Một tòa án ở Thanh Hóa hôm 18/11 tuyên án thầy giáo Bùi Văn Thuận, một nhà bất đồng chính kiến, 8 năm tù giam và 5 năm quản chế vì các hoạt động “chống phá nhà nước” sau khi ông đăng trên mạng xã hội các bài bình luận chỉ trích chính quyền, theo tin gia đình ông Thuận. Trong khi đó, ông Thuận tại tòa cho rằng mình vô tội và sẽ không kháng cáo vì “không tin tưởng” vào hệ thống tư pháp Việt Nam.
Ông Bùi Văn Thuận, 41 tuổi, một người bán mật ong trực tuyến và là giáo viên dạy hóa học, đã bị bắt giữ vào tháng 8 năm ngoái theo Điều 117 Bộ Luật hình sự, vài ngày sau khi ông đăng một bình luận trên Facebook chất vấn chính quyền sau khi xảy ra tình trạng người dân hoảng loạn mua thực phẩm trước lệnh phong tỏa vì COVID-19.
Vợ ông, bà Trịnh Thị Nhung, cho biết VOA hôm 18/11 rằng ông bị kết tội “Tuyên truyền chống nhà nước” trong một phiên tòa kéo dài hai ngày ở tỉnh Thanh Hóa.
“Tôi nghĩ đây là một bản án bất công đối với anh ấy. Anh ấy không có tội”, bà Nhung nói.
Hãng tin Reuters cho biết ông Đặng Đình Mạnh, luật sư của ông Thuận, từ chối bình luận về bản án này, nhưng cho biết ông nghĩ điều luật kết tội ông Thuận không nên tồn tại trong Bộ luật hình sự của Việt Nam.
Luật sư Mạnh viết trên Facebook sau phiên xử ông Thuận: “Quá trình điều tra và xét xử tại tòa, ông nhất quán cho rằng mình vô tội và bác bỏ mọi cáo buộc nêu trong bản cáo trạng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông”.
Luật sư Mạnh ghi lại lời nói sau cùng của ông Thuận tại tòa: “Cho dù kết quả phiên tòa như thế nào, tôi vẫn khẳng định mình vô tội. Có thể nói tôi là nạn nhân của thứ pháp luật xôi lạc (bị cắt ngang). Tôi bỏ quyền kháng cáo vì không tin tưởng vào hệ thống xét xử”.
“Tôi cho rằng chồng tôi đã thể hiện một thái độ mạnh mẽ và đúng đắn khi nói rằng không cần phải kháng cáo vì không có một chút tin tưởng nào về hệ thống công an và quan tòa của Thanh Hóa”, bà Nhung nêu nhận định với VOA.
Your browser doesn’t support HTML5
Bộ Công an cáo buộc ông Thuận “thường xuyên đăng các bài viết lan truyền thông tin xuyên tạc nhằm bôi nhọ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo đảng, nhà nước khác của Việt Nam”.
Trang Công an Nhân dân của Bộ Công an cho rằng ông Thuận đã đưa nhiều bài viết “bóp méo sự thật, xuyên tạc vu cáo Nhà nước ta vi phạm dân chủ, nhân quyền; xuyên tạc, vu cáo các cấp chính quyền vi phạm trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền chống phá Đại hội XIII của Đảng, xuyên tạc công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương...”
Ông Phil Robertson, phó giám đốc châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), lên tiếng chỉ trích phiên tòa xử ông Thuận.
Ông Robertson nói trong một thông báo trước phiên xử: “Việc chính quyền Việt Nam truy tố ông Bùi Văn Thuận thiếu căn cứ về các bài đăng trên Facebook thể hiện mức độ bất chấp của họ đối với quyền tự do biểu đạt”.
Ông Robertson nói thêm: “Những lời phê phán chính quyền Việt Nam bộc trực của ông Bùi Văn Thuận không thể cấu thành tội hình sự”.
HRW nói trong thông cáo của họ rằng chính quyền Việt Nam cần ngay lập tức phóng thích ông Bùi Văn Thuận và hủy bỏ mọi cáo buộc mang động cơ chính trị nhằm vào ông.
Mặc dù cải cách kinh tế sâu rộng và ngày càng cởi mở với những thay đổi xã hội, Đảng Cộng sản cầm quyền của Việt Nam vẫn kiểm duyệt truyền thông chặt chẽ và rất ít chấp nhận những lời chỉ trích, theo Reuters.
Chính quyền Việt Nam cho biết vào tháng trước họ đã thắt chặt các quy định để xử lý nội dung “sai sự thật” trên các nền tảng truyền thông xã hội và buộc các nội dung này phải được gỡ xuống trong vòng 24 giờ thay vì 48 giờ trước đây.
Vào tháng trước, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết có hơn 150 người được cho là tù nhân chính trị đang bị giam cầm tại Việt Nam.