Texas kỷ niệm 50 năm vụ xả súng ở Đại học Texas, Austin

  • Greg Flakus

Đại học Texas ở Austin. 50 năm trước, một sinh viên leo lên tòa tháp cao nhìn xuống khuôn viên trường Đại học Texas, và bắt đầu nổ súng bừa bãi xuống những người bên dưới.

Các vụ xả súng giết người hàng loạt ngày nay đã trở thành một phần đáng buồn của cuộc sống hàng ngày trong xã hội Mỹ, nhưng cách đây 50 năm về trước, nước Mỹ đã rúng động khi một cựu binh sĩ Thuỷ quân Lục chiến trở thành một sinh viên ngành kỹ sư leo lên tòa tháp cao nhìn xuống khuôn viên trường Đại học Texas ở Austin, và bắt đầu nổ súng bừa bãi xuống những người bên dưới. Anh sinh viên này đã giết hơn 12 người và làm bị thương hơn 30 người trước khi bị cảnh sát bắn hạ.

Buổi lễ tưởng niệm sự cố này khởi sự vào đúng thời khắc vụ xả súng bắt đầu cách đây 50 năm về trước.

Đài Tưởng niệm làm bằng đá hoa cương màu hồng có khắc tên của 17 người đã thiệt mạng trong ngày hôm ấy, hay sau đó vì những vết thương trong sự cố này.

Thông tín viên Flakus của đài VOA tường trình:

“Với đài tưởng niệm này, cả những người sống sót lẫn gia đình của những nạn nhân đã chết hy vọng có thể, cuối cùng có thể bỏ lại sau lưng thảm hoạ này.”

Đài tưởng niệm được đặt ngay dưới chân tòa tháp nơi mà vào năm 1966, hung thủ Charles Whitman, trong tình trạng điên loạn, đã sử dụng khẩu súng trường bắn xuống phía dưới từ tòa tháp cao 70m.

Một trong những người đầu tiên bị thương là Claire Wilson James, cô đã sống sót qua vụ xả súng, nhưng đã bị sẩy thai.

Cô hồi tưởng lại: “Xin cho đài tưởng niệm này còn lại đây trong khuôn viên đại học này, và trong tâm trí của chúng ta như một nhắc nhở về sức mạnh mà mỗi chúng ta đều có để xây dựng một cộng đồng đầy tình yêu thương nhau.”

Anh sinh viên đã can đảm chạy ra để mang cô Claire vào nơi an toàn, giờ là diễn viên Artly Snuff, nói rằng vụ xả súng đã để lại nơi anh nhiều vết thương tinh thần.

“Như tại Newtown, Aurora, hay Orlando, chúng tôi cũng được nhiều vị tư vấn giúp để đối phó với những nỗi mất mát sau sự cố, họ biết rằng chúng tôi cần phải nói về sự cố này, nhưng thời ấy vào năm 1966, những sự việc như vậy gần như không bao giờ xảy ra.”

Một anh hùng khác trong ngày hôm ấy là Ramiro Ray Martinez, người đã cùng cảnh sát viên McCoy của thành phố Houston chạy lên đài quan sát rồi bắn chết hung thủ.

Ông Martinez nói: “Khẩu súng của tôi không nạp đạn, vì vậy tôi với ra sau, giật lấy khẩu súng ngắn và bắn một loạt đạn vào hung thủ bắn sẻ bởi vì anh ta vẫn cầm một khẩu súng M-1 trong tay, và đang có cử chỉ như muốn ra tay, tôi muốn bảo đảm anh ta không thể bắn tôi.”

Những người cổ vũ cho quyền sở hữu súng ống lưu ý một cách hợp lý rằng, thường dân mang theo súng ống có thể đóng một vai trò để khống chế kẻ bắn sẻ, nhưng sau khi anh ta đã chết, những phát súng bắn từ bên dưới có thể đặt Martinez và các cảnh sát viên khác trong thế có nguy cơ bị bắn nhầm.

Đây cũng là ngày mà nghị viện bang Texas chọn để thi hành một luật mới cho phép mang theo súng ống công khai trong khuôn viên trường đại học, một ý kiến bị đa số các sinh viên và nhân viên nhà trường chống đối.

Nhưng cả hai bên ủng hộ và chống đối quyền mang súng ống công khai đều dẹp qua những bất đồng để dự lễ khánh thành đài tưởng niệm, và Hiệu trưởng Trường Đại học Texas Gregory Fenves nhấn mạnh những hành vi quả cảm, anh hùng thay vì bạo lực đã xảy ra trong ngày hôm ấy.

Hiệu trưởng Fenves phát biểu: “Bằng cách tập trung vào những điều thiện, những câu chuyện của các anh hùng, và ăn mừng cuộc đời của những người sống sót đang có mặt với chúng ta trong chiều hôm nay, chúng ta có thể tưởng nhớ lại và tìm cách vượt thắng gánh nặng của quá khứ.”

Tòa tháp trong khuôn viên trường ở Austin vẫn là một biểu tượng của giáo dục và tiến bộ, và cả những người sống sót qua vụ xả súng, lẫn những người đang làm việc và học tập tại đây, mong muốn cắt bỏ mối liên hệ giữa tòa tháp này với vụ xả súng gây nhiều chết chóc do một người điên loạn gây ra cách đây nửa thế kỷ.