Nhà chức trách Thái Lan đã công bố trát bắt và phổ biến phác họa chân dung một người đàn ông mà họ cho rằng có thể là thủ phạm vụ đánh bom làm ít nhất 22 người thiệt mạng tại đền Erawan ở Bangkok.
Cảnh sát trưởng Somyot Poompanmoung hôm nay cho hay nghi can đánh bom có thể hành động trong khuôn khổ một mạng lưới, nhưng cảnh sát chưa xác định được quốc tịch và các động cơ của nghi can.
Hai ngày sau khi xảy ra vụ nổ ở ngôi đền nổi tiếng Erawan là rúng động thủ đô Thái Lan, ông Somyot nói: “Hắn ta không hành động một mình, đó là điều chắc chắn. Đó là một mạng lưới.”
Bức phác họa chân dung do nhà chức trách công bố cho thấy một thanh niên đầu tóc bù xù đeo kính với tròng tròn, gọng nhựa. Các giới chức nói anh ta có thể là người Thái hay người nước ngoài. Nhà chức trách đang treo giải thưởng 28.000 đôla cho ai cung cấp thông tin đưa đến việc bắt giữ nghi can.
Hình ảnh trên máy thu hình an ninh không rõ nét dường như cho thấy một thanh niên mảnh khảnh, tóc màu sậm bù rối, mặc áo màu vàng, để lại một túi đeo lưng dưới gầm ghế công cộng và bình tĩnh bỏ đi ngay trước khi xảy ra vụ nổ.
Hôm nay, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha nói với các phóng viên: “Tôi muốn nói với tay đánh bom rằng nếu anh ta muốn được an toàn, thì phải ra đầu thú và các giới chức sẽ tìm cách bảo vệ anh ta.”
Một người phát ngôn cảnh sát sau đó cho biết 2 người đàn ông khác trong một đoạn video của máy thu hình an ninh, một người mặc áo đỏ và một người mặc áo trắng, cũng bị nghi là thủ phạm trong các vụ tấn công.
Đền mở cửa lại
Các nhà sư đã làm lễ tụng kinh và cư dân đem hoa và các phẩm vật cúng dường đến đặt tại ngôi đền Ấn giáo, đã chính thức mở cửa lại cho công chúng vào ngày hôm nay.
Cư dân địa phương Kawait Nunthakunatip, người đã đi qua ngôi đền hôm thứ hai chỉ 20 phút trước vụ nổ chết người, nói bà rất mừng thấy đền đã mở cửa lại sớm như thế.
Bà nói: “Tôi nghĩ đó là điều tốt bởi vì dân chúng muốn đến thờ cúng ở đền này. Đây là một ngôi đền được rất nhiều người ưa chuộng ở Thái Lan, tại Bangkok này. Du khách đến đây rất nhiều.”
Những người thiệt mạng trong vụ nổ gồm ít nhất 6 người Thái, 4 người Malaysia, 3 người Trung Quốc, 1 người Singapore, 1 người mang quốc tịch Philippines và 2 cư dân Hong Kong. Điều này cho thấy đây là nơi được nhiều du khách Á Châu thăm viếng.
Du khách người Đan Mạch tên là Maja Brash nói, “Tôi cảm thấy rất lạ lùng khi biết rằng có nhiều người đã chết ở đây, và rất nhiều người bị thương vẫn còn chống chọi với cái chết.”
Ngôi đền nằm ở một trong những giao lộ đông đúc nhất thủ đô, ngay bên kia đường là một trạm cảnh sát. Hai tuyến đường sắt treo của thành phố đều đi qua ngôi đền, trong khi làn sóng du khách và những người thăm đền liên tục dâng phẩm vật cúng và chụp ảnh suốt ngày.
Biến cố tệ hại nhất ở Thái Lan
Chưa ai nhận trách nhiệm gây ra vụ tấn công, mà Thủ tướng Prayuth đã nói là ‘biến cố tệ hại nhất từng xảy ra ở Thái Lan.’
Hôm qua, trong một bài phát biểu truyền hình, thủ tướng nói, “Những mưu toan phá hoại hiện nay có thể mang động cơ chính trị, nhắm mục tiêu vào nền kinh tế, du lịch hay bất cứ lý do nào. Chính phủ sẽ cố gắng tìm ra thủ phạm và đem lại công lý đối với bất kỳ mạng lưới nào có dính líu càng sớm càng hay.”
Thành phố với trên 6 triệu dân vẫn con hồi hộp lo sợ, nhất là sau khi xảy ra một vụ nổ khác hồi hôm qua gần một bến đò ở bờ sông Bangkok.
Cảnh sát nói thiết bị nhỏ được ném từ một cây cầu. Hình ảnh của đài CCTV cho thấy thiết bị rơi xuống nước trước khi nổ, làm nước bắn tung lên trời nhưng không gây thương tích.
Ảnh hưởng
Kinh tế đã bị ảnh hưởng ngay lập tức. Đồng baht của Thái đã sụt xuống mức thấp nhất trong 6 năm so với đồng đôla Mỹ. Các hãng du hành xác nhận những vụ hủy tức thời của những người quá sợ hãi không dám đến vương quốc này nữa.
Trong khi nói rằng họ chưa xác định được ai là thủ phạm vụ tấn công, chính quyền Thái không loại trừ việc có thể có một sự liên hệ với các chính sách quốc nội đầy xáo động trong nước.
Ngôi đền ở gần các khu lâu nay vẫn bị chiếm đóng bởi nhiều phe phái chính trị khác nhau chống đối chính phủ đương quyền.
Năm 2010, các thành phần chống đối chính phủ đã chiếm lãnh khu vực trong nhiều tuần lễ cho đến khi quân đội phải dùng vũ lực để đẩy họ đi, dẫn tới nhiều cái chết và những vụ tấn công phá hoại hàng cục thương xá ở gần đó. Khu vực lại còn bị một nhóm người biểu tình chống chính phủ vào năm 2014, đưa tới việc lật đổ chính phủ của bà Yingluck Shinawatra và sau đó là vụ đảo chính của quân đội.
Trong năm vừa qua, chính phủ quân nhân Thái Lan đã cấm các cuộc biểu tình và ngưng các biện pháp dân chủ, trong khi nhất mạnh rằng đất nước chưa sẵn sàng tổ chức một cuộc bầu cử nữa.
Hình ảnh vụ nổ bom chết người ở Bangkok: