Thiện Ý
Ngày Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving Day) của người Hoa Kỳ năm nay rơi vào ngày Thứ Năm của tuần lễ thứ tư Tháng 11 là ngày 28-11-2019. Lễ Tạ Ơn Thanksgiving đã được nhân dân Hoa Kỳ đón mừng bằng một thời gian nghỉ cuối tuần dài ngày (long-week-end), với những bữa tiệc vui không bao giờ thiếu món gà tây nướng truyền thống. Gia đình, bạn bè tụ họp, tặng quà, chúc tụng nhau, để kỷ niệm một ngày mà từ thời lập quốc, Tổ Tiên họ đã dành để bầy tỏ sự cảm tạ và biết ơn Thượng Ðế đã ban cho gặt hái được mùa màng tốt tươi và đời sống ấm no hạnh phúc.
Bài viết này là một suy tư cá nhân về ý nghĩa lịch sử, tín ngưỡng và văn hóa của ngày Lễ Tạ Ơn (Thanhksgiving Day) của người Hoa Kỳ và người Việt Nam tha hương đã “nhập gia tùy tục” thế nào.
I - Ý NGHĨA LỊCH SỬ VÀ TÍN NGƯỠNG CỦA THANKSGIVING DAY
Ngược dòng thời gian, những di dân đầu tiên đến vùng đất mới sống ở thành phố Plymount Colony, lúc bấy giờ là một thuộc địa của đế quốc Anh (nay là một thành phố thuộc Tiểu bang Massachusetts). Họ đã quây quần tổ chức Lễ Tạ Ơn Thượng Đế đã ban cho một mùa gặt hái hoa mầu tốt tươi, sau một mùa đông đói lạnh. Vào năm đó, Thống Đốc William Bradford đã công bố “A Day of Thanksgiving” và tổ chức tiệc ăn mừng chung vui với tất cả các sắc dân thuộc địa gốc thổ dân bản xứ cũng như nhập cư. Lúc đầu, việc tổ chức ăn mừng ngày Thanksgiving có tính địa phương, cá nhân riêng rẽ, không vào thời gian nhất định nào.
Sau cuộc cách mạng chống lại chế độ thuộc địa của Đế quốc Anh thành công, ngày quốc lễ Thanksgivings đầu tiên đã được Tổng Thống George Washington công bố là ngày 26-11-1789. Đến thời Tổng Thống Abraham Lincoln, vào năm 1863 thì định ngày Thanksgiving là vào ngày Thứ Năm cuối cùng của tháng 11. Nhưng dưới thời Tổng Thống Roosevelt, trong các năm từ 1939 đến 1941, thì công bố Thanksgiving Day là ngày Thứ Năm của tuần lễ thứ ba của tháng 11. Trên thực tế vẫn chưa có sự thống nhất. Vì một số tiểu bang vẫn tổ chức lễ Thanksgiving Day vào các ngày khác nhau. Cho đến năm 1941, Quốc Hội Hoa Kỳ mới thông qua Đạo luật ấn định rằng “Thanksgiving Day” là ngày Thứ Năm của tuần lễ thứ tư của tháng 11 hàng năm (Congress passed a joint resolution in 1941 decreeing that Thanksgiving should fall on the fourth Thursday of November…)
Và ngày nay, Thanksgiving Day đã được nhân dân Hoa Kỳ ăn mừng qua các nghi tín ngưỡng, tôn giáo và các cuộc xum họp gia đình, bè bạn đầm ấm vui tươi, trong những bữa ăn tối với gà Turkey, món ăn truyền thống không bao giờ thiếu trong ngày Lễ Tạ Ơn Thanksgiving của người Hoa Kỳ.
II - Ý NGHĨA VĂN HÓA CỦA THANKSGIVING DAY
Mặc dầu Thankgiving Day là ngày lễ Tạ ơn của người Hoa kỳ, nhưng đã có ảnh hưởng lan rộng ít nhiều đến một số người ở nhiều quốc gia khác trên thế giới; nhất là những người có cơ hội tiếp cận với và chịu ảnh hưởng nền văn hóa đa chủng tại Hoa Kỳ.
