Các cơn lụt lội trầm trọng nhất ở Thái Lan từ 50 năm nay hiện đã gây tử vong cho tới 437 người, tác động đến hơn 3 triệu hộ gia đình ở khắp 3/4 các tỉnh trong nước.
Thiệt hại tài chính đã lên tới nhiều tỷ đôla. Cho đến giờ này, nước đã tràn vào gần 10.000 nhà máy, kể cả nhiều cơ sở công nghiệp, ở phía bắc thành phố, và làm mất đi 660.000 công ăn việc làm.
Trong khi mức độ lụt lội đã chậm lại ở Bangkok, hàng triệu mét khối nước dơ bẩn vẫn tràn vào các quận tài chính và kinh doanh.
Bất kể thiệt hại và mối quan tâm tiếp tục ở Bangkok, thống đốc ngân hàng trung ước Thái, ông Prasarn Trutratvorakul tuyên bố kinh tế có thể phục hồi nếu nước rút đi vào đầu tháng 12 và sự chi tiêu trong nước hồi lại.
Nói chuyện với các ký giả, ông Prasarn trông đợi mức tiêu thụ sẽ dẫn đầu sự phục hồi vào đầu năm 2012.
Ông nói: “Chúng tôi vẫn tin rằng sẽ có sự phục hồi vào năm tới miễn là tình hình lụt lội bắt đầu khá hơn vào đầu tháng 12. Chúng ta sẽ thấy Thái Lan tiến hành sự phục hồi đáng kính sau khi nhu cầu trong nước hồi lại. Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng số phận của Thái Lan sẽ phụ thuộc vào sự thành công trong việc hồi sinh mức cầu nội địa.”
Nạn lụt đã khiến ngân hàng trung ương Thái cắt giảm tỷ lệ tăng trưởng hàng năm từ 0,5 đến 2,6%. Ngân hàng Thế giới trông đợi nền kinh tế Thái sẽ co cụm vào quý chót khoảng gần 2%.
Các nhà máy bị hư hại nặng ở bên ngoài Bangkok chiếm gần 20% tổng sản lượng công nghiệp quốc gia.
Ông Vikas Kawatra, người đứng đầu về môi giới cơ chế tại công ty chứng khoán Kim Eng, nói rằng phục hồi khu vực công nghiệp phải là một ưu tiên của chính phủ.
Ông nói: “Nói chung, các ưu tiên phải là trước tiên điều chỉnh khu vực công nghiệp để các nhà máy có thể bắt đầu tiếp tục hoạt động và sau đó bước tiếp theo là bảo đảm rằng tai họa không lập lại, không xảy ra nữa. Đó là một tiến trình dài hạn.”
Sản xuất nông nghiệp tại các vùng đồng bằng miền trung cũng bị ảnh hưởng. Hiệp hội xuất khẩu gạo dự kiến xuất khẩu gạo sẽ sụt giảm vì các vấn đề hậu cần ở những khu vực bị lụt. Cũng có những quan ngại rằng có tới 1/4 hoa mầu gạo có thể bị ảnh hưởng.
Ngay lúc này, hàng chục ngàn người đã phải lệ thuộc vào trợ cấp thực phẩm và nước uống.
Nhân viên cứu trợ và các nhà chính trị đi thăm những vùng bị lụt đã gặp những đám đông lo âu.
Tuần này, doanh gia Somchai Pattanont đi bằng thuyền dọc theo sông Chao Phraya để giao vật phẩm cứu trợ cho các nhà sư tại một ngôi chùa. Ông Somchai lo ngại rằng có thể phải mất đến hai năm để hồi phục.
Ông nói: “Đất nước gặp hồi khó khăn đã lâu rồi, khoảng một hay hai năm nay. Nhiều nhà máy của các công ty nước ngoài bị phá hủy. Phải 1 hay hai năm nữa mọi sự mới tốt đẹp hơn. Nhưng đối với dân chúng ở miền bắc thì mọi thứ đều tan hoang hết. Không có tiền, không có thực phẩm, không có gạo. Thực là khó khăn. Chính phủ sẽ phải chi ra rất nhiều tiền bạc.”
Hiện nay, giới hữu trách Thái vẫn còn tập trung vào công tác khó khăn ngắn hạn là tháo hết khối nước khổng lồ ở phía bắc Bangkok vào vịnh Thái Lan.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Thái Lan nói ông lạc quan rằng nền kinh tế quốc gia sẽ phục hồi vào đầu năm 2012 sau nạn lụt hiện còn đang đe dọa Bangkok. Triển vọng lạc quan được thống đốc ngân hàng đưa ra vào lúc các giới hữu trách trong chính phủ thảo luận các kế hoạch phục hồi và tái thiết trị giá nhiều tỷ đôla.