Thánh kinh nói gì về sự Giáng sinh của Đấng cứu thế?

Trong ngày này, cũng như nhiều ngày trước đó, con người, thuộc mọi chủng tộc đã thể hiện niềm vui hạnh phúc, qua nhiều biểu tượng đặc thù của Giáng sinh.

Hôm qua, hôm nay và sau này, vào ngày 24 rạng ngày 25 tháng 12 hàng năm, con người trên khắp mặt địa cầu, những người tin hay không tin vào màu nhiệm Giáng sinh, với tâm tình khác nhau, đã đón mừng ngày Giáng sinh như ngày hội văn hóa của nhân loại.

Thiện Ý

Tín đồ Thiên Chúa Giáo những thế hệ đầu tiên, cũng như người Do Thái hiện nay vẫn coi Kinh Thánh là Lời Của Chúa. Thế nhưng Kinh Thánh lúc đầu mới chỉ là phần mà ngày nay các Giáo Hội và tín đồ Thiên Chúa Giáo gọi là Cựu Ước. Nghĩa là phần ghi chép lại “lời của Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta qua các ngôn sứ” về Ðấng Cứu Thế, trước khi Ðấng Cứu Thế ra đời. Còn Tân Ước là phần ghi lại Lời Của Chúa sau khi Ðấng Cứu Thế ra đời cách nay khoảng 2022 năm. Phần Tân Ước này phải mất một thời gian khá lâu sau mới được nhìn nhận là Lời Của Chúa. Vậy Thánh Kinh đã nói gì về sự Giáng Sinh của Ðấng Cứu Thế?

Hôm nay nhân kỷ niệm ngày Giáng Sinh lần thứ 2022 của Ðấng Cứu Thế, chúng tôi chỉ xin đưa ra một số dẫn giải sơ lược về Thánh Kinh, phần Cựu Ước cũng như Tân Ước, nói về sự Giáng Sinh của Ðấng Cứu Thế.

I – Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước

Một cách khái quát, Cựu ước của Thánh Kinh, Thiên Chúa đã nói qua miệng của các ngôn sứ về Thiên Chúa và vai trò cứu độ của một Ðấng Thiên Sai, sẽ xuất hiện. Nghĩa là Thiên Chúa đã nói với con người, qua con người và bằng ngôn ngữ của loài người về Thiên Chúa và về Ðấng sẽ được sai đến trần gian cứu chuộc loài người. Theo sách Sáng Thế và Xuất Hành, thì đây như là việc Thiên Chúa đã lập giao ước với tổ phụ Abraham (Áp-ra-ham) và qua Ông Moisein (Mô-Sê) lập giao ước với cả dân Do Thái.

Sau đó, với sự giáng sinh làm người của Ðức Giêsu, như mở đầu một giao ước mới giữa loài người và Thiên Chúa. Nghĩa là phần Tân Ước của Thánh Kinh ghi chép lại Lời Của Chúa do từ chính Ngôi Hai Thiên Chúa mặc xác phàm nói với con người và bằng ngôn ngữ của con người về Thiên Chúa và sự cứu độ. Trong niềm tin vào Ðức Giêsu, các nhà thần học Kitô Giáo đầu tiên đều có chung niềm xác tín, đó là sự Giáng Sinh đã khai mở giai đoạn chung cuộc của lịch sử Cứu Ðộ. Nơi Người, mọi lời hứa với cha ông loài người được thành tựu, và niềm hy vọng từ bao đời nay được Thiên Chúa cho thành hiện thực. Một giao ước mới đã thành hình, giao ước trong máu Ðức Giêsu Kitô (1 Côrintô 11, 25), đã đổ ra cho loài người một lần là đủ. Thánh Phao-Lô đã gọi Luật Moisein (Mô-Sê) là giao ước cũ (2 Côrintô 3, 14). Song cả giao ước cũ và giao ước mới có một sự duy nhất vì do cùng một tác giả là Thiên Chúa. Các nhà thần học Thiên Chúa Giáo kết luận: Giao ước cũ đạt được sự hoàn tất viên mãn của mình nhờ nơi Ðức Giêsu Giáng Trần hoàn tất chương trình cứu độ. Vậy phần Tân Ước của Thánh Kinh Thiên Chúa Giáo ghi chép gì về sự giáng sinh của Ðấng Cứu Thế?

