Chính phủ Thái Lan bị chất vấn

Chính phủ của ông Abhisit đã vượt qua hai cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm kể từ năm 2009

Chính phủ Thái Lan sẽ phải đối diện với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong tuần này, vì bị phe đối lập tố cáo là quản lý sai trái, tham nhũng và dàn dựng việc kết thúc một cách tàn bạo cuộc biểu tình chống chính phủ hồi năm ngoái. Các nhà lập pháp Thái sẽ mở cuộc tranh luận trong 3 ngày về những lời cáo buộc, ngay vào lúc các cuộc biểu tình chống chính phủ vẫn tiếp tục. Các chuyên gia cho rằng liên minh của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva có phần chắc sẽ vượt qua được cuộc biểu quyết, chừng nào các quyền lực vững chắc vẫn tiếp tục ủng hộ liên minh. Tuy nhiên, liên minh sẽ suy yếu và một cuộc bầu cử sắp tới có phần chắc sẽ không hàn gắn được những mối chia rẽ. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Daniel Schearf ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Phe đối lập chính ở Thái Lan, đảng Puea Thai, cáo buộc Thủ tướng Abhisit Vejjajiva và 9 bộ trưởng khác trong chính phủ là lạm quyền và quản lý sai trái công vụ.

Chính phủ đang bênh vực các hành động của mình trong 3 ngày tranh luận giữa các nhà lập pháp Thái, là những người sau đó sẽ biểu quyết việc liệu có giải tán chính phủ hay không.

Các cáo buộc của phe đối lập gồm từ việc không kiểm soát được giá lương thực tăng cao cho đến trốn tránh trách nhiệm về những vụ xung đột bạo động tại Bangkok giữa quân đội và người biểu tình chống chính phủ.

Trong suốt thời gian từ tháng 3 đến tháng 5, khoảng 90 người, phần lớn là dân thường, đã bị sát hại sau khi chính phủ ra lệnh cho quân đội giải tán hàng ngàn người biểu tình trên các đường phố đòi tổ chức bầu cử mới.

Giới hữu trách Thái nói rằng lực lượng an ninh chỉ nổ súng để tự vệ trước các phần tử có vũ trang trong đám biểu tình.

Một năm sau, giới chỉ trích lên án việc thiếu một cuộc điều tra đầy đủ và độc lập về vụ bạo động.

Ông Pavin Chachavalpongpun là một chuyên gia khảo cứu tại Viên Khảo cứu Đông Nam Á ở Singapore.

Ông Pavin nói: “Những gì xảy ra hồi tháng 5 năm ngoái chưa thực sự được giải quyết. Và, rồi những vấn đề quan trọng vẫn chưa được chính phủ xử lý một cách nghiêm túc. Và còn sự kiện chính phủ không chịu thừa nhận lỗi lầm trong vụ trấn át, tôi cho rằng đó có thể là một vấn đề nghiêm trọng có thể gây tác động đến tính khả tín và hợp pháp của chính phủ.”

Bất kể lời chỉ trích, phát ngôn viên Panitan Wattanayagorn nhấn mạnh rằng cuộc điều tra được tiến hành một cách độc lập và rằng các kết quả chúng cuộc bị trì hoãn chỉ vì tầm vóc của cuộc điều tra và các thủ tục tòa án.

Nhiều người trong đám biểu tình, được gọi là phe Aùo đỏ, ủng hộ phe đối lập và cựu thủ tướng Thaksin Shinawat, người đã bị quân đội lật đổ năm 2006 và hiện sống lưu vong để khỏi bị tù về tội tham nhũng.

Phe áo đỏ cho rằng những người giúp đưa ông Abhisit lên nắm quyền đã âm mưu vụ đảo chính và đồng lõa lật đổ các chính phủ tiếp theo trung thành với ông Thaksin, qua các án lệnh.

Chính phủ của ông Abhisit đã thoát được hai cuộc biểu quyết bất tín nhiệm từ năm 2009. Ông Panitan tỏ ý tin tưởng rằng chính phủ lại có thể làm như thế một lần nữa.

Ông Panitan nói: "Đây không phải là lần đầu tiên các vấn đề này được trình bầy. Trong mấy tháng vừa qua, chính phủ đã bênh vực một cách thành công nhiều vấn đề. Một số vấn đề đã khá lâu. Chẳng hạn như việc xử lý những người biểu tình trong năm ngoái hay hai năm trước. Vấn đề đã được trình bầy với hệ thống quốc hội và chính phủ cũng đã thông qua biện pháp khiển trách một lần về vấn đề này rồi.”

Phe Áo đỏ đang tụ họp thường xuyên để làm áp lực với chính phủ. Hôm thứ bẩy vừa qua, họ đã tổ chức cuộc biểu tình lớn nhất kể từ vụ bạo động năm ngoái.

Trong khi đó, người biểu tình theo chủ trương dân tộc đòi bãi chức ông Thaksin đã quay ra chống đối ông Abhisit, cáo buộc ông là mềm yếu trong vụ tranh chấp lãnh thổ với Kampuchea. Được mệnh danh là Phe Áo vàng, họ đang tổ chức các cuộc biểu tình thường xuyên chống chính phủ.

Ông Thitinan Ponsudhirak là một giáo sư thỉnh giảng về Đông Nam Á tại trường Khảo cứu Quốc tế Cấp cao Johns Hopkins tại Washington.

Ông cho rằng, bất kể áp lực ngày càng tăng, chính phủ của ông Abhisit có phần chắc sẽ vượt qua được cuộc biểu quyết nếu các đối tác trong liên minh đoàn kết với đảng Dân chủ cầm quyền của ông Abhisist.

Ông Thitinan nói: “Điều đó tùy thuộc vào việc liệu những người ủng hộ có thôi ủng hộ ông Abhisit hay không. Cho đến nay, họ không có một giải pháp tốt hơn, một sự sắp xếp nào hay hơn là ông Abhisit. Vì thế, tôi cho rằng chính phủ sẽ bị suy yếu vì cuộc tranh luận về việc phê phán này. Nhưng các đối tác trong liên minh thích được hưởng lợi, được tiếp cận với quyền lợi, và những người ủng hộ – phe quân sự, quân đội, hoàng gia và những người khác vẫn còn xếp hàng sau lưng ông Abhisit, không phải vì ông ta là người họ thích nhất, mà bởi vì họ chẳng có ai khác hay hơn.”

Chính phủ cho hay nay mai sẽ loan báo ngày bầu cử, dự kiến vào khoảng tháng 6.

Các cuộc thăm dò công luận cho thấy không có đảng này hội đủ hậu thuẫn để thắng với thế đa số rõ ràng, và có phần chắc sẽ lại đi đến một chính phủ liên hiệp.

Nhưng các chuyên gia nói rằng cuộc bầu cử có phần chắc sẽ không hàn gắn được những chia rẽ sâu đậm ở Thái Lan, và rằng, trừ phi các lực lượng đối lập được thỏa mãn phần nào, thì nước này có the chứng kiến sự phân cực thêm nữa hay thậm chí sẽ lại xảy ra những vụ xung đột.