Ửng cử viên trong cuộc bầu cử Quốc hội Thái Lan

Nhà lãnh đạo đảng đối lập Phue Thai, Yingluck Shinawatra (giữa)

Hồi đầu tuần này, các đảng phái chính trị ở Thái Lan đã nộp hồ sơ để ghi danh các ứng viên của họ cho cuộc bầu cử quốc hội ngày 3 tháng 7. Theo dự liệu, cuộc đầu phiếu này sẽ là một cuộc tranh đua gay gắt giữa hai đảng chính là Đảng Dân chủ đương quyền va đảng Pheu Thai đối lập. Các nhà phân tích chính trị cho biết các đảng này đang cạnh tranh dựa trên hai chủ trương rất khác nhau: đó là để cho thành phần tinh anh tiếp tục nắm quyền cai trị như hiện nay hay quay lại với những chính sách dân túy của thời Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Cách nay chừng một năm, tình hình chính trị Thái Lan bị lâm vào cảnh hỗn loạn với những vụ đụng độ chết người giữa các lực lượng an ninh và những người thuộc phe đối lập biểu tình ở trung tâm thủ đô Bangkok để đòi giải tán quốc hội.

Giờ đây, khi chỉ còn khoảng 4, 5 tuần nữa là tới ngày bầu cử quốc hội, các ứng cử viên của hai đảng chính đã thôi đưa ra những tuyên bố gây chia rẽ trong lúc họ vận động cử tri cho cuộc chạy đua để chọn 375 dân biểu.

Hai đảng chính trong cuộc chạy đua là Đảng Dân chủ đương quyền của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva và đảng Pheu Thai đối lập, nằm dưới sự lãnh đạo của bà Yingluck Shinawatra, em của Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã bị lật đổ.

Thứ ba vừa qua, Thủ tướng Abhisit đã phát biểu với báo chí sau khi cầm đầu toán ứng cử viên của đảng Dân chủ đi nộp hồ sơ ghi danh.

Ông Abishit cho biết ông đã chọn những người có khả năng để phục vụ dân chúng cả nước chứ không riêng gì những người ở Bangkok. Ông nói rằng những nhân vật lãnh đạo đảng đã đi tới các tỉnh khác để vận động cho các ứng cử viên có quyết tâm mang lại tiến bộ cho đất nước.

Ứng cử viên hàng đầu của đảng Pheu Thai đối lập, bà Yingluck Shinawatra, cũng có những phát biểu mang tính chất bao dung khi xuất

Bà Yingluck nói rằng đảng bà đã nộp hồ sơ ghi danh ứng cử viên cho tất cả 33 đơn vị bầu cử trên cả nước và các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy sự ủng hộ của người dân đối với các ứng cử viên này đang trên đà gia tăng. Bà nói thêm rằng đảng Pheu Thai và tất cả các ứng cử viên của đảng đã sẵn sàng để trình bày những chính sách để phục vụ toàn thể dân chúng trong nước.

Tuy có những phát biểu bao dung như vậy, các nhà phân tích chính trị Thái Lan cho biết cả hai nhân vật lãnh đạo này đều được hậu thuẫn bởi những nhóm quyền lợi đã khiến Thái Lan bị chia rẽ trong những năm gần đây và chưa có dấu hiệu nào cho thấy đôi bên muốn đạt được một thỏa hiệp.

Ông Pavin Chachavalpongpun (PAH-ween chah-chuh-wall PONG-pahn) là một nhà nghiên cứu chính trị Thái Lan của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore. Ông nói rằng cuộc đầu phiếu sắp tới trên cơ bản là một cuộc đọ sức giữa giới thượng lưu truyền thống ở Bangkok với những người ủng hộ ông Thaksin ở nông thôn miền bắc.

Chúng ta đang chứng kiến một vụ đối đầu thẳng thừng giữa hai khối quyền lực. Một bên do đảng Dân chủ cầm đầu, đại diện cho những nhóm quyền lợi cũ -- như hoàng gia, quân đội, các công ty lớn và những giới chức cao cấp trong bộ máy công quyền. Trong khi đó, bà Yingluck đã trở thành người đại diện cho giới dân nghèo ở Thái Lan, đặc biệt là những người ở miền bắc và miền đông bắc. Họ là những người đã bị giới thượng lưu làm ngơ trong nhiều năm nay.

Những người chỉ trích nói rằng bà Yingluck, một nhà quản trị doanh nghiệp giàu có, sẽ bị lợi dụng để dọn đường cho người anh của bà quay lại nắm quyền.

Ông Thaksin Shinawatra là một tỉ phú ngành viễn thông từng giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng ở thôn quê nhờ vào những chính sách có tính chất dân túy để mang lại tiền bạc và những dự án phát triển cho các làng mạc trên khắp nước.

Những người không ưa thích ông Thaksin nói rằng ông là một người tham ô, độc tài và có hành vi xúc phạm hoàng gia. Ông Thaksin phủ nhận các cáo giác vừa kể.

Tuy ông Thaksin được dân chúng bầu lên hai lần, các nhà phân tích chính trị nói rằng ông bị xem là một mối đe dọa cho quyền hành của giới thượng lưu ở Bangkok.

