Một thẩm phán liên bang vừa ra phán quyết trao phần thắng cho Đại học Harvard trong một vụ kiện trong đó tiến trình tuyển sinh của trường Harvard bị cho là bất công và kỳ thị người Mỹ gốc Á, buộc họ phải đạt thành tích cao hơn mới được nhận vào trường đại học nổi tiếng này.
Đài phát thanh NPR và báo NYT tường thuật rằng Thẩm phán Liên bang Allison D. Burroughs đã ra phán quyết hôm thứ ba 1/10, nói rằng "Tòa án không thấy có bằng chứng đủ thuyết phục về bất kỳ hành vi ký thị chủng tộc hay định kiến nào đối với người Mỹ gốc Á".
Trong phán quyết của mình, Thẩm phán Burroughs nói trong khi chương trình tuyển sinh của Harvard "không hoàn hảo", " bảo đảm tính đa dạng tại trường đại học này, một phần, dựa trên các quyết định tuyển sinh 'có ý thức về chủng tộc.'
Đài NPR trích lời Chủ tịch Hội đồng Quản trị Harvard Lawrence S. Bacow nói:
"Hôm nay chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của tính đa dạng - và tất cả những gì mà sự đa dạng đại diện trên thế giới."
Nguyên đơn là một nhóm bênh vực quyền lợi của sinh viên có tên “Sinh viên vì Tuyển sinh Công bằng (SFFA), nhóm này cáo buộc đại học Harvard là đã dựa quá nhiều vào yếu tố chủng tộc, và phân biệt đối xử với các ứng viên Mỹ gốc Á.
Chủ tịch SFFA Edward Blum nói ông lấy làm thất vọng về phán quyết vừa rồi và cho biết SFFA sẽ kháng cáo quyết định này lên Tòa phúc thẩm số 1 và, nếu cần, lên tận Tòa án Tối cao Hoa Kỳ."
Những người ủng hộ chính sách nâng đỡ con em các cộng đồng bị thua thiệt, lo sợ rằng nếu trường hợp này được đưa ra tòa tối cao, chính sách tuyển sinh nâng đỡ các cộng đồng bị thua thiệt sẽ bị loại bỏ.
Nhiều trường đại học đang cân nhắc chính sách này cũng đang theo sát vụ kiện chống Harvard.
Người lãnh đạo SFFA là nhà chiến lược có lập trường bảo thủ Edward Blum, ông khởi kiện Harvard từ năm 2014, vì cho rằng trường này phân biệt đối xử với các ứng viên Mỹ gốc Á.
Harvard bác bỏ cáo buộc phân biệt đối xử của SFFA, đơn cử những bằng chứng ngược lại trong một chương trình thí điểm kéo dài ba tuần vào mùa thu 2018.
Harvard nói nhà trườngchọn sinh viên qua hướng tiếp cận gọi là "đánh giá con người toàn diện", xem xét những phẩm chất khác nhau của mỗi ứng viên.
Trường đại học nổi tiếng này chỉ nhận một tỷ lệ nhỏ các ứng viên nộp hồ sơ xin học tại trường, trong khi hầu hết các trường cao đẳng và đại học Mỹ chấp nhận phần lớn những người nộp đơn.