The Line (Hàng Người) - Olga Grushin

  • Đào Đạo

book cover

Cuối tháng Ba vừa qua nhà văn nữ trẻ gốc Nga Olga Grushin vừa cho ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ nhì The Line/Xếp Hàng và quyển này đã được phần đông các nhà phê bình, điểm sách cũng như độc giả Mỹ tán thưởng tuy không nồng nhiệt bằng đối với quyển tiểu thuyết đầu tay The Dream Life of Sukhanov. Olga Grushin là một trường hợp thành công điển hình của một nhà văn trẻ gốc ngoại quốc di dân sang Mỹ.

Sinh năm 1971 ở Moscow, là con gái của nhà xã hội học Nga nổi tiếng Boris Grushin, Olga Grushin thuở nhỏ sống ở Prague, thủ đô Tiệp Khắc. Khi quay trở về sống ở Moscow, cô theo học Lịch sử Hội Họa ở Bảo Tàng Viện Nghệ Thuật Pushkin và báo chí ở Đại Học Moscow. Năm 1989 Olga Grushin nhận được học bổng sang học ở đại học Emory của Mỹ, và cô là công dân Nga đầu tiên ghi danh và tốt nghiệp chương trình bốn năm ở một đại học Mỹ. Olga Grushin tốt nghiệp danh dự summa cum laude ở Emory University năm 1993. Từ khi sang Mỹ cô đã từng làm thông dịch viên cho Tổng thống Jimmy Carter, nữ tiếp viên tại một quán rượu chơi nhạc jazz, thông dịch viên của World Bank, chuyên viên nghiên cứu phân tích cho một văn phòng Luật ở Washington, và mới đây nhất là chủ biên cho một tạp chí nghiên cứu của đại học Harvard. Olga Grushin có truyện ngắn đăng trên tạp chí Granta, Partisan Review, The Massachusetts Review, Confrontation, và Art Times. Ngoài truyện ngắn Olga Grushin cũng có những bài khảo luận đăng trên The New York Times, The Wall Street Journal, The Guardian, Vogue, The Daily Mail.

Tiểu thuyết đầu tay The Dream Life of Sukharov xuất bản năm 2006 được trao giải văn chương New York Public Library Young Lions Fiction Award năm 2007, được The New York Times chọn là cuốn tiểu thuyết hay nhất trong năm 2007, và cũng được tờ Washington Post chọn là 1 trong 10 tác phẩm hay nhất trong năm. Quyển truyện này đã được dịch ra 14 ngôn ngữ khác nhau. Tiểu thuyết thứ nhì The Line/Hàng Người (xuất bản ở Anh với tựa đề The Concert Ticket) được ban chủ biên tờ The New York Times chọn là quyển sách đáng đọc trong tháng. Olga Grushin giữ hai quốc tịch Nga và Mỹ, hiện sống ở vùng phụ cận Washington D.C. với chồng và các con.

Trong ghi chú đặt ở cuối quyển tiểu thuyết The Line/ Hàng Người tác giả Olga Grushin cho người đọc biết quyển truyện được dựng trên một sự kiện lịch sử: “Vào năm 1962, nhà soạn nhạc lừng danh Nga Igor Fyodorovich Stravinsky nhận lời mời của chính quyền Sô-viết về thăm quê hương cũ của ông – đây là chuyến trở về quê hương bản quán đầu tiên của ông sau nửa thế kỷ vắng mặt…Hàng người xếp hàng mua vé đã bắt đầu từ một năm trước buổi trình diễn và biến thành một hệ thống xã hội độc nhất vô nhị và phức tạp, với rất đông người thỏa thuận và thay phiên nhau đứng xếp hàng… Mặc dầu quyển The Line được dàn dựng trong một phiên bản nuớc Nga Sô-viết đã tiểu thuyết hóa, nhưng chủ đề chính của quyển truyện là được khởi hứng từ giai đoạn lịch sử này.

