Thế giới đề mục tiêu 2030 không còn bom chùm

  • Lisa Schlein

Ảnh tư liệu - Một tình nguyện viên thu thập bom chùm trên mặt đất ở Daraa, Syria.

Một hội nghị 3 ngày nhằm củng cố hiệp ước cấm sử dụng các loại bom chùm vừa kết thúc với thành quả tốt đẹp. Hơn 100 quốc gia tham dự nhất trí đề mục tiêu vào năm 2030 sẽ không còn các loại vũ khí này tại những nước bị ô nhiễm.

Hai mươi bốn quốc gia hiện đang bị ô nhiễm bởi bom chùm, loại vũ khí khi phát nổ làm tung ra những quả bom nhỏ trải khắp khu vực, gây tử vong hoặc thương tích bừa bãi. Những quả bom chưa phát nổ vẫn là một mối đe dọa đối với mạng sống con người dài lâu sau khi chiến tranh kết thúc.

Hơn 100 nước đã phê chuẩn hay tán thành Công ước về Bom chùm, cấm sử dụng, chuyển giao hay tồn trữ loại vũ khí này.

Chủ tịch Công ước, ông Henk Cor van der Kwast, cho biết các chính phủ tại hội nghị tuần này đồng ý phấn đấu đạt được mục tiêu: một thế giới không có bom chùm vào năm 2030.

Ông nói:

“Điều này cũng có nghĩa là những nước bị ảnh hưởng phải làm việc tích cực hơn để dọn sạch các khu vực còn bom chùm sót lại và các nước tài trợ cũng phải nỗ lực hướng tới thời hạn chót này, xem có thể trợ giúp như thế nào cho các nước bị ảnh hưởng trong việc tháo gỡ bom chùm trên lãnh thổ của họ.”

Ông Van der Kwast cho hay 12 trong số 14 nước bị ô nhiễm tương đối còn ít bom chùm sót lại và có thể dọn sạch trước năm 2020. Tuy nhiên, vẫn theo lời ông, Lào và Iraq_hai nước bị ảnh hưởng nặng nề, phải đến năm 2030 mới có thể hoàn tất việc này.

Ông cho biết hội nghị hoan nghênh quyết định của Tổng thống Obama cấp cho Lào 90 triệu đô la trong thời gian 3 năm để dọn dẹp bom chùm.

Hội nghị cũng lên án việc sử dụng bom chùm tại Syria và Yemen. Bà Megan Burke, Giám đốc Liên minh chống Bom chùm, nói thành quả hôm nay là hết sức tích cực, tiếp sức cho công tác cấm sử dụng tất cả các loại bom chùm.

Bà nói:

“Chính việc này đã khiến công ty Textron chuyên sản xuất bom chùm tại Mỹ, tuần rồi, loan báo sẽ chấm dứt sản xuất bom chùm trước tháng 3 năm sau vì không còn thị trường nữa.”

Bà Burke nói tác động của việc này rất to lớn vì đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ sẽ không còn là quốc gia sản xuất những loại vũ khí này nữa. Kết quả là các nước khác sẽ khó mà sản xuất được bom chùm, và cũng sẽ củng cố cho nguyên tắc chống sử dụng bom chùm trên thế giới.