không thể quyết định, về tình cảm không sẵn sàng” do cuộc hôn nhân và hậu quả của sự chạm mặt thường trực trong một thời gian dài với chiến tranh.
Cuộc tình giữa Helen và Sam không khỏi tạo nên dư luận, và làm cho Helen bối rối, bất lực trước hoàn cảnh. Tình yêu và chiến tranh, nỗi đam mê cháy bỏng khi con người kề cận cái chết, lao mình trong lửa đạn, qua đêm trong những bờ bụi hầm hố tiền đồn dưới những trận bom rải từ các chiến đấu cơ hay pháo kích của cả hai phe thù nghịch. Nhưng chiến tranh lại luôn muốn bao phủ, che lấp, triệt hủy tình yêu.
Trước mối tình bế tắc với Sam, Helen tìm thấy tình yêu nơi Linh, một phụ tá người Việt của Sam. Linh có một tính cách rất thảng, thâm trầm bí ẩn, và có sự hiểu biết xâu xa về cuộc chiến này hơn hẳn Sam và Helen. Nhưng khi yêu Helen, Linh không rũ bỏ được sự day dứt, vết nứt của quá khứ in hằn trên hiện tại. Linh nghĩ: “Tôi yêu thích người Mỹ, nhưng tôi không chắc họ có ích lợi gì cho người Việt không. Tôi vừa muốn người Mỹ ở lại, đồng thời lại cũng muốn họ ra đi.” Làm sao anh có thể làm cho Helen hiểu được, nhìn thấy được sự thực của cuộc chiến này khi mà Helen vẫn là một kẻ ngoại cuộc, một kẻ có đặc quyền?
Linh vừa muốn Helen ở lại đây với anh, vừa muốn nàng hãy ra đi, trở về Mỹ. Trong khi đó yêu Linh, Helen đã rũ bỏ được ý nghĩ Việt Nam chỉ là một thứ “sân sau” của cuộc chiến tranh, và cảm thấy đất nước này tạm thời trở thành một quê nhà. Helen đã “lặn xâu xuống bên dưới cái bề mặt của chiến tranh và đã tìm thấy một đất nước,” Helen đồng thời cũng cảm thấy không thoải mái với cái căn cước ký giả nhiếp ảnh chiến tranh của mình, thấy mình hội nhập với cái xứ sở mình đang sống, việc trình bày sự thực chiến tranh qua những tấm ảnh chụp chỉ là một sự sao chép vô hồn dù rằng đã mạo hiểm đem mạng sống của mình ra đánh cược khi cho rằng sự hy sinh của mình là đáng giá.
Giống như nữ ký giả đàn chị Dickey Chapelle trước khi bị tử thương trong cuộc chiến tranh Việt Nam, vào năm 1962 trong quyển hồi ký “What’s a Woman Doing Here?” đã viết “Vâng, đúng vậy, chúng là những câu chuyện. Việc kể những câu chuyện đó ra đã nuôi nấng tôi, thật vậy. Nhưng thực chất của những câu chuyện này không phải là hồn nhiên vô tội. Tôi đã trở thành một kẻ thông dịch của sự bạo động.” Giống như Dickey Chapelle, Helen càng ngày càng tỏ ra hoài nghi vị trí đạo đức của người ký giả nhiếp ảnh chiến trường. Phải chăng những người trình bày chiến tranh qua những bài phóng sự hay những hình ảnh, phải chăng là chỉ sao chép sự bạo động? Họ có làm thay đổi được dư luận không, hay chẳng qua lại chỉ dẫn tới sự chao đảo cho đến khi bạo động trở thành vô nghĩa?
Sau khi chụp những tấm hình các chiến binh tử thương, người ký giả nhiếp ảnh quay mặt đi và cảm thấy một sự hổ thẹn giống như sau khi làm tình. Helen đã có lúc nghĩ rằng “mỗi bức ảnh tốt về chiến tranh là một bức ảnh phản chiến.” Khi bị lên án chỉ là một kẻ du lịch chiến tranh, Helen buồn bã khi nhận ra rằng những tháng ngày tác nghiệp ở chiến trường khi mới đặt chân tới xứ sở này chỉ là một cuộc diễn hành, một khoảng thời gian mình vui chơi trong chiến tranh trong khi “toàn thể xứ này đơn giản chỉ được sử dụng như một cái cái nền cho cuộc phiêu lưu của mình.”
Trong The Lotus-Eaters tác giả cũng phơi trần cuộc sống chung đụng của giới ký giả Âu-Mỹ, tình huynh đệ tương liên rất đáng ngờ vực của họ với nhau, đấy là chưa kể lòng ganh tỵ, kiêu ngạo, những cặp mắt đói khát danh vọng thật đáng hổ thẹn.
The Lotus-Eaters cùa nhà văn nữ Mỹ Tatjana Soli kể lại kinh nghiệm tác nghiệp và yêu đương của một nữ phóng viên nhiếp ảnh Mỹ trẻ tuổi trong giai đoạn cao điểm nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam vào những năm cuối thập niên 60s. Cuộc chiến tranh đó tưởng như đã gắn chặt người nữ ký giả này với cái đất nước bị chiến tranh tàn phá tan hoang cô chỉ mới sống ở đó không đầy 10 năm nhưng tưởng như đã một đời người.