Tết Mậu Tuất - 2018 năm nay là dịp kỷ niệm tròn 50 năm sự kiện Mậu Thân 1968, báo chí trong nước và ngoài nước, Hoa Kỳ và các nước phương Tây, đều bàn luận về trận chiến này.
Hà Nội đã tổ chức lễ kỷ niệm Nhà nước, long trọng với sự tham dự của « tứ trụ », Tổng bí thư, Chủ tịch Nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, đáng chú ý là có cả nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã về nghỉ hưu để được là « người tử tế ». Nhiều cuộc biểu diễn văn nghệ được tổ chức.
Trong không khí xã hội ảm đạm, đời sống khó khăn, niềm tin thiếu vắng, mọi thứ thuế gia tăng, giá xăng dầu lên cao, Ban tuyên giáo TƯ tận dụng mọi sư kiện cũ và mới để cố lên giây cót tinh thần toàn dân, như họ đã bốc đồng bày ra quá nhiều cuộc họp hành từ Bắc vào Nam, qua trận được vào chung kết của đội bóng trẻ U23 Việt Nam ăn mừng một cách quá lố, làm cho các em vất vả mệt nhọc thêm sau một thời gian thi đấu hết sức căng thẳng ở Trung Quốc.
Tôi đã hỏi chuyện tướng Lê Minh, tư lệnh một cánh quân, trung tướng Trần Văn Quang, tư lệnh măt trận Trị Thiên: Các vụ thảm sát là có thật.
Dùng ngoa ngôn, xảo ngôn là cái nghề truyền thống của « đảng ta ». Đại thắng Mậu Thân, nhưng đại thắng ở chỗ nào? Có thể gọi là đại thắng được không? Khi lợi dụng lời hứa hưu chiến 7 ngày để đúng giao thừa 30 và mồng 1 Tết mở cuộc Tổng tiến công và hy vọng tổng khởi nghĩa khắp miền Nam tại 40 thành phố thị trấn, 72 quận lỵ, để đạt kết quả ra sao? Ngoài thành phố Huế giữ được trong 25 ngày, các thành phố khác chỉ thâm nhập được vài ngày - lâu lắm là 4 đến 5 ngày, các quận lỵ chỉ thâm nhập được 2, 3 ngày là bị diệt lớn và bị quét sạch. Nổi dậy, đồng khởi hoàn toàn không xảy ra.
Các ý đồ chiến lược là tiêu diệt một mảng lớn quân Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa, giải phóng các thành phố và thành thị lâu dài, dân chúng toàn miền Nam nổi dậy lập chính quyền mới khắp nơi, cả 3 mục tiêu chiến lược ấy đều chỉ là ảo tưởng cay đắng. Ngược lại lực lượng vũ trang của Măt trận và miền Bắc bị tổn thất rất nặng nề sau khi bị đối phương phản công liên tiếp, từ tháng giêng Mậu Thân 1968 đến cuối năm 1970, lực lượng tại chỗ, hàng trăm đơn vị biệt động, 4 sư đoàn chính quy, các đơn vị địa phương tỉnh huyện bị tổn thất cực lớn, các cơ sở quần chúng bị lộ và bị quét gần sạch, phải cầu cứ gấp miền Bắc đưa quân vào thay. Vậy thì đại thắng Mậu Thân ở chỗ nào?
Có vài chỗ nổi bật như một tổ biệt động đột nhập sứ quán Hoa Kỳ trong một buổi, 2 nhóm quân đột nhập Sân bay Tân Sơn Nhất trong 1 đêm, gây chấn động dư luận phương Tây, nhưng không có giá trị quân sự gì thực chất lâu dài.
Có gì để mà kỷ niệm hoành tráng khi sự kiện Mậu Thân tiêu biểu cho một sự lãnh đạo chiến tranh rất chủ quan, mang nặng tính phiêu lưu mù quáng, thái độ vô trách nhiệm với sinh mạng của hàng chục vạn quân nhân, đề ra các cuộc tiến công ồ ạt thiếu chuẩn bị, cân nhắc kỹ lưỡng, khoa học.
Vụ Mậu Thân là chủ trương thiếu cân nhắc, thiếu trách nhiệm, là đánh ẩu, khi các điều kiện chưa đủ, quân Mỹ còn rất đông, khống chế cả trên không bằng lực lượng không quân chiến đấu, trực thăng, cả trên bộ bằng xe tăng, xe bọc thép.
Nay lịch sử quân sự đã chỉ rõ, việc hoạch định kế hoạch của đòn chiến lược này không được thảo luận kỹ tại Bộ Chính trị, không có sự tham gia của ông Hồ Chí Minh và ông Võ Nguyên Giáp, nhóm lãnh đạo hiếu chiến mù quáng kiêu ngạo và đại chủ quan gồm có Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng… đã lên phương án tiến công bí mật. Họ vin cớ ông Hồ cao tuổi, ốm yếu, mất ngủ, không nên để ông Hồ bận tâm, « xin để Bác sang Bắc Kinh tĩnh dưỡng, Bác làm cho bài thơ cổ động chiến sỹ là tốt quá rồi », đại thể là thế. Họ cũng bày chuyện để ông Giáp khẩn cấp sang Hungari mổ túi mật bị viêm và an dưỡng bên đó. Chính ông Giáp đã kể lại cho tôi khi tôi đi cùng ông sang Liên Xô tháng 4/1977, tại nơi nghỉ mát Sochi, rằng « Vụ Mậu Thân là chủ trương thiếu cân nhắc, thiếu trách nhiệm, là đánh ẩu, khi các điều kiện chưa đủ, quân Mỹ còn rất đông, khống chế cả trên không bằng lực lượng không quân chiến đấu, trực thăng, cả trên bộ bằng xe tăng, xe bọc thép ». Ông còn nói rõ rằng: Lẽ ra sau đợt 1 không đạt, bị đẩy lui, phải rút về nông thôn củng cố thì lại cay cú liều lĩnh ra lệnh cố mở thêm đợt tiến công 2 (tháng 5) và ép thêm đợt 3 (tháng 9) nên thất bại càng nặng, tổn thất càng lớn, phải 2 năm sau mới tạm phục hồi và phải đưa thêm quân từ miền Bắc dù chưa qua huấn luyện thật tốt. Đây là những nhận định xác đáng.
