Chính phủ Thái Lan phủ nhận tố cáo cho rằng kể từ khi thiết quân luật được ban hành tại vương quốc này họ đã tra tấn những người bị bắt. Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên Steve Herman của VOA ở Bangkok, hai tổ chức bênh vực nhân quyền nói họ có trong tay những bằng chứng cho thấy đã xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng.
Trong văn thư trả lời cho Hội Ân xá Quốc Tế, chính quyền Thái Lan nói rằng cuộc điều tra nội bộ của họ "đã không tìm thấy bằng chứng là đã xảy ra các vụ tra tấn" trong 100 ngày đầu áp dụng thiết quân luật, như đã bị cáo buộc.
Hội Ân xá Quốc Tế và một tổ chức ở Thái Lan, Hội Luật sư Thái Lan vì nhân quyền (gọi tắt là TLHR), tuần này đã riêng rẽ tố cáo quân đội Thái Lan là ngược đãi một số người bị giam giữ dưới chế độ thiết quân luật.
Ông Rupert Abbott là tác giả chính của phúc trình của Hội Ân xá Quốc Tế, đề cập tới "những cáo buộc mới xuất hiện về các vụ tra tấn" do một số người từng bị chính quyền quân phiệt Thái Lan bắt giữ một cách tùy tiện, Ông Abbott nói:
"Những người bị giam dưới chế độ thiết quân luật đề cập tới những vụ đánh đập, hành quyết giả, và tìm cách làm ngạt thở. Trong phúc trình này, chúng tôi đã giấu tên của những người tố cáo vì sự an toàn của cá nhân họ. Nhưng chắc chắn chúng tôi có thể nói một cách dứt khoát là có bằng chứng mới về các vụ tra tấn và ngược đãi dưới tân chính quyền quân nhân. Nhưng một điều quan trọng cần nói là cũng đã có những lo ngại về vấn đề tra tấn trước cuộc đảo chính."
Nhóm luật sư trong nước tố cáo quân đội Thái Lan tra tấn ít nhất 14 người bị cáo buộc về các tội liên quan tới vũ khí sau cuộc đảo chính ngày 22 tháng 5. Nhóm này đã nộp hồ sơ để yêu cầu Thanh tra của Bộ Nội vụ (được gọi là Trung tâm Damrongtham) tiến hành điều tra, và cáo buộc là đã xảy ra một "sự vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc về quyền con người."
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Thái Lan, ông Sek Wannamethee, nói rằng tất cả những cáo buộc đó được các cơ quan chính phủ xem xét nghiêm túc và đã được chuyển lên chính quyền quân sự, có tên chính thức là Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia, gọi tắt là NCPO. Ông nói:
"Chúng tôi đã trình bày những cáo buộc này với NCPO để Hội đồng chú ý tới vấn đề, và họ sẽ tiến hành những cuộc điều tra nội bộ."
Hội Ân xá Quốc tế đã soạn phúc trình này sau khi đi thăm Thái Lan hồi tháng Bảy. Ngoài các cuộc phỏng vấn với một số người đã bị giam giữ, phái đoàn cũng đã gặp Phó Tham mưu trưởng của Quân đội Hoàng gia Thái Lan và các giới chức thuộc lực lượng Không quân và cảnh sát.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Sek Wannamethee nói phúc trình của Hội Ân xá không đặt vấn đề trong đúng bối cảnh của nó ở Thái Lan. Ông đơn cử một thí dụ là phúc trình không đề cập tới mức độ bạo lực đã buộc các quân nhân phải can thiệp, như họ đã từng làm nhiều lần trước đây, để lật đổ một chính phủ dân sự. Ông Sek nói tiếp:
"Vì Thái Lan đang trải qua một giai đoạn cải cách và công lý, tình trạng này phản ánh sự cần thiết phải duy trì tình trạng thiết quân luật."
Ông Abbott, Phó Giám đốc Chương trình châu Á-Thái Bình Dương của Hội Ân xá Quốc tế, nói rằng đó không phải là một cái cớ để vi phạm nhân quyền:
"Chúng tôi hiểu là tình hình trước khi quân đội lên nắm quyền không được tốt. Tất nhiên cũng có những vụ bạo động, và quan điểm của chính phủ là cần phải có các biện pháp để ngăn chặn bạo lực. Điều mà chúng tôi nói là, những gì đã xảy ra đã vượt quá giới hạn cho phép của luật pháp quốc tế. "
Hội Ân xá quốc tế kêu gọi các nhà lãnh đạo chính quyền hãy "vén bức màn bí mật" về những vụ bắt giữ, và cho biết những ai đang bị giam cầm. Hội này cũng khẳng định rằng Tòa án quân sự không nên xét xử thường dân.
