Cứ độ này mỗi năm, thùng thư trước nhà có nhiều phong thư từ những cơ quan, tổ chức từ thiện gửi đến xin ủng hộ trong việc giúp đỡ những người kém may mắn.
Như một cách để tỏ lòng biết ơn nước Mỹ, cũng như tạ ơn Thượng Đế đã ban cho tôi và gia đình có được cuộc sống như ngày hôm nay, chúng tôi chọn một số hội đoàn để chia sẻ tinh thần bác ái của mình.
Từ nhiều năm chúng tôi chọn các Food Bank địa phương, Hội Hồng Thập tự khi có thiên tai, các hội bảo vệ nhân quyền, cơ sở giáo dục và một số cơ quan từ thiện có chương trình giúp Việt Nam.
Năm nay, chúng tôi đặc biệt đóng góp cho quỹ của Cao ủy Tị nạn giúp người dân Syria đang phải lưu lạc xa quê trong các trại tị nạn, như gia đình tôi của những thập niên trước đã phải trải qua cuộc sống như thế.
Nhân mùa Lễ Tạ ơn, kể cho bạn nghe về ngày Thanksgiving đầu tiên của tôi ở xứ này.
Mùa hè năm 1975, tôi theo gia đình người anh con bác rời trại tị nạn Camp Pendleton đặt chân đến định cư ở thành phố Berkeley. Túi không một xu và lòng đầy những lo âu, kèm thích thú về đời sống mới trước mặt.
Cuộc chiến Việt Nam vừa chấm dứt và định mệnh lịch sử đưa đẩy tôi đến xứ này vì những ngày cuối cùng của cuộc chiến trên quê hương nào ai biết kết cục sẽ ra sao. Đi hay ở nào ai biết được số phận của mình.
Đặt chân đến Hoa Kỳ tháng 8/1975, nhân dịp Thanksgiving năm đó tôi đến dự tiệc với một gia đình Mỹ trong họ đạo St. Mary Magdalena ở thành phố Berkeley. Lúc đó tiếng Anh còn kém vì thế tôi chỉ yên lặng chăm chú nghe mà không hiểu được gì nhiều khi mọi người bàn tán về môn thể thao bóng cà na đang chiếu trên tivi. Trong ký ức tôi nhớ lại đã thấy các trận đấu của môn thể thao này trên truyền hình Mỹ ở Sài Gòn khi còn những người lính Mỹ ở Việt Nam vài năm trước.
Khi đó là một thiếu niên, tôi chỉ biết đến nước Mỹ với những kỹ thuật hiện đại, xe hơi chạy đầy đường, nhà cao chót vót, với Neil Amstrong đặt chân lên cung hằng, những anh lính Mỹ trên đường phố quê hương, với Hollywood sản xuất phim thiệt hay. Nước Mỹ có những ban nhạc lừng danh như CCR, Lobos, Carpenters, Beattles (mà sau này đến Mỹ mới biết là ban nhạc có gốc từ Anh) qua những ca khúc vang danh mà tôi còn nhớ như Ồ yé côm ố và (theo cách phát âm tiếng Việt), hay On Top of the World, Yesterday và những bài đã được dịch sang tiếng Việt như Đồng Xanh (Green Field), Chủ nhật tươi hồng (Beautiful Sunday) được các ban nhạc Phượng Hoàng, Dreamers biểu diễn.
Ở tuổi đó, tôi thích xem những phim của Charles Bronson hay Clint Eastwood, thích mặc áo eo, quần ống loa, dán hoa hippies lên kính mát, lên túi xách. Nhưng banh cà na hay bóng chày của Mỹ thì hoàn toàn xa lạ.
Tại gia đình Mỹ, trong lúc theo dõi những trận tranh tài thể thao, thỉnh thoảng những bạn mới hỏi thăm tôi về thể thao Việt Nam. Với vốn liếng tiếng Anh nghèo nàn, tôi cố giải thích là người Việt không chơi môn thể thao như football của Mỹ, mà có một môn chơi khác, dùng chân đá bóng, nhưng tôi không biết từ nào để diễn tả cho đúng. Chúng tôi đá bóng tròn, chạy dài trên sân cỏ chứ không dùng tay chụp banh rồi cắm đầu chạy như những cầu thủ Mỹ.
Trước giờ ăn tiệc, người chủ gia đình cầu nguyện những gì tôi không rõ, nhưng vì là người Công giáo nên tôi đoán lời cầu đó cũng như những gì tín hữu thường nguyện trước bữa ăn. Đặc biệt có lời cầu nguyện cho tôi, vì nhắc đến tên mình, và tương lai nơi đất nước mới. Những bạn mới cũng hỏi han, tìm hiểu về những khía cạnh khác của Việt Nam hơn là cuộc chiến đã qua. Tôi cố gắng kể về những tập tục của người Việt và trình bày một vài nét văn hoá lễ tết và sinh hoạt thể thao của nước mình. Qua những mẩu đối thoại tại phòng khách và quanh bàn ăn tôi học hỏi được những phong tục, văn hóa Mỹ và một số từ vựng pha trộn trong ngôn ngữ ẩm thực và thể thao như soccer, referee, touchdown, turkey, pumpkin và yam. Hôm đó, tôi được thưởng thức món gà tây với khoai tây nghiền nhuyễn như bột. Món này lạ nhưng không đến nỗi tệ. Tôi thích yam vì như khoai lang có nhiều ở Việt Nam. Tôi cũng thích sốt cranberry đỏ và bánh bí ngô vừa ngọt vừa thơm ăn tráng miệng.
Khi gia đình Mỹ biết được tôi ra đi có một mình, bỏ lại bố mẹ và sáu người em mà đã sáu tháng qua chưa có liên lạc, mọi người tìm cách giúp bằng cách cho tôi một địa chỉ bên Pháp để nhờ chuyển thư của tôi về cho gia đình.
Những năm sau, đến khi vào Đại học Berkeley rồi tôi vẫn thường được các bạn mới mời về đón Thanksgiving với gia đình họ, như một truyền thống chào đón người tị nạn và di dân đến đất nước này.
Đã bốn mươi năm qua từ Thanksgiving đầu tiên của tôi trên đất Mỹ, bây giờ chúng tôi đã có bố mẹ và ba người em ở quanh và quê nhà không còn xa xôi như hai thập niên đầu mới rời xa. Bốn mươi năm qua, nước Mỹ đã cho tôi cơ hội sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Năm 1983, là một tình nguyện viên Peace Corps tôi cùng nhiều bạn đồng hành đón Thanksgiving tại tư dinh đại sứ Mỹ ở thủ đô Lomé của Togo, năm 1986 với đoàn công tác của Cao ủy Tị nạn ở trại Galang, Indonesia.
Có đi xa rồi nhìn về mới thấy Hoa Kỳ là một quốc gia đã rộng lượng mở cánh tay đón nhận người tị nạn và nhiều người muốn đến đây lập nghiệp. Giúp đỡ người tị nạn và đón nhận di dân đã trở thành một truyền thống của nước Mỹ. Chúng tôi luôn biết ơn và bây giờ cũng đóng góp là để tiếp nối tinh thần đó.