Dựa theo lệnh khẩn cấp, giới hữu trách Thái Lan đã đóng cửa hàng trăm trang web, tờ báo, đài phát thanh và đài truyền hình có lập trường chống đối chính phủ.
Nhà chức trách Thái Lan nói rằng những cơ quan truyền thông đó đã phổ biến những ngôn từ thù hận và những điều dối trá và kích động bạo lực trong cuộc biểu tình kéo dài 2 tháng của hàng vạn người ở Bangkok.
90 người, trong đó có hai ký giả, thiệt mạng và hàng trăm người bị thương khi binh lính đụng độ với người biểu tình hồi tháng tư và tháng năm.
Ông Vincent Brossel, Giám đốc bộ phận Á châu của Hội Nhà Báo Không Biên Giới, RSF, cho biết các nhà báo dường như đã trở thành mục tiêu bị tấn công trong cuộc biểu tình ở Bangkok. Theo bảng xếp hạng tự do báo chí của RSF, trong năm 2009 Thái Lan xếp hạng thứ 130 trong tổng số 175 nước được khảo sát.
Ông Brossel nói rằng nếu môi trường truyền thông ở Thái Lan không được nhanh chóng cải thiện thì thứ hạng của Thái Lan sẽ bị sụt thêm nữa:
“Thái Lan có thời là một trong những nước cởi mở nhất trong khu vực đối với các hoạt động truyền thông. Nhưng vương quốc này đã chuyển sang chống đối tự do báo chí và không còn là một gương mẫu cho những nước khác trong vùng về mặt tự do truyền thông.”
Mới đây chính phủ đã triển hạn lệnh khẩn cấp ở Bangkok và 18 tỉnh. Các giới chức nói rằng những biện pháp hạn chế nghiêm nhặt là cần thiết để ngăn chận rối loạn và góp phần đoàn kết đất nước.
Họ tuyên bố sẽ ngưng tiến hành công tác kiểm duyệt một khi trật tự được vãn hồi và có những biện pháp cải cách truyền thông để ngăn ngừa những hành vi lạm dụng.
Tuy nhiên, những người chỉ trích cảnh báo rằng nỗ lực hòa giải chắc chắn sẽ gặp thất bại nếu quyền tự do bày tỏ ý kiến không được tôn trọng.
Theo một bản phúc trình của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, qua việc trấn áp những phương tiện mà phe đối lập có thể sử dụng để bày tỏ ý kiến một cách hòa bình, chính phủ Thái Lan có thể làm cho bạo lực gia tăng.
Ông Kiatichai Pongpanich là biên tập viên kỳ cựu của nhật báo Khao Sod, một trong những tờ báo lớn nhất Thái Lan. Phát biểu tại một cuộc hội thảo mới đây của Câu lạc bộ báo chí ngoại quốc ở Bangkok, ông Kiatichai nói rằng chính phủ cần phải thay đổi cách làm việc:
“Có thể là có cơ sở để đóng cửa những tổ chức truyền thông, để ngăn chận họ, hay làm những chuyện gì đó. Nhưng trên thực tế chúng ta cần có những cách thức đúng đắn để làm việc này. Không phải chỉ cần nói là để duy trì an ninh quốc gia rồi ra lệnh cho họ đóng cửa.”
Nạn kiểm duyệt đã là một vấn đề lúc có lúc không ở Thái Lan trong nhiều thập niên, ngay cả trong trường hợp không có những luật lệ khẩn cấp.
Trong những năm đầu của thập niên này, dưới thời của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, nhiều cơ quan truyền thông đã bị hăm dọa và bị ép buộc phải tuân phục chính quyền. Những chính phủ khác trong quá khứ cũng áp dụng các biện pháp kiểm soát truyền thông.
Bên cạnh đó, Thái Lan còn có luật cấm khi quân để bảo vệ hoàng gia, một biểu tượng được dân chúng tôn sùng. Luật này cấm phát biểu hoặc ấn hành bất cứ thứ gì bị xem là bôi nhọ nhà vua. Những ai vi phạm có thể phải lãnh án 15 năm tù. Bất kỳ người nào cũng có quyền nộp đơn kiện người khác về tội khi quân và cảnh sát có bổn phận phải điều tra khi nhận được tố cáo. Những người chỉ trích nói rằng điều này tạo ra rất nhiều những cáo giác mang động cơ chính trị.
Ông Ubonrat Siriyusavak, cựu giáo sư ngành truyền thông của Đại học Chulalongkorn, là một người tranh đấu cho tự do báo chí:
“Chúng tôi nhận thấy những vụ án khi quân mỗi ngày một nhiều, cả công khai lẫn bí mật, dẫn tới chỗ bắt bớ những người bị tố cáo. Bên cạnh đó, báo chí chính mạch cũng không thể hoặc không muốn tường thuật về những vụ án này. Và chúng tôi lo ngại là người dân Thái Lan không biết được hết những vụ này.”
Các chi tiết của tố cáo về tội khi quân rất hiếm khi được trình bày công khai, bởi vì việc lập lại điều được cho là xúc phạm tới hoàng gia tự nó cũng có thể bị xem là một hành động vi phạm luật lệ này.
Hồi đầu tháng này một lãnh tụ của phong trào Áo Vàng, là phe muốn bảo vệ cho hoàng gia, đã bị truy tố về tội khi quân vì đã thuật lại lời của một đối thủ bị tố cáo là phỉ báng hoàng gia. Lãnh tụ Áo Vàng này đã phủ nhận cáo giác khi quân, và đối thủ của ông, một người lãnh đạo cuộc biểu tình chống chính phủ, đã bị tuyên án 18 năm tù.
Cũng trong tháng này một blogger người Thái Lan đã được nhà vua ân xá sau khi ngồi tù một năm vì đã phổ biến trên Internet những hình ảnh bị cho là xúc phạm hoàng tộc. Trước đó ông này đã bị tòa tuyên án 10 năm tù.
Việc triển hạn lệnh khẩn cấp ở Thái Lan cho phép chính phủ tiếp tục đóng cửa những cơ quan truyền thông mà họ xem là đe dọa tới an ninh quốc gia.