Thâm hụt mậu dịch của Mỹ với TQ là do gia công ra nước ngoài

  • Bernard Shusman

Giám đốc điều hành Apple Tim Cook (trái) thăm dây chuyền sản xuất iPhone tại cơ sở sản xuất Foxconn ở Trung Quốc. Các công ty lớn của Mỹ như Apple sản xuất tại Trung Quốc, nhưng bán sản phẩm tại Hoa Kỳ.

Từ nhiều năm nay, các công ty Trung Quốc bán được số hàng hóa tại Hoa Kỳ cao nhiều hơn so với số hàng hóa mà các công ty Mỹ bán được tại Trung Quốc. Mức thâm hụt mậu dịch này lên tới 318 tỉ vào năm 2013, nhưng theo lời tường thuật của thông tín viên Bernard Shusman của VOA từ New York, có một số dấu hiệu cho thấy là tình hình này đang thay đổi.

Các tàu bè neo ở các bến cảng Mỹ mang vào Hoa Kỳ hàng hóa từ Trung Quốc nhiều hơn so với lượng hàng hóa mà Hoa Kỳ xuất khẩu sang quốc gia Á Châu này. Một lý do chủ yếu là rất nhiều công ty Mỹ đã chuyển khâu sản xuất của họ sang Trung Quốc, một tiến trình được gọi là “outsourcing,” tức là chuyển một phần chức năng hay dịch vụ của công ty gia công ra nước ngoài. Nhiều người Mỹ đã mất công ăn việc làm vì hiện tượng này. Nhưng bà Rosemary Coates thuộc công ty cố vấn Bluesilk, người từng giúp các công ty Mỹ gia công ra nước ngoài, nói bà đã chứng kiến một số thay đổi. Bà nói:

“Giữa lúc Trung Quốc xây dựng nền tảng sản xuất công nghiệp của họ, nước này trở nên rất hấp dẫn, cho nên sản xuất chế tạo tại đó không những ít tốn kém hơn, mà tất cả các nhà cung cấp cũng đều có mặt tại đó, toàn bộ cơ sở hạ tầng đều ở đó. Nhưng chúng ta giờ đây đang chứng kiến tình hình này đảo ngược. Trong một, hai năm qua, có nhiều chú ý về việc chuyển về nước trở lại khâu chế tạo sản xuất hay các dịch vụ đã được gia công ra nước ngoài.”

Hiện tượng này tiếng Anh gọi là re-shoring, có nghĩa là mang khâu chế tạo sản xuất hay dịch vụ về lại Hoa Kỳ. Trong khi đi thăm một số cửa hàng bán lẻ ở New York, bà Coates nói rằng người tiêu thụ đóng một vai trò chủ yếu trong việc quyết định các sản phẩm mà họ mua sẽ được sản xuất ở đâu.

“Thực ra, giá giày dép có thể tăng, nếu chúng được sản xuất tại Hoa Kỳ, sử dụng các vật liệu Mỹ, nhưng chúng tôi dự kiến trong phần lớn trường hợp sẽ có thể điều chỉnh để giá cả chỉ xê dịch trong vòng từ 10% tới 15% so với giá quốc tế. Cho nên trong tư cách là người tiêu dùng Mỹ, quý vị phải quyết định liệu mình có muốn trả giá cao hơn từ 10% tới 15% để mua một sản phẩm sản xuất ngay tại nước Mỹ, hay không.”

Tàu Trung Quốc đưa hàng xuống bến cảng ở Mỹ.


Các công ty lớn của Mỹ như Apple sản xuất tại Trung Quốc, nhưng bán sản phẩm tại Hoa Kỳ. Các công ty như GE, Dell và các công ty khác cũng thế. Tại Washington, giữa lúc tỷ lệ thất nghiệp lên tới mức 6,7%, vấn đề sản xuất và công ăn việc làm đã trở thành một vấn đề chính trị.

Theo Giáo sư Natalia Levina thuộc trường Đại học New York, có những lý do chính đáng về kinh doanh để đưa việc sản xuất trở lại lục địa Hoa Kỳ.

“Một trong những lý do là năng xuất cao hơn của lực lượng lao động Mỹ, với sự trợ giúp của những tiến bộ trong công nghệ điện toán. Các lý do khác có thể là nhu cầu cần duy trì mức tồn kho thấp, có nghĩa là sản xuất chế tạo phải gần với thị trường tiêu thụ.”

Tuy nhiên, giá lao động rẻ ở Trung Quốc và tại các nước khác vẫn tiếp tục kiềm hãm việc chuyển sản xuất chế tạo về lại nước Mỹ trong tương lai gần, theo bà Coates.

“Đây không phải là một vấn đề đơn giản là chặt đi bộ phận sản xuất và mang nó về lại Hoa Kỳ. Đây thực sự là một tiến trình cần được suy tính, về thiết kế, tự động hóa máy móc, đổi mới và địa phương hóa sản phẩm, rồi sau đó mới có thể sản xuất hàng hóa cho thị trường địa phương.”

Giữa lúc các hàng nhập khẩu Trung Quốc tiếp tục đổ xuống các bến cảng nước Mỹ, các nhà phân tích nói rằng sẽ cần tới sự sáng tạo trong kinh doanh để khai triển các sản phẩm mới, các thị trường mới và các các công ăn việc làm mới cho người Mỹ.