Hội Luật sư Thái Lan vì Nhân quyền trước đó đã có ý định công bố bản phúc trình riêng của họ về những cáo buộc vi phạm nhân quyền vào ngày 2 tháng 9 vừa rồi. Nhưng họ đã bị chính quyền quân sự Thái Lan áp lực, buộc phải hủy bỏ một sự kiện tại Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài ở Bangkok, là nơi mà tài liệu mang tên "Tình hình nhân quyền 100 ngày sau khi cuộc đảo chính" lẽ ra đã được phân phối cho các nhà báo, và một ủy ban đã được triệu tập để thảo luận về những lời cáo buộc đó.
Khi sự kiện này sắp sửa bắt đầu, cảnh sát đã trao cho các thành viên của ban điều khiển hội thảo một bức thư của Chỉ huy trưởng của Sư đoàn 1 Thiết Kỵ của Lực lượng Vệ binh Hoàng Gia. Lá thư yêu cầu hủy bỏ sự kiện này và bất kỳ khiếu nại nào để đòi công lý nên được chuyển sang cho văn phòng kiểm tra và khiếu nại của Bộ Nội vụ giải quyết.
Cuộc đảo chính tại Thái Lan trong thời gian qua có nghĩa là quyền tự do ngôn luận đã bị siết chặt. Nhà lãnh đạo cuộc đảo chính, người đứng đầu quân đội, Đại Tướng Prayuth Chan-ocha, đã nhân danh Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia (NCPO), ra lệnh hạn chế các cuộc tụ họp chính trị trên năm người và triệu tập hàng trăm người đến để thẩm vấn trong khi bị quân đội tạm giam. Các phương tiện truyền thông tiếp tục bị hạn chế về những gì họ có thể tường trình.
Trong khi đó, tổ chức Human Rights Watch kêu gọi chính phủ Thái Lan hãy lập tức tiết lộ tung tích của một người ủng hộ phe đối lập đã bị bắt. Human Rights Watch nói ông này đã bị các binh sĩ bắt hôm thứ sáu tuần trước tại trung tâm đào tạo giáo viên tại Bangkok .
Tổ chức quốc tế này nói rằng gia đình của ông Kittisak Soomsri, 47 tuổi, đã nhận được một cú điện thoại nặc danh nói với họ rằng ông đã bị bắt giam dựa theo lệnh thiết quân luật nhưng ông sẽ được trả tự do sau bảy ngày, nếu gia đình không phổ biến tin tức về vụ bắt giữ này.
Ông Kittisak, một người ủng hộ phe "áo đỏ", là phe phái chính trị ủng hộ chính phủ dân sự tiền nhiệm, trước đó đã bị cáo buộc là đã tham gia các vụ xung đột chính trị bạo động.
Tướng Prayuth ban bố tình trạng thiết quân luật vào ngày 20 tháng 5, sau một thời gian bất ổn chính trị và những vụ xuống đường đôi khi có bạo động. Hai ngày sau đó, ông giải tán chính phủ dân sự. Tướng Prayuth giờ là Thủ tướng Thái Lan, sau khi được một cơ quan lập pháp chọn vào chức vụ này.
Tướng Prayuth sắp sửa từ giã quân ngũ vào tháng tới. Ông cho biết mục đích của ông là đưa Thái Lan trở lại con đường dân chủ, nhưng chỉ sau một thời gian cải cách chính trị sâu rộng.
Cả những người ủng hộ lẫn những người phản đối cuộc đảo chính đồng ý rằng các quan điểm của chính quyền quân sự là một yếu tố quan trọng của chương trình cải cách, nhằm phá bỏ ảnh hưởng của nhà tỷ phú Thaksin Shinawatra. Ông Thaksin đã bị loại khỏi chức thủ tướng trong cuộc đảo chính năm 2006 . Em gái của ông, bà Yingluck Shinawatra đã bị buộc phải từ bỏ chức thủ tướng không lâu trước khi xảy ra cuộc đảo chính năm nay.
Ông Thaksin Shinawatra đang tự ý sống lưu vong và có thể đối mặt với án tù vì tội tham nhũng, nếu ông hồi hương.