Có thể nói sự kiện Mậu Thân là tiêu biểu cho thái độ vô trách nhiệm không coi trọng sinh mạng người lính, những sinh mạng trẻ đầy sức sống là vốn phát triển lâu dài quý báu nhất của dân tộc, theo kiểu tiến công « biển người » của học thuyết quân sự Mao Trạch Đông và Lâm Bưu, từng hy sinh hàng triệu quân nhân ở chiến trường Triều Tiên mà không chút tính tóan.
Trong sự kiện Mậu Thân, hiện còn một vấn đề vướng mắc là những cuộc thảm sát dân thường là có thật? quy mô? và nguyên nhân?
Đây là vấn đề tôi quan tâm tìm hiểu từ khi ở trong nước. Tôi đã hỏi chuyện tướng Lê Minh, tư lệnh một cánh quân, trung tướng Trần Văn Quang, tư lệnh măt trận Trị Thiên về chuyện này. Các vụ thảm sát là có thật. Có đến 5 địa điểm số người bị chôn sống lên đến từ 3 nghìn đến 2 trăm, đồng bào đã đào bới để chôn cất, tổ chức lễ tang. Con số là từ 4 nghìn đến 6 nghìn. Về chủ trương thì theo tôi là không có. Không có lệnh nào từ Bộ chính trị, TƯ, Quân ủy hay Bộ Quốc phòng như có người khẳng định là có lệnh diệt chủng. Còn có phổ biến khi mở chiến dịch bản Kỷ luật chiến trường là không được chiếm riêng chiến lợi phẩm, không được chửi bới đánh đập, giết tù binh. Theo tôi có 2 nguyên nhân để giải nghĩa các cuộc tàn sát trên.
Một là tôi được biết khi chuẩn bị chiến dịch đã có văn bản phổ biến cho mọi người là Thừa Thiên – Huế là một địa bàn chính trị hiểm yếu bậc nhất, trong đó có rất nhiều Việt gian phản động, nhiều ác ôn ác bá địa chủ phong kiến thuộc giòng tôn thất, Ưng, Bửu, Vĩnh… của vua Bảo Đại, có rất nhiều đảng viên Dân chủ của Nguyễn Văn Thiệu, rất nhiều tay sai ác ôn của Ngô Đình Cẩn lãnh chúa miền Trung khét tiếng chống Cộng. Tiến công quân sự đi cùng quét sạch bọn phản động Việt gian. Do lệnh như thế nên mỗi ngày một có nhiều tù binh quân nhân và thường dân là viên chức cấp thôn xã, quận huyện, thành phố Huế và tỉnh Thừa thiên. Một số tù binh quan trọng được đưa lên núi, còn các đơn vị đều có số ít nhiều tù binh bị trói tay đi theo cuộc hành quân. Có đại đội có vài chục tù binh phải giữ. Mỗi tiểu đoàn hàng trăm, mỗi trung đòan hàng nghìn tù binh. Khi di chuyển thật là gánh nặng cho đơn vị.
Sau 2 tuần tiến công, quân Mỹ mở cuộc phản công lớn của hải quân lục chiến, với hàng trăm cuộc ném bom, hàng vạn trái pháo từ các tàu hải quân Mỹ ngoài biển bắn vào. Hàng ngũ « quân giải phóng » bị tổn thất ngày càng lớn, phải mang theo nhiều thương binh. Từ ngày 15 âm lịch, có lệnh tất cả rút lui gấp lên vùng núi căn cứ cũ, bảo toàn lực lượng, nhưng kèm theo một nghiêm lệnh nữa là phải đưa tù binh theo, không được để xổng vì sẽ làm lộ nơi hành quân rất tai hại cho an toàn.
Các cán bộ cơ sở bị đặt trong tình hình gay gắt. Làm sao hành quân được nhanh, gọn, an toàn, với hàng nghìn thương binh cáng theo mà không được để xổng tù binh, khi không còn người để canh giữ. Các chỉ huy đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn bị dồn đến thế cùng, nảy ra giải pháp bất đắc dĩ là thủ tiêu. Môi trường là chiến tranh, là chết chóc, là máu lửa… Thế là tù binh bị chôn sống, suy cho cùng vẫn là do lệnh ép buộc từ trên cao. Tội phạm là đảng đã làm gương coi thường sinh mạng con người ở cả hai bên, « dù đốt cháy dãy núi Trường Sơn cũng không ngại. »
Lẽ ra kỷ niệm Mậu Thân phải tổ chức Tưởng niệm, Cầu Siêu và Sám hối, như Giáo sư đảng viên Đào Công Tiến, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Sài Gòn, đề nghị vào dịp kỷ niệm 30/4 năm ngoái, rất nên chuẩn bị thực hiện năm nay, nhân kỷ niệm 50 năm sự kiện Mậu thân 1968 và 30/4/2018.