Vượt ra khỏi ý nghĩa tín ngưỡng, tôn giáo lúc ban đầu là để tạ ơn Thượng đế ban cho thu hoạch mùa màng tốt tươi, và ý nghĩa thời đại nhân dịp này, người dân Hoa Kỳ cũng muốn bầy tỏ niềm tin vào sự quan phòng của Thượng Ðế, giúp cho đất nước Hoa Kỳ có được cơ ngơi giầu có và địa vị một siêu cường như hiện nay…dường như đã thấm nhuần vào đời sống xã hội, để hình thành một thứ văn hóa “làm ơn” và “biết ơn”.
“Văn hóa làm ơn” dường như thấm nhuần khá sâu vào tâm tư người Hoa Kỳ được thể hiện qua hành động thực tế, là sẵn sàng chia sẻ cơm áo hạnh phúc cho người khác trong nước cũng như với mọi dân tộc khác trên hành tinh này. Một thể hiện nhỏ bé nhất là mỗi dịp Lễ Thanksgiving hàng năm người Hoa Kỳ thường có những việc làm cụ thể, không chỉ đối với người làm ơn cho mình mà với cả những người khốn cùng, xa lạ như những người “homeless”, “sống Vô gia cư, chết vô địa táng’’. Một thể hiện lớn lao hơn là dường như người dân Hoa Kỳ luôn dẫn đầu về công việc bác ái, từ thiện, như lạc quyên cứu trợ nạn nhân chiến tranh, thiên tai bão lút xẩy ra bất cứ ở đâu trên thế giới.
Viết đến đây tự nhiên chúng tôi nhớ lại những đồ “Mỹ quốc viện trợ” cho hàng triệu người dân Việt Nam di cư từ Miền Bắc vào Miền Nam sau Hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước. Người viết có cảm giác phảng phất đâu đây mùi thơm đặc biệt từ những thùng quần áo, học cụ như giấy bút hay những thùng bơ, sữa bột mà nhân dân Hoa Kỳ gom góp gửi cho những người di cư vào Nam lánh nạn cộng sản. Những mùi thơm đặc biệt này người viết đã gặp lại mỗi khi đi vào các trung tâm mua sắm (Shopping Centers) tại Hoa Kỳ.Khi đó người viết mới 9 tuổi theo Mẹ di cư vào Nam tìm gặp lại Cha đang tham gia kháng chiến chống Pháp trong phong trào công nhân đấu tranh đòi quyền lợi lao động tại đồn diền cao su Hớn Quản, Quản Lợi (*). Từ đó đến nay, người viết được biết “văn hóa làm ơn” của người Hoa Kỳ đã trở thành truyền thống, vẫn tiếp tục trải rộng cho các nạn nhân chiến tranh, thiên tai dịch họa khắp nơi…
“Văn hóa biết ơn” được thể hiện qua những lời “Cảm ơn” nhau (Thank you) phổ quát; đã trở thành câu nói đầu môi trong giao tế của người dân Hoa Kỳ. Từ một việc nhỏ đến lớn làm cho ai điều gì tốt đều được “cảm ơn”. Chẳng hạn mở cửa nhường cho một người vào trước một cửa hàng hay một nơi công cộng, hoặc chỉ dẫn giúp một người lạc đường…luôn được người ấy cảm ơn một cách chân thành, tự nhiên như một phản sạ (thank you) hay thay cảm ơn bằng một lời khen tặng ông hay bà “Tử tế quá” hay “mất công anh quá” (you’re appreciate).Những người được cảm ơn thường bày tỏ sự khiêm tốn bằng câu “you’ re welcome” (ông hay bà xứng đáng được giúp đỡ như vậy) giống như lời đáp câu “cảm ơn” của một người Việt Nam thường được đáp lại “không dám ạ”.
Một ý nghĩa văn hóa khác là “Thanksgiving Day” đã trở thành ngày lễ hội và là dịp mua sắm quà tặng của người dân Hoa Kỳ thể hiện tập trung trong một ngày truyền thống kế ngày Thanksgiving day gọi là ngày “Black Friday”. Trong ngày “Thứ Sáu đen” này, nhiều người có thói quen đổ xô đứng xếp hàng mua quần áo hay hàng hóa. Vì ngày này là ngày “Big sale” với nhiều mặt hàng được giảm giá nhiều so với giá gốc…. Tất nhiên đây cũng là một trong những mùa gặt trong năm của các doanh nhân Hoa Kỳ vào các dịp lễ lớn như mùa Giáng sinh vào Tháng 12 tiếp theo sau Thanksgiving Day hàng năm.