Ông bị quân đội lật đổ trong cuộc đảo chánh năm 2006 và đã bỏ nước đi sống lưu vong để tránh án tù về tội tham nhũng.

Ông Thitinan Ponsudhirak là Giám đốc Viện nghiên cứu an ninh và quốc tế của Đại học Chulalongkorn ở Bangkok. Ông nói rằng bà Yingluck rõ ràng chỉ là người thế thân của ông Thaksin, là người đang lãnh đạo đảng Pheu Thai từ nước ngoài.
Điều này không hề được che giấu gì cả. Năm 2007, 2008 chúng tôi có một chính phủ tay sai của ông Thaksin. Nhưng chính phủ lúc đó có tính chất gián tiếp nhiều hơn; ông Xa-Mặc Sủn-Thon-Vết làm Thủ tướng hồi đầu năm 2008, rồi sau đó là ông Somchai Wongsawat, em rể của ông Thaksin. Lần này, ông Thaksin muốn mọi người biết rõ đảng Pheu Thai là đảng của ông, bà Yingluck Shinawatra là em gái của ông và là đại diện của ông.

Các chính phủ trung thành với ông Thaksin đã bị lật đổ bởi những án lệnh gây nhiều tranh cãi. Các đảng chấp chính bị giải tán và các chính khách của họ bị cấm hoạt động chính trị trong vòng 5 năm.

Sau đó đảng Dân chủ của ông Abhisit lên nắm quyền và làm bùng ra những vụ biểu tình của phe Áo Đỏ ủng hộ ông Thaksin. Họ cho rằng thành phần thượng lưu ở Bangkok đã cướp đi những lá phiếu mà họ đã bầu cho các đảng phái trung thành với ông Thaksin.

Hàng vạn người Áo Đỏ đã chiếm cứ những khu vực rộng lớn ở trung tâm thành phố Bangkok hồi năm ngoái để đòi chính phủ tổ chức bầu cử quốc hội và đối xử công bằng với các nhà lãnh đạo của họ.

Khi cuộc điều đình bị đổ vỡ, ông Abhisit đã ra lệnh cho quân đội dùng sức mạnh để dẹp tan cuộc biểu tình, gây tử vong cho hơn 90 người, hầu hết là thường dân.

Giáo sư Pavin cho rằng nếu nói bà Yingluck là người đại diện cho anh bà; thì ông Abhisit, người từng theo học tại Đại học Oxford danh tiếng ở Anh quốc, cũng là người đại diện cho “giai cấp thống trị” ở Thái Lan.

Ông nói: "Tôi nói như vậy vì cách thức mà ông ấy lên nắm quyền -- vì sự trợ giúp của quân đội. Và bởi vì thế mà tôi nghĩ rằng ông ấy mang nợ với nhiều người, đặc biệt là những người đỡ lưng cho ông trong quân đội và trong giới thượng lưu. Bởi vì thế mà tôi nghĩ rằng ông ấy khó lòng thoát khỏi sự kiềm chế để trở nên độc lập hơn hay ít lệ thuộc hơn."

Ông Pavin cho biết tuy có rối loạn như vậy ông Abhisit đã lèo lái nền kinh tế quốc gia đi đúng hướng.

Về phần đối thủ của ông Abhisit là bà Yingluck, người ta không rõ bà có làm được như vậy hay không, mặc dù bà xuất thân từ một gia đình không xa lạ gì với các hoạt động chính trị và kinh doanh.

Ông Chris Baker, một nhà nghiên cứu chính trị Thái Lan, nói rằng nếu bà Yingluck được bầu làm nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan thì điều đó là một sự kiện có tính chất lịch sử. Ông cho biết từ trước tới nay số nữ dân biểu ở Thái Lan chưa bao giờ vượt quá tỉ lệ 15%.

Ông nói: "Quí vị cũng có thể nhận thấy một tỉ lệ in hệt như vậy trong tất cả mọi khía cạnh của sinh hoạt chính trị ở Thái Lan, bất kể đó là số ủy viên hội đồng thành phố hay là số ký giả chuyên viết về chính trị. Sinh hoạt chính trị ở đây được rất nhiều người mặc nhiên xem là độc quyền của phái nam. Vì vậy, vượt qua rào cản này là một việc không phải ai cũng làm được."

Đảng Pheu Thai đã cam kết là nếu đắc cử họ sẽ đặc xá cho tất cả mọi người bị truy tố liên quan tới vụ đảo chánh năm 2006, và điều đó sẽ dọn đường cho ông Thaksin trở về nước.

Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng những người hậu thuẫn ông Abhisit có phần chắc sẽ không để cho một đảng liên minh với ông Thaksin lên nắm quyền, chứ đừng nói gì tới chuyện sắp xếp cho ông Thaksin quay về nước.

Những vụ bạo động chính trị ở cấp tỉnh đã xảy ra hồi gần đây và nhiều người e rằng rối loạn sau bầu cử có thể sẽ bùng ra trở lại, bất kể là đảng đương quyền hay đảng đối lập giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử vào đầu tháng 7.