Cũng theo tác giả, cảnh xếp hàng nối đuôi nhau dài dặc trong truyện được mô phỏng theo ba giai đoạn của lịch sử Sô-viết: thời Stalin đàn áp trong những năm 30s, thời “Tan Băng Giá” dưới sự lãnh đạo của Khrushchev vào những năm cuối thập niên 50s đầu thập niên 60s, và thời đình đốn dưới trào Brezhnev vào thập niên 70s. “Xếp hàng”, chế độ tem phiếu hộ khẩu, là một hình ảnh, một thực trạng phổ biến ở những xã hội từ Đông sang Tây trong những xứ dưới sự cai trị của đảng cộng sản trong nhiều thập niên nửa cuối của thế kỷ 20. Nối đuôi nhau dài dặc ở những xứ có nền kinh tế do nhà nước quản lý, là hình ảnh đập vào mắt mọi người khi có tin đồn thổi một vài cửa hành quốc doanh nào đó sắp bán những mặt hàng khan hiếm – nhiều khi người xếp hàng cũng không biết rõ là những mặt hàng nào sẽ được bán ra – có thể đó chỉ là những sản phẩm thông thường như kem đánh răng, giầu dép…nhưng vì từ lâu quá thiếu thốn nên người dân phải hối hả xếp hàng sợ rằng không đến lượt mình được mua.

Olga Grushin đã dùng hình ảnh “xếp hàng nồi đuôi dài dặc” làm biểu tượng để nói lên cơn ác mộng lớn lao hơn của đời sống con người dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Vì là con gái một nhà xã hôi học có tiếng và đã sống ở Nga nên Olga Grushin có cái nhìn từ và sự hiểu biết từ bên trong về những thực tại mù mờ bị che đậy của một thể chế thư lại và hủy triệt tự do dưới mọi hình thức.

Nhân vật kể chuyện trong quyển Xếp Hàng là Anna, vợ của nhân vật chính Sergei Selinsky. Thời điểm truyện là ngày kỷ niệm năm thứ 37 đánh dấu thời kỳ Đổi Mới ở Nga. Quang cảnh, không khí bao trùm truyện vẫn một màu héo hắt ảm đảm đè nặng như trong quyển The Dream Life of Sukhanov trước đây. Sergei nay đã vào tuổi tứ tuần, là một nhạc sĩ trong thời thanh xuân có tham vọng trở thành một nhạc sĩ vĩ cầm tài ba nhưng ngay từ khi mới lớn đã bị nhà nước cưỡng ép phải học thổi kèn tuba, tối ngày phải tập dượt những bản nhạc chính quyền chỉ định để xung vào ban nhạc chuyên cử những bản quốc ca, những bản quân hành nên Sergei đã chán ngấy.

Tự trong thâm tâm Sergei vẫn ao ước chơi nhạc, sáng tác một cách nghiêm túc để nói lên cái đẹp của âm nhạc. Cho nên khi nghe tin Selinsky trở về quê hương và sẽ trình diễn Sergei không khỏi cảm thấy đây là dịp để mình hồi sinh. Chưa được dự buổi trình diễn của nhà soạn nhạc lừng danh này mà Sergei đã tưởng tượng âm nhạc tuôn chảy từ những ngón tay mình. Cho nên Sergei không thể vắng mặt trong cuộc nối đuôi xếp hàng chờ mua vé. Và chính sự việc này đã làm đảo lộn cuộc sống của anh.

Theo lời kể của Anna vợ anh thì “Trong vòng hơn hai tháng cái quán bán vé đã trở thành một nỗi ám ảnh của cả khu phố. Quán này xuất hiện vào mùa Thu, nhưng, không như những cái quán khác ở vùng này thường thường và chẳng có gì bí mật, xuất ra những món hàng như thuốc hút rẻ tiền, rau trái, hay năm thì mười họa là kẹo xúc cù là và mỹ phẩm, cái quán mới mọc ra này chẳng bán cái gì hết, ngay cả vào những ngày hiếm họa có một cô gái tóc trắng giả mặt bự phấn xuất hiện đằng sau vuông cửa sổ quán. Cô này không trả lời những câu hỏi người ta hỏi cô nên càng làm cho nỗi nghi ngờ về một cái gì bí mật lún xâu hơn…Và Anna khi càng nghe nhiều chuyện về sự kiện này, lòng cô càng đầy ắp một dự cảm chắc thực về một sự đổi thay, dù nhỏ nhoi hay rất lớn lao cô không rõ lắm – nhưng dù gì chăng nữa, ít ra là có một cái gì đó, cô nghĩ vậy, làm cho cô và gia đình cô được hạnh phúc hơn, hay mỗi ngày đem đến cho cô một chút đẹp đẽ đơn giản, hoặc rất có thể không chừng sẽ truyền ngấm vào toàn thể sự hiện hữu của cô…

