Bộ Phim “The Flowers of Kirkuk”, hay là “Những Đóa Hoa từ Kirkuk”, kể lại câu chuyện bi thảm của một phụ nữ thượng lưu Iraq đứng trước chọn lựa giữa một bên là tình yêu dành cho một bác sĩ trẻ đã gặp tại khuôn viên đại học, và một đàng là truyền thống gia đình.
Đặt trong bối cảnh các cuộc tấn công do nhà độc tài Saddam Hussein phát động nhắm vào người Kurd tại miền Bắc Iraq trong những năm 1980, phim The Flowers of Kirkuk được biết tiếng là bộ phim quốc tế đầu tiên được thực hiện tại Iraq, kể từ cuộc chiến tranh vùng Vịnh.
Ông Fariborz Kamkari, đạo diễn và là người viết chuyện phim là một người Kurd sinh quán ở Iran.
Ngỏ lời trước một cuộc họp báo ở thủ đô Roma của nước Ý, đạo diện Kamkari nói rằng ông muốn khai thác nhiều đề tài, bao gồm quyền của phụ nữ tại Trung Đông và trong một xã hội Hồi giáo. Ông nói:
“Theo tôi, điều cơ bản và tối quan trọng là biểu dương những phụ nữ như thế. Trong bộ phim này, lần đầu tiên chúng ta thấy 1 phụ nữ Hồi giáo không đóng vai trò một người mẹ, một người vợ, hay một người đàn bà với đám trẻ con vây quanh, bị một anh chồng thô lỗ hiếp đáp mỗi ngày. Mà đây là một thiếu nữ biết yêu và phải chọn lựa định mệnh của chính mình, và cô đã hy sinh tất cả cho tình yêu.”
Người thủ vai Najla, vai chính trong phim, là nữ diễn viên người Ma Rốc Morjana Alaoui. Cô nói rằng thời gian quay phim kéo dài hơn 2 tháng hồi năm ngoái tại Vùng Tự Trị Kurdistan, cũng mang lại một số thách thức.
Vì lẽ chưa có một nền công nghiệp điện ảnh phát triển tại Iraq, đoàn phim cũng như các trang thiết bị đều phải nhập từ nước ngoài vào.
Nhưng nữ tài tử Alaoui cho biết những khó khăn đó đã giúp cô có những trải nghiệm thấm thía hơn:
“Thực là lạ thường, không tài nào quên được, khi khám phá ra khu vực này và người dân tại đây, quả là một dịp may cho cá nhân tôi. Đoàn phim gồm nhiều quốc tịch, tất cả có đến 12 quốc tịch khác nhau, thế cho nên những tương tác văn hóa rất là phong phú, và chỉ có mặt tại phim trường, đã là điều tuyệt vời.”
Đạo diễn Kamkari cho biết ông muốn trao tiếng nói cho nhiều phụ nữ Trung Đông mà ông đã gặp gỡ, những người đã từng tranh đấu chống lại những lề luật bất công trong xã hội của họ.
Ông Kamkari cũng tỏ ý hy vọng rằng những cảnh xé lòng trong phim, kể cả cảnh các binh sĩ của Saddam Hussein dùng vũ khí hóa học giết hại thường dân Kurd, sẽ giúp người ta hiểu rõ hơn về nước Iraq ngày nay. Ông nói:
“Đã hơn 7 năm chúng ta phải sống với Iraq, nghe tin tức về tình hình Iraq hàng ngày, nhưng không ai nói với chúng tôi về cội nguồn của Iraq, nước Iraq ngày nay. Tôi cố gắng trình bày cội nguồn của nước Iraq, từ quan điểm của một người từng sinh sống tại đó, và nhìn thấy được mọi khía cạnh của nước này từ bên trong, rồi cố gắng lý giải vì sao đất nước Iraq lại như thế này ngày hôm nay.”
Bộ phim “Những đóa hoa từ Kirkuk” là một sản phẩm hợp tác giữa các nước Ý, Thụy Sĩ và Iraq. Bộ phim này còn có sự góp mặt của diễn viên Ertem Eser, người Thổ Nhỉ Kỳ, từng làm người mẫu, và diễn viên Mohamed Zouaoui, người Tunisia sinh sống tại Ý.
Một bộ phim mới về thời kỳ nhà độc tài Saddam Hussein của Iraq đàn áp người sắc tộc Kurd đang gây tiếng vang tại Đại hội Điện ảnh Roma. Theo tường trình của Thông tín viên David Byrd của đài chúng tôi, bộ phim mang tựa đề “Những Ðóa Hoa Từ Kirkuk” là một sự hòa hợp giữa các nhân tố tình yêu, nữ quyền, và tình hình căng thẳng sắc tộc trong những năm 1980 ở Iraq.