Trong tuần này, Ngân hàng trung ương Thái Lan cùng với các nước khác trong khu vực đã hạ giảm lãi suất chính. Quyết định thúc đẩy nền kinh tế đang chậm lại được đưa ra vào lúc chính quyền quân nhân hy vọng kích thích sự tăng trưởng với việc chi tiêu nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng. Thế nhưng theo bài tường thuật của Thông tín viên Ron Corben cho đài VOA từ Bangkok, các nhà phân tích cho rằng yếu tố chính để hồi phục tuỳ thuộc vào việc nền kinh tế toàn cầu nâng cao động cơ quan trọng nhất thúc đẩy nền kinh tế Thái Lan lên, đó là xuất khẩu.
Quyết định của ngân hàng trung ương Thái Lan cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản là một bất ngờ đối với các nhà phân tích khi ngân hàng này cùng với các ngân hàng khác trong khu vực như Nam Triều Tiên nói rằng quyết định giảm lãi suất được đưa ra trong tình hình nền kinh tế Thái Lan yếu hơn so với các dự báo trước.
Từng đứng đầu trong “các con hổ kinh tế” của châu Á, Thái Lan đã chứng kiến mức tăng trưởng bị tác động bởi các xung đột và bất ổn chính trị và bởi nhu cầu toàn cầu suy yếu hiện nay, nổi bật là đà tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc và Đông Nam Á.
Các nhà kinh tế tại Uỷ ban Kinh Xã về châu Á Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc (UNESCAP) dự báo mức tăng trưởng của Thái Lan trong năm 2015 là 3,5%, cao hơn 0,8% của năm ngoái nhưng thấp hơn nhiều so với môt thập niên trước đó.
Một số nhà phân tích trông đợi cuộc đảo chính sẽ dẫn tới sự phục hồi nền kinh tế vì nó kết thúc các cuộc biểu tình trên đường phố và dẫn tới ổn định chính trị. Thế nhưng phục hồi kinh tế đã không xảy ra. Các nhà đầu tư ngờ vực triển vọng chính trị trước cuộc bầu cử dự kiến vào đầu năm 2016.
Ông Supavud Saicheau, giám đốc điều hành cơ quan tài chính Chứng khoán Phatra, cho rằng xuất khẩu của Thái Lan là hy vọng chính cho sự phục hồi. Ông nói:
“Vì nhiều lý do (kinh tế đang yếu kém) nhưng chính yếu là bởi vì xuất khẩu không hồi phục và xuất khẩu là lãnh vực lớn nhất trong nền kinh tế Thái Lan. Và nếu anh không thể nâng xuất khẩu lên thì hậu quả là mọi thứ khác sẽ giảm đi.”
Vào tháng Giêng, tăng trưởng xuất khẩu của Thái Lan chỉ đạt hơn 3%, cho thấy mức tăng trưởng đứng yên trong nửa đầu năm nay.
Phó thủ tướng Thái Lan, ông Pridiyathorn Devakula, nói ông tin rằng cắt giảm lãi suất chính thức sẽ giúp nới lỏng xuất khẩu bằng cách kìm giá đồng baht Thái.
Những động thái của ngân hàng trung ương châu Âu nhằm nới lỏng chính sách tiền tệ trong khu vực sử dụng đồng euro đã dẫn tới sự suy giảm giá trị của đồng euro, làm cho xuất khẩu của châu Âu cạnh tranh hơn so với hàng xuất khẩu từ một quốc gia như Thái Lan.
Ngân hàng Thái Lan cho biết ngành du lịch vẫn là một thế mạnh, nhất là với khách du lịch từ Trung Quốc, nơi mà du lịch nước ngoài có lẽ không bị ảnh hưởng vì nền kinh tế Trung Quốc đang bị chậm lại.
Ông Andrew McBean, một đối tác của các chuyên gia tư vấn Grant Thornton, nói các dấu hiệu kinh tế của Thái Lan ít lạc quan hơn so với quan điểm chính thức của chính phủ:
“Mọi thứ nhẹ nhàng, theo tôi ở một mức độ nào đó rõ ràng là lối nói hoa mỹ từ chính phủ là sự lạc quan cần thiết, nhưng thực tế có phần khác hơn. Và chúng ta có thể thấy rất nhiều dữ liệu cũng chỉ ra điều đó, những số liệu bán hàng diễn ra gần đây, chỉ với việc chi tiêu tiêu dùng, có vẻ như rất rất trì trệ”.
Chính phủ Thái Lan đang đặt hy vọng phục vào một kế hoạch kích hoạt 11 tỉ đô-la trong nhiều lãnh vực, bao gồm chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và sửa chữa đường xá.
Việc chi tiêu đặc biệt nhắm vào các khu vực tỉnh lẻ bị ảnh hưởng nặng nề sau các chương trình dân tuý trước đó đã được rút lại sau khi quân đội lên nắm quyền.
Sự tăng trưởng trước đây của Thái Lan dựa vào chi phí nhân công thấp và các nguồn tài nguyên phong phú. Nhưng nhà kinh tế Pavid Pananond của trường đại học Thammasat nói kinh tế của Thái Lan đã thay đổi với sự nổi lên của các nền kinh tế khác trong khu vực. Ông nhận định:
“Chúng ta cần phải nâng lên mức độ tiếp theo. Chúng ta không còn có thể quảng bá Thái Lan là một quốc gia với chi phí sản xuất thấp hơn nữa. Nay đó là vai trò của Việt Nam hay thậm chí Indonesia, hay Lào, Campuchia đang cố gắng để giữ vai trò này. Thái Lan cần làm nhiều hơn nữa”.
Sự yếu kém của nền kinh tế Thái Lan cũng đang gây thiệt hại cho sự ủng hộ của dân chúng dành cho chính phủ, trong khi các nhà đầu tư vẫn thận trọng chờ đợi kết quả của cuộc tranh luận về hiến pháp mới và cuộc bầu cử được hứa tổ chức vào năm 2016.