Tân Ước của Thánh Kinh Thiên Chúa giáo được bốn vị Thánh Sử là Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca và Gio-an cùng ghi chép.

Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu ghi chép về nguồn gốc Ðấng Cứu Thế như sau: ‘Bà Maria mẹ Người đã đính hôn với Ông Giuse. Nhưng trước khi hai Ông Bà về chung sống, Bà đã có thai theo quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse chồng Bà là người công chính và không muốn tố giác Bà nên đã định tâm bỏ Bà một cách kín đáo… thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho Ông rằng: Này Ông Giuse, là con cháu vua Davit, đừng ngại đón bà Maria vợ Ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ. Tất cả sự việc này đã xảy ra là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: ‘‘Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en (Emanuel), nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Khi tỉnh giấc, Ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. Ông không ăn ở với bà, cho đến khi Bà sinh hạ một con trai, và Ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu”.

Vẫn theo Tin Mừng của Thánh Mát-thêu ghi lại sự kiện các nhà chiêm tinh, mà giáo dân có thói quen gọi là Ba Vua, đã đến bái lạy Hài Nhi Giêsu: “Khi Ðức Giêsu ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ Phương Ðông đến Giê-ru-sa-lem và hỏi “Ðức Vua dân Do Thái mới sinh hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên Phương Ðông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”. Nghe tin ấy Vua Hê-rô-đê bối rối và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. Nhà Vua liền triệu tập tất cả các thượng tế, các kinh sư trong dân lại, và hỏi cho biết Ðấng Kitô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: “Tại Bê-lem. Miền Giu-đê. Vì trong sách ngôn sứ có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đê, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đê, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn giắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời”.

Tin Mừng Thánh Mát-thêu viết tiếpBấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật mời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng ‘’Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cùng đến bái lạy Người’’. Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở Phương Ðông lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi và thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình bái lạy người, rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. Sau đó họ được báo mộng đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi xứ khác mà về xứ mình’’. Vì ba nhà chiêm tinh không trở lại báo tin về Hài Nhi cho vua Hê-rô-đê, đã đưa đến cái chết bi thảm cho hàng ngàn hài nhi vô tội, do mối lo sợ bị mất quyền bính cai trị dân Ít-ra-en của vua Hê-rô-đê, mà ông ta cho rằng Hài Nhi Giêsu sinh ra sẽ chiếm quyền. Tin Mừnh Thánh Mát-thêu viết tiếp ‘‘Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả những con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông ta đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a: ‘‘ Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rên rỉ: Tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình, và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa’’.

Trên đây là một số đoạn Thánh Kinh chúng tôi trích dẫn từ Tin Mừng theo Thánh Sử Mát-thêu, một trong bốn Thánh Sử đã ghi chép Lời Của Chúa, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 2022 Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng Trần cứu chuộc nhân loại. Ba Thánh Sử còn lại là Mác-cô, Lu-ca và Gio-an cũng có ghi chép lại tương tự sự Giáng Sinh của Ðấng Cứu Thế. Ðiều này cho phép suy định hai điều:

II – Suy Niệm

1 - Người tin cũng như người không tin vào màu nhiệm Giáng sinh có thể đi đến một kết luận chung: Sự kiện Giáng Sinh của một Hài Nhi Ðặc Biệt là Ðức Giêsu, đã là sự kiện có thật trong lịch sử nhân loại. Sự kiện này đã làm thay đổi tư duy con người và biến đổi bộ mặt thế giới hơn 2022 năm qua.