III - THANKSGIVING DAY VỚI NGƯỜI VIỆT THA HƯƠNG TẠI HOA KỲ
Tục ngữ Việt Nam có câu ‘‘ Nhập gia tùy tục, đáo sông tùy khúc’’, nên các thế hệ người Việt Nam tha hương, sau hơn 44 năm định cư trên xứ sở tự do này, hẳn đã lần hồi làm quen với các phong tục tập quán, những nét đặc thù của nền văn hoá đa chủng và những sinh hoạt chính dòng của người dân Hoa Kỳ, của đất nước đã và đang cưu mang mình và các thế hệ con cháu mai sau. Không chỉ làm quen một cách thụ động, đồng hương Việt Nam sống trên xứ sở này còn từng bước tham gia tích cực và hoà nhập vào dòng sinh hoạt chính. Tham gia tích cực và hoà nhập trên mọi lãnh vực sinh hoạt văn hoá, xã hội, kinh tế và chính trị, quân sự… Với những khuôn mặt người Mỹ gốc Việt nổi bật rất đáng tự hào, trên mọi lãnh vực sinh hoạt và đời sống xã hội, đã làm vẻ vang dân tộc Việt và là niềm tự hào chung về những đóng góp của một sắc dân thiểu số vào sự hưng thịnh của quốc gia hoa kỳ, nơi mà dầu muốn dầu không những người Việt Nam và các thế hệ con cháu mai này, đã chọn là quê hương thứ hai sau Quê Mẹ Việt Nam, là Tổ Quốc thứ hai sau Tổ Quốc Việt Nam.
Trong tinh thần và chiều hướng đó, nhân dịp Lễ Tạ Ơn Thanksgiving hàng năm, tại Cộng Ðồng Việt Nam Houston và vùng phụ cận, trong quá khứ cũng đã có những việc làm có tính ‘‘Nhập gia tùy tục’’, như tổ chức các bữa ăn mừng Lễ Tạ Ơn trong gia đình. Tổ chức Cộng Đồng, các đoàn thể thiện nguyện, cơ quan truyền thông Việt Nam, cũng đã chủ động độc lập hay hợp tác với cơ quan chính quyền, các đoàn thể thiện nguyện tại địa phương để tổ chức các bữa ăn dành cho những người vô gia cư sống lang thang không nhà không cửa (Homeless). Một hình ảnh thực tế tương phản trong một đất nước được coi là giầu có văn hinh nhất thế giới từng làm ray rức lương tâm nhiều người dân Hoa Kỳ…
Tất cả những việc đã làm và sắp làm trên đây của tổ chức Cộng Ðồng, của các hiệp hội thiện nguyện và cơ quan truyền thông, theo thiển ý, đều cùng thể hiện một ý nghĩa chung ‘‘ Tạ Ơn Trời, tạ ơn người và tạ ơn đời’’. Một ý nghĩa được mở rộng từ ý nghĩa Tạ Ơn Trời của ngày lễ truyền thống hàng năm của người dân Hoa Kỳ. Một sự mở rộng ý nghĩa mà vẫn thống nhất về luận lý của niềm tin hữu thần.
(*) Vì Cha tôi là một nhà tu xuất (Thày giáo Tiến) nói và viết lưu loát tiếng Pháp, nên trước đó đã hoạt động nằm vùng cho Việt Minh (CS trá hình) tại Sở Mật Thám Pháp ở Nam Định (Phòng Nhì:2er Bureau) trong ý hướng dành độc lập cho dân tộc như nhiều người Việt Nam yêu nước cùng thời (Khác với mục tiêu kháng chiến chống pháp của đảng CSVN là “ngụy dân tộc” để cướp chính quyền, thực hiện chủ nghĩa cộng sản, mở mang bờ cõi cho các tân đế quốc Đỏ Nga-Tàu như mọi người đã biết). Sau bị lộ Cha tôi phải chuyển vào làm công nhân cạo mủ ở đồn điền cao xu Hớn Quản, Quản Lợi (Bình Long An Lôc trong thời chiến tranh) được giao nhiệm vụ lãnh đạo các cuộc biểu tình, đình công đòi quyền lợi lao động cho công nhân. Sau khi gặp lại Cha, Mẹ tôi đã thuyết phục ông rời bỏ đồn điền cao xu về sống ở trại di cư Bàu Trai Long an một thời gian ngắn, trước khi đưa gia đình lên Buôn mê thuột sống làm ruộng rãy ở một trại di cư khác, nên có nhận được nhiều tặng phẩm “Mỹ quốc viện trợ” là thế.