Cuối cùng rồi người ta biết được cái quán này sẽ bán vé vào cửa buổi trình diễn nhạc của Selinsky, và số ghế chỉ giới hạn là 300 chỗ ngồi, mỗi người chỉ được mua 1 vé. Vì Sergei và Anna thay phiên nhau xếp hàng ngày này qua ngày nọ nên tấm vé chắc phải thuộc phần anh, nhưng rồi bỗng bà mẹ vợ anh – xưa kia bà là một vũ công và cũng là tình nhân một thời của Selinsky – tuyên bố bà muốn đi dự buổi trình diễn nên Anna năn nỉ chồng nhường tấm vé cho bà. Nhưng vì Sergei đã bị tấm vé ám ảnh, nghĩ rằng mình “là kẻ có quyền, đúng vậy, có quyền – vì cả đời anh, với tất cả những dịp may bị hụt, với những hoài vọng không hiện thực, những đảo nguợc số phận, đã không được đảm bảo để nhận cái âm nhạc này, cái tặng phẩm này.

Ngày qua ngày, tháng qua tháng mà vẫn chẳng thấy vé bán ra, đoàn người xếp hàng nối đuôi dài dặc trở thành có một đời sống riêng. Và rồi có một người đàn ông muốn chủ động tình thế nảy ra ý kiến mỗi người trong hàng sẽ được phát một số thứ tự, con số này được duy trì ngày này qua ngày khác. Sergei và Anna được phát số 137. Nhưng không vì vậy mà những lời đồn thổi suy diễn chấm dứt, những người xếp hàng có kẻ trở thành thân hữu nhưng cũng không thiếu người trở thành kẻ thù của nhau, và những cuộc tranh luận cãi cọ về đủ thứ đề tài năng cân nối tiếp nhau vô tận.

Sergei và Anna trở thành gần gũi với nhiều người xếp trong hàng. Rồi thằng con trai lêu lổng Alexander của hai người nhân việc thay bố mẹ xếp hàng ban đêm và nó bị hút vào cuộc sống của đám đông xếp hàng nên bị mê hoặc bởi sự “tự do không phải di chuyển, không phải làm việc gì, hiện hữu trong một sự bí mật, một cái túi không có thời gian của sự vô hình…luôn tỉnh thức, nhậm lẹ, sống động, trong khi nơi những tầng cao ốc xấu xí, giống hệt nhau trong khắp thành phố, những khuôn cửa số ban đêm thấp thoáng những cuộc sống giống nhau như đúc khuôn, xấu xí, di chuyển như những con rối được cắt dán trên hàng tá những sân khấu sang đèn trong hàng tá những vể kịch có thể đoán trước được những diễn biến.”

Alexander kết bạn được với một người đàn ông tỏ ra biết khá nhiều về cuộc đời của Selinsky, và càng nghe ông ta nói nhiều nó càng tin tưởng rằng Selinsky sẽ cho nó một cơ hội đổi đời nên nó định sẽ ra mắt Selinsky khi có cơ hội. Nói chung Selinsky là một cái phao cứu vớt đối với cả Sergei, Anna, bà mẹ vợ, Alexander, và tất cả mọi người. Vì xếp hàng với nhau trong một thời gian dài họ khi thì trở thành thân thuộc, khi thì mãi mãi vẫn là những kẻ xa lạ, khi thì trở thành thù hận nhau. Và cuộc trình diễn nhạc bí ẩn trở thành một màn hình chiếu lên những ước mơ của họ. Họ bàn tán, dự đoán về buổi trình diễn, kẻ bảo đó sẽ là màn hợp ca, người thì quyết đoán đó là một bản giao hưởng, “một cảnh quang của nền văn minh.” Nghĩa là khi không có thông tin chính thức thì đồn thổi và hoang tưởng chế ngự. Nhưng cái gốc của mọi sự là việc mọi người quá mong chờ một sự đổi thay.