Thái Lan đã đánh tiếng tới chính quyền quân sự Myanmar là cần giảm bạo lực, Ngoại trưởng Thái Lan nói hôm 12/4 và cho biết thêm rằng họ đang chuẩn bị trước khả năng dòng người vượt biên từ Myanmar vào Thái Lan sau khi một thị trấn biên giới rơi vào tay quân nổi dậy.
Ngoại trưởng Parnpree Bahiddha-Nukara cho biết Thái Lan cũng đang làm việc với các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để theo đuổi kế hoạch hòa bình cho Myanmar, còn được gọi là đồng thuận năm điểm vốn đang bị ngưng đình trệ.
“Thái Lan muốn thấy hòa bình và đối thoại,” ông Parnpree nói với các phóng viên sau chuyến thăm đến Mae Sot nằm đối diện thị trấn Myawaddy trên lãnh thổ Myanmar. Thị trấn này đã bị quân kháng chiến chống chính quyền quân sự dưới sự lãnh đạo của nhóm phiến quân Liên minh Quốc gia Karen (KNU) giành lấy từ tay quân đội Myanmar.
Ông nói thêm rằng Thái Lan đang xem xét các tuyến đường giao thương thay thế trong trường hợp giao tranh dẫn đến các con đường bị phong tỏa.
Dòng người đều đặn, trong đó có những người lo sợ bị không kích, đã xếp hàng tại một cửa khẩu để tháo chạy khỏi Myanmar hôm 12/4.
“Tôi sợ không kích,” bà Moe Moe Thet San, một cư dân thị trấn Myawaddy đang đứng xếp hàng rồng rắn cùng hàng chục người khác trong cái nóng oi bức để qua biên giới sang Thái Lan, nói với Reuters. Bà qua được biên giới cùng với đứa con trai khoảng năm tuổi.
“Họ làm những tiếng động rất lớn rung chuyển căn nhà tôi,” người mẹ 39 tuổi này nói thêm. Bà nằm trong số những người kéo về cửa khẩu biên giới duy nhất ở Mae Sot. Bà cho biết tiếng bom đã khiến họ rời bỏ nhà cửa do lo sợ cho sự an toàn của họ.
“Đó là lý do tại sao tôi trốn tới đây. Họ không thể đánh bom ở Thái Lan,” bà nói thêm.
Theo các nhà phân tích, việc để mất thị trấn Myawaddy đã khiến chính quyền quân sự Myanmar, vốn đã vật lộn với nền kinh tế rơi tự do, mất đi nguồn thu quan trọng từ giao thương biên giới trong khi làm cho các nhóm phiến quân trở nên mạnh thêm.