Bhutan, đất nước nằm trên dãy Himalaya, tự hào là một trong những nước hạnh phúc nhất thế giới. Tuy nhiên, tỉ lệ thất nghiệp ở những người trẻ tuổi - những người không muốn theo đuổi những ngành nghề truyền thống như làm nông hay làm đồ thủ công - đang đề ra một thách thức đáng kể cho một đất nước đang trải qua một sự chuyển tiếp xã hội mà những nước châu Á khác đã chứng kiến từ nhiều thập niên trước.
Trong một khu chợ đông đúc ở thủ đô Thimphu của Bhutan, một nhóm những thanh niên cười đùa trong khi họ chơi đánh bài bên ngoài một quán karaoke, một trong số ít những lựa chọn giải trí mà Bhutan cho phép. Mặc những chiếc áo thun và quần jean bó sát thời thượng thay vì áo choàng rộng truyền thống, những người đàn ông trong độ tuổi hai mươi này có nhiều thời giờ rảnh rỗi. Sau khi học xong trung học, đa số họ đã chờ đợi mấy năm qua để có được một việc làm hoặc một ghế tại giảng đường ở những trường đại học ít ỏi của nước này.
Nghỉ tay vài phút, Pema Chedup 24 tuổi, nói anh cảm thấy rất bức xúc khi nhìn vào một tương lai bất định:
"Tôi còn có cha mẹ phải chăm lo. Nếu không có việc làm thì tôi cũng hơi lo lắng, làm thế nào tôi chăm lo cho cha mẹ được đây?"
Anh không phải là người duy nhất kêu gọi sự phát triển nhanh hơn ở một đất nước vẫn bị cô lập khỏi thế giới và đã đề ra một tiêu chuẩn riêng biệt để đo lường sự tiến bộ bằng Tổng mức Hạnh phúc Quốc nội (GNH) thay vì Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP).
Bề ngoài, Thimphu là nơi sinh sống an lành của 90.000 cư dân. Những ngôi nhà truyền thống duyên dáng nằm rải rác trên vùng núi cây cối phủ xanh và một dòng sông hiền hòa chảy qua thành phố. Nhưng vẻ đẹp thiên nhiên không thể che giấu được cảm giác mất kiên nhẫn ngày càng lớn trong một thế hệ trẻ đầy khát vọng, trong khi đất nước nằm trên dãy Himalaya này đang chật vật tạo ra công ăn việc làm. Ngoài ngành du lịch và sản xuất thủy điện, hầu như không có ngành công nghiệp hay khu vực tư nhân ở Bhutan.
Cô Tashi Pelden 19 tuổi hướng dẫn khách tham quan đi quanh một viện bảo tàng giới thiệu văn hóa truyền thống của Bhutan, cô nói cô là một trong số ít người may mắn:
"Tìm được việc làm đối với chúng tôi sao mà khó quá. Tôi nghĩ mình gặp may."
Không giống như thế hệ trước, thanh niên Bhutan giờ gắn kết chặt chẽ với thế giới bên ngoài. Tivi xuất hiện vào năm 1999, mang tới những hình ảnh từ khắp nơi trên thế giới. Điện thoại di động trở nên phổ biến khắp nơi vào năm 2003, tạo nên thế hệ truyền thông xã hội đầu tiên của Bhutan.
Đứng giữa những giao lộ, những người trẻ tuổi không muốn đất nước mình kẹt lại trong quá khứ. Những nghề truyền thống như cày cấy trên núi hoặc làm đồ thủ công rõ ràng không phải là một ưu tiên đối với nhiều người được đi học quanh những thành phố.
Những nhà hoạch định chính sách ở nền dân chủ non trẻ này thừa nhận rằng tỉ lệ thất nghiệp ở tầng lớp thanh niên đề ra một thách thức đáng kể trong khi đất nước vùng núi với dân số khoảng 750.000 người này đang trải qua một sự chuyển tiếp xã hội mà những nước châu Á khác đã chứng kiến từ nhiều thập niên trước.
Chỉ ra khoảng 100.000 người đến từ nước láng giềng Ấn Độ để làm việc trong lĩnh vực đường sá và những dự án khác, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Bhutan và Nghiên cứu GNH, Dasho Karma Ura, cho biết không có tình trạng thiếu việc làm.
Ông nói vấn đề thực sự là tạo ra đúng loại việc làm.
"Ngày càng có nhiều người tìm kiếm việc làm trong những khu vực đô thị, những công việc văn phòng của giới cổ cồn trắng. Chúng tôi vẫn chưa tạo ra được những công việc đó phù hợp với khát vọng của những người trẻ."
Những người trẻ đó là những người như Sonam Dendup. Anh muốn có được visa vào New Zealand.
Anh nói Bhutan cần phát triển hơn về cơ sở vật chất, về việc hướng dẫn thanh niên để họ không thất nghiệp. Anh không chỉ muốn có một việc làm mà còn muốn một đất nước nơi mà môi trường khuyến khích tinh thần sáng nghiệp cho một thế hệ trẻ và nôn nóng thay đổi.
Những nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Bhutan và Nghiên cứu GNH cho thấy rằng vào thời điểm này những khu vực nông thôn "ít hạnh phúc" hơn thành thị bởi vì thiếu những cơ sở vật chất. Việc này đã thúc đẩy sự di cư vào hai thành phố chính là Thimphu và Paro.
Tsering Dorje 37 tuổi trồng măng tây, táo, khoai tây và ớt trên một trang trại rộng một hectare gần thành phố Paro. Dù thu nhập của anh vừa đủ sống, anh muốn có kiếm tiền hơn để giúp con trai sáu tuổi của anh có được những kỹ năng để làm việc trong thành phố.
Anh nói: "Nếu nó học hành thành tài và kiếm được việc làm thì tốt. Tôi muốn nó kiếm được việc làm."
Nhưng ông Ura cảm thấy sức hút của những thành phố có thể không kéo dài. Ông cho biết:
"Vào lúc này những khu vực đô thị trông có vẻ hạnh phúc, nhưng sức sống của cộng đồng, sự đa dạng văn hóa, chất lượng môi trường, tất cả những điều này sẽ bị thiếu hụt theo thời gian ở những khu vực đô thị."
Ông và những người khác đang kêu gọi đầu tư thêm vào khu vực nông thôn dựa vào nông nghiệp và kêu gọi phát triển những ngành công nghiệp khác để gia tăng cơ hội ở vùng quê và ngăn sự di cư vào thành thị. Ông nói:
"Chúng ta phải nhanh chóng phát triển cuộc sống vùng nông thôn, sức sống vùng nông thôn. Tôi nghĩ rằng thời gian không còn nhiều và chúng ta phải làm cho được trong năm năm tới."
Ngay cả khi Bhutan đang tranh luận về những lợi điểm của việc sống ở thành phố so với sống ở nông thôn, chẳng chóng thì chầy miền cực lạc cuối cùng này của thế giới sẽ phải đối mặt với một thực tế đáng ngại: làm thế nào để cân bằng khát vọng đang trỗi dậy của giới trẻ nước này với mục tiêu hạnh phúc.
Anh Pema Chedup nêu ý kiến trước khi quay trở lại ván bài:
"Nếu chúng tôi có được việc làm chúng tôi có thể hạnh phúc, bởi vì chúng tôi có thể đứng trên đôi chân của chính mình. Có thêm việc làm là điều rất quan trọng, không chỉ đối với tôi mà đối với tất cả những người khác."
Rồi anh đưa mắt nhìn những người bạn của mình đang sốt ruột chờ đợi ván bài bắt đầu.