Thái Lan đang đề nghị đàm phán với Malaysia và Myanmar để thảo luận vấn đề buôn bán người, tiếp theo việc phát hiện mấy chục nấm mồ mới dường như chôn các công nhân di trú bị mua bán.
Hàng chục cảnh sát viên và giới chức địa phương đã bị thuyên chuyển hay bắt giữ vì nghi có dính líu đến các hoạt động buôn bán người.
Giới hữu trách Thái Lan đã bị các nước ngoài và các tổ chức nhân quyền chỉ trích từ nhiều năm nay là không có những biện pháp nghiêm túc để giải quyết vấn đề buôn bán người ở nước này.
Nhưng nay Thủ tướng Thái Prayut Chan-o-cha đang kêu gọi một sự đáp ứng của khu vực có liên quan đến Myanmar, xuất xứ của nhiều người Rohingya di trú, và Malaysia, nơi các mạng lưới mua bán người cũng hoạt động.
Hàng chục nấm mồ đã được phát hiện ở vùng rừng rậm thuộc tỉnh Songkhla ở biên giới phía nam Thái Lan, giáp ranh với Malaysia, với các địa điểm có thể chứa xác của hàng trăm người di trú không có giấy tờ hợp pháp bị mua bán.
Đa số người được đưa lậu vào là người Hồi giáo Rohingya từ bang Arakan miền tây Miến Điện phần lớn không có tổ quốc, cùng với dân di trú từ Bangladesh. Họ bỏ nhà ra đi tìm việc làm ở Malaysia hay xa hơn là Indonesia, nhưng đã bị các băng đảng mua bán người lùa vào một chỗ để đòi tiền chuộc.
Những người hoạt động cho nhân quyền lâu nay vẫn nghi các giới chức nhà nước và lực lượng an ninh có can dự vào công cuộc mua bán người có liên quan đến các tàu thuyền từ bang Arakan tới bờ biển Thái Lan, rồi được đưa vào các trại giam giữ trước khi được giao ở biên giới để đưa vào Malaysia.
Hôm thứ năm, nhân viên điều tra Thái Lan đã thuyên chuyển hơn 50 cảnh sát viên ra khỏi vùng này, trong khi chờ đợi một cuộc điều tra về sự can dự của họ vào công cuộc mua bán người này. Cuối ngày thứ sáu, truyền thông Thái loan tin cảnh sát đã bắt giữ người đứng đầu một thị trấn ở địa phương, bị cáo giác là chủ mưu việc đưa lậu người Rohingya vào Songkhla.
Đến Thái Lan để dự các cuộc hội đàm, chính thức, Ngoại trưởng Úc bà Julie Bishop hoan nghênh các cuộc điều tra và cách đáp ứng của chính phủ Thái Lan.
Bà nói: “Việc phát hiện các xác người này và tình huống xoay quanh ở miền nam Thái Lan thật là kinh hoàng. Rõ ràng đây là một thảm kịch khủng khiếp. Nhưng tôi công nhận sự kiện là chính phủ Thái Lan đã đáp lại một cách kịp thời. Rằng có một cuộc điều tra – chắc chắn là chúng ta hoan nghênh việc ấy và chúng ta sẽ tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ và các mức độ hợp tác nếu chúng ta có thể làm được.”
Các di dân không có giấy tờ hợp lệ phải trả cho bọn buôn người trung bình khoảng 2 ngàn đôla. Những người không trả được tiền thường bị tấn công trước khi gọi cho thân nhân để trả tiền.
Người Rohingya càng ngày càng bị ngược đãi trong những năm gần đây. Năm 2012, những vụ bột phát bạo động khiến hơn 100 ngàn người Rohingya bị nhốt trong các trại tỵ nạn, chịu cảnh nghèo khó và tương lai bất định.
Hôm thứ sáu tổ chức Tenaganita tranh đấu cho quyền của người lao động cho biết đã nhận được các báo cáo về việc công nhân di trú không có giấy tờ hợp pháp bị mất tích ở Malaysia và đã yêu cầu điều tra về những hoạt động mua bán người ở nước này.
Các nhà hoạt động cho nhân quyền khác nói hầu hết các trại hiện ở Malaysia, thường có thể chứa được tới mấy trăm người vào bất cứ lúc nào. Nhưng họ nói điều kiện trong trại thường rất tệ hại, với nhiều người bị giam giữ đã chết vì suy dinh dưỡng và chết đói.
Cơ quan Bài trừ Ma túy và Tội phạm của Liên Hiệp Quốc UNODC ước tính việc mua bán dân di trú ở châu Á mỗi năm đem lại tới 2 tỷ đôla lợi nhuận cho các nhóm tội phạm trong vùng.
Your browser doesn’t support HTML5