2 - Riêng với các tín đồ Thiên Chúa Giáo, sự kiện Giáng Sinh đã mặc khải rõ nét hơn khuôn mặt, hình ảnh Thiên Chúa và tình yêu bao la của Ngài đối với loài người. Vì Thiên Chúa đã thực hiện đúng như lời hứa với các tổ phụ xưa (Cưụ ước), là ban Ðấng Cứu Thế cho họ. Ðấng Cứu Thế ấy chính là Ngôi Hai Thiên Chúa, Ðức Giêsu Kitô, đã mặc xác phàm, giáng trần cứu chuộc nhân loại.

3 - Hôm qua, hôm nay và sau này, vào ngày 24 rạng ngày 25 tháng 12 hàng năm, con người trên khắp mặt địa cầu, những người tin hay không tin vào màu nhiệm Giáng sinh, với tâm tình khác nhau, đã đón mừng ngày Giáng sinh như ngày hội văn hóa của nhân loại. Trong ngày này, cũng như nhiều ngày trước đó, con người, thuộc mọi chủng tộc đã thể hiện niềm vui hạnh phúc, qua nhiều biểu tượng đặc thù của Giáng sinh. Điển hình như tại Hoa Kỳ, niềm vui và hạnh phúc Giáng sinh như loan tỏa khắp nơi. Bầu không khí Giáng sinh khởi sự cả tháng trước Giáng sinh và kéo dài sau Giáng sinh cho đến ngày đầu năm Tết Dương lịch, qua các hoạt động trang trí nhà cửa đèn màu lấp lánh, mua quà tặng cho nhau qua nhiều hình thức và tiệc vui Giáng sinh với gia đình, bạn bè…

4 - Có điều, Giáng sinh vốn được coi là biểu tượng của bình an cho nhân loại, thế nhưng Giáng sinh năm nay, với cuộc chiến tranh Nga xâm lược Ukraine kéo dài gần một năm qua vẫn chưa chấm dứt, cường độ chiến tranh ngày một dâng cao, tàn khốc, nhân dân Ukraine đã phải đón mừng Giáng sinh trong cảnh mùa đông giá lạnh, không hơi sưởi ấm, thiếu ánh sáng, thiếu đói lương thực. Vì các cuộc mưa bom bão đạn của quân xâm lược ngày đêm đã phá nát các cơ sở hạ tầng, điện, nước, gas trên đất nước Ukraine. Điều nghịch lý là cuộc chiến tranh tàn khốc đã và đang diễn ra giữa hai đất nước, hai dân tộc hầu hết có chung niềm tin, tôn thờ Đấng Cứu Thế. Những kẻ xâm lược và cả bên bị xâm lược đều cầu nguyện với Thiên Chúa cho chiến tranh mau kết thúc, với bên mình thắng trận. Vậy Thiên Chúa sẽ nghe lời cầu nguyện của ai đây?

Câu trả lời thay lời kết, theo lẽ thường “chân lý, chính nghĩa tất thắng”. Vì chân lý thuộc về Thiên Chúa như Ngài đã phán “Ta là đường, là sự thật và là sự sống…”. Hay như lời chúc mừng của Thiên sứ vào ngày Ngôi hai Thiên Chúa giáng trần cứu chuộc nhân loại cách nay hơn 2022 năm“Vinh danh Thiên Chúa trên trời - Bình an dưới thế cho người lòng ngay”. Do đó, có thể xác tín rằng, Thiên Chúa sẽ nghe lời cầu xin của đất nước, dân tộc Ukraine và toàn nhân loại thiện tâm. Vì “Chân lý, chính nghĩa tất thắng” và “lòng ngay” thuộc về Ukraine, một đất nước, dân tộc ngay tình,vô cớ bị nước láng giềng Nga cất quân xâm lược đưa đến thảm cảnh chiến tranh tàn khốc, chết chóc, tan hoang như hôm nay.