Việt Nam không có tên trong danh sách 12 nước thân thiết nhất với Nga, theo dữ liệu được tuần báo Anh The Economist phân tích và công bố trong tháng 3.
Theo quan sát của VOA, điều này khá trái ngược với tâm lý và các phát biểu thân Nga, thậm chí bênh vực cuộc chiến tranh của Nga xâm lược Ukraine, mà nhiều người Việt và một bộ phận trong giới truyền thông trong nước đưa ra trên internet.
Trong bài phân tích đăng hôm 14/3, The Economist cho hay họ nghiên cứu 11 loại dữ liệu đo lường các lĩnh vực quân sự, kinh tế và ngoại giao, từ đó lập ra “chỉ số về bạn hữu của ông Putin”.
Thứ nhất là tập hợp các dữ liệu về quân sự, xem xét những nước nào là đồng minh có hiệp ước với Nga, có quân Nga hay lính đánh thuê Nga ở trong lãnh thổ của họ không, có cung cấp vũ khí cho Nga kể từ khi Nga xâm lược Ukraine không, có lệ thuộc vào vũ khí của Nga không, có phối hợp gì với Nga kể từ khi chiến tranh nổ ra không.
Bộ tập hợp dữ liệu thứ hai xem xét khía cạnh ngoại giao: những nước nào đã bỏ phiếu chống Nga hoặc bỏ phiếu trắng về các nghị quyết quan trọng của Liên Hiệp Quốc, hoặc bỏ phiếu thuận cho Nga ít nhất 2 lần về các nghị quyết đó.
Các dữ liệu thứ ba là về năng lượng và kinh tế: những nước nào lệ thuộc vào khí đốt Nga, phụ thuộc vào nhà máy và công nghệ điện hạt nhân của Nga không, kim ngạch thương mại với Nga có chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch thương mại không, xuất khẩu sang Nga có tăng kể từ sau chiến tranh không.
Trong số 12 nước thân thiết nhất với Nga - không bao gồm Việt Nam - 6 nước đứng đầu danh sách rất gắn bó với Nga chủ yếu vì các yếu tố chính trị, lịch sử và địa lý, như Armenia, Belarus, Iran và Kyrgyzstan. Xếp thấp hơn là những nước có mối liên kết lỏng lẻo hơn với Nga, gồm các nước lớn như Trung Quốc và Ấn Độ cũng như các nước nhỏ như Eritrea và Nicaragua.
Nói với VOA từ Hà Nội, ông Ngô Quý Nhâm, người thường đưa ra các quan sát, bình luận đáng chú ý về kinh tế, chính trị, xã hội trên Facebook, cho rằng việc The Economist không coi Việt Nam thuộc diện các nước thân thiết nhất với Nga là điều đáng mừng:
“Khi Việt Nam đang cố đa phương hóa các mối quan hệ, đây là điều tốt. Giờ đây điều quan trọng nhất là những ủng hộ chính trị khi Việt Nam tham gia vào các quan hệ quốc tế. Điều quan trọng thứ hai là thương mại, tức là các đối tác thương mại. Việt Nam cần các mối quan hệ gần gũi, sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các thị trường”.
“Kết quả xếp hạng của The Economist được xem là tốt vì nó tránh cái việc là người Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam bị mang tiếng là đến từ một quốc gia thân cận, ủng hộ cuộc chiến do Nga tiến hành ở Ukraine, thân thiết với ông Putin”.
Trên bình diện rộng, The Economist nhận xét rằng nhóm các nước thân Nga được chia ra làm 3 loại: “liên minh các nước thất bại”, “hội thương nhớ thời Xô Viết”, và “trục của những kẻ cơ hội”.
Liên minh các nước thất bại có nhiều điểm chung mà nổi bật nhất ở chỗ không nước nào là một nền dân chủ đúng nghĩa. Liên minh này cũng đang teo tóp lại vì hồi năm 2014, khi LHQ bỏ phiếu lên án Nga sáp nhập Crimea, có 10 nước ủng hộ Moscow, nhưng sau khi nổ ra chiến tranh ở Ukraine, một số nước đã thôi ủng hộ Nga, trong đó có Bolivia and Sudan.
Hội vấn vương với thời Xô Viết, trong đó có Việt Nam, là những nước tuy không ngỏ ý giúp đỡ hoặc ủng hộ nghiêm chỉnh về ngoại giao hay quân sự song có xu hướng ngả về Nga, có thể thấy qua các động thái như thao dượt quân sự chung hay tán đồng quan điểm là việc mở rộng NATO hoặc chính bản thân Ukraine có lỗi gây ra chiến tranh.
Một số nước cảm thông với Nga vì có mối liên hệ lịch sử với Liên Xô (song lại quên rằng Ukraine cũng là một phần của Liên Xô), hay thật mỉa mai ở chỗ họ ghi nhớ rằng Liên Xô là một đồng minh của các dân tộc bị áp bức chống lại đế quốc.
Ông Ngô Quý Nhâm nhận định với VOA rằng những cảm xúc và ký ức về Liên Xô “chỉ gắn với những người cao tuổi, còn với các thế hệ sau này, cảm xúc ấy không còn mạnh nữa”.
Vẫn nhà quan sát này chỉ ra rằng Việt Nam gần gũi với Nga còn do việc “dựa nhiều vào nguồn vũ khí của Nga”, tuy nhiên, ông cho rằng giờ đây vấn đề này không phải là một khía cạnh lợi ích lớn của Việt Nam, nếu so với việc cần chú trọng vào đa phương hóa quan hệ.
Nhóm thứ ba, trục của những kẻ cơ hội, theo The Economist, là những nước như Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Họ nhìn thấy các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga như là cơ hội để tăng kim ngạch thương mại với Nga theo những điều khoản có lợi.
Phân tích của The Economist cho thấy kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, mức độ Nga bị cô lập trên trường quốc tế đã tăng lên. Có 30 nước tỏ ra trung lập, bao gồm Việt Nam, và thường bỏ phiếu trắng cho các nghị quyết của LHQ về Ukraine.
Trong khi ông Ngô Quý Nhâm và đông đảo người Việt lên án cuộc chiến xâm lược của Nga, cũng có nhiều người Việt khác và thậm chí là một bộ phận trong giới truyền thông trong nước bày tỏ quan điểm ủng hộ cuộc chiến này của Nga, theo quan sát của VOA.
Ông Nhâm cho rằng thực trạng kể trên có nguyên do là công tác truyền thông, giáo dục làm cho nhiều người không nhìn nhận về quan hệ Việt-Nga dựa vào những gì ở thời điểm hiện tại mà vẫn chìm đắm vào thời kỳ cách đây 40, 50 năm.
“Điều quan trọng là truyền thông. Làm sao truyền thông cho khách quan, cho đúng đắn, nói chung không chỉ truyền thông về quan hệ với Nga, mà cả với các quốc gia khác cũng vậy. Khi truyền thông đầy đủ, khách quan, mọi người sẽ dần dần thay đổi”, ông Nhâm nói.