Những bài hát về mùa Xuân nhân dịp đầu năm âm lịch

Những bài hát về mùa Xuân nhân dịp đầu năm âm lịch

Chương trình “Ca khúc Việt Nam” do Thanh Trang thực hiện xin kính chào quý vị nhân dịp đầu Xuân!

Quý vị thân mến! Vừa mới hôm nào đây chúng ta cùng nhau đón năm mới dương lịch 2010; hôm nay – cùng thời điểm với buổi phát thanh này - chúng ta cùng nhau đón Xuân Canh Dần, tuy do khoảng cách của những múi giờ khác nhau cho nên trong lúc ở Việt Nam giờ này đang chuẩn bị đón Giao Thừa thì ở một số nơi khác trên quả đất lại vẫn còn trong ngày 30 Tết!

Theo truyền thống nước ta, Tết đến thì người ta tạm gác hết mọi sự có thể gác được qua một bên để vui đón ba ngày Tết. Trong khuôn khổ buổi phát thanh của chương trình này thì ta cùng nhau tạm gác hết qua một bên những gì không đi liền với không khí Xuân trên đất Việt, tuy vào giờ này thì tại không ít nơi ở hải ngoại vẫn còn là mùa Đông với tuyết phủ tứ bề!

Những bài hát về mùa Xuân trong Tân Nhạc Việt Nam của 80 năm qua là nhiều lắm! Một số xuất hiên năm này hoặc năm khác, để rồi được thay thế bởi những bài khác. Một số vẫn tưởng như còn ở đấy mãi với lòng người suốt ngần ấy thời gian. Có những giai điệu về mùa Xuân thật vui tươi rộn rã. Có những bài hát về Xuân, về Tết, có phảng phất những nỗi buồn từ xa vắng đến ray rứt, do hoàn cảnh chiến tranh suốt 30 năm dài trong số 80 năm của nền Tân Nhạc đó, tính cho đến ngày hôm nay!

Từ một ngày thật xưa đã có bài “Xuân nhớ chiến sĩ” của Ngọc Bích, mở đầu với những câu như: "Chim ca vang mừng mùa Xuân sang... Riêng có em lòng nhớ mong chàng...” Có những bài như "Lá thư mùa Xuân" của Phạm Đình Chương: với những câu như "Anh đi mùa Xuân mới năm nào… Khắp lối hoa đua sắc đẹp sao… Đưa anh mà bước chân tần ngần vì dẫu sao biệt ly cũng vương niềm sầu đau!" Khung cảnh đã như thế, hòan cảnh đã như thế thì tất nhiên là có những mùa Xuân, những ngày năm hết Tết đến mà những người chiến sĩ trong các bài hát kia đã vĩnh viễn không trở về.

Xuân đến, Tết đến, như ta đều biết, không hẳn đã là Xuân vui với tất cả mọi con người với những cảnh ngộ khác nhau. Tuy có một điều chung nhất, gần như mầu nhiệm do truyền thống nghìn đời để lại, là Xuân sang, Tết đến thì dù trong cảnh ngộ nào con người ta vẫn cứ mơ hồ cảm thấy được một niềm hy vọng nào đấy, với những ước mơ – từ trẻ đến già - là bước sang năm mới thì cuộc đời mình sẽ khấm khá, tốt đẹp hơn!

Nhưng đến đây thì xin mời quý vị ta cùng nhau bắt đầu với những khúc nhạc Xuân trong buổi đầu năm với bài hát vừa là cũ kỹ nhất nhưng cũng lại vừa bền bỉ nhất với thời gian trong lòng người: Bài “Xuân và Tuổi trẻ", nhạc của La Hối, lời của Thế Lữ, qua tiếng hát Ánh Tuyết!

XUÂN VÀ TUỔI TRẺ

Quý vị thân mến, ta vừa cùng nhau nghe “Xuân và Tuổi trẻ”, nhạc của La Hối, lời của Thế Lữ qua giọng ca Ánh Tuyết. Bài hát này, trước khi bài “Ly rượu mừng” của Phạm Đình Chương xuất hiện vào cuối thập niên 50, thì Tết năm nào cũng đuợc liên tục phát đi trên các đài phát thanh, trên cả nước trước năm 54, và ở miền Nam sau năm 54, cho đến năm 74.

Phần lớn những bài hát với đề tài về mùa Xuân trong Tân Nhạc Việt Nam thì chủ yếu là nói về mùa Xuân theo góc cạnh mùa màng. Chỉ một số nào đấy thì mới mang ý nghĩa của ngày Tết. Bài cụ thể nhất nói đích danh về ngày Tết là bài “Ly rượu mừng” của Phạm Đình Chương.

Hoặc những bài như “Phiên gác đêm Xuân” của Vì Dân với những câu như “Ngồi ngắm mấy lớp chòi canh...mơ về bên mái nhà tranh…mà ước chiếc bánh ngày Xuân..lòng vương khói hương niềm thương...” thì “chiếc bánh ngày Xuân” ấy không có gì khác hơn là chiếc bánh chưng của ba ngày Tết.

Hoặc như nơi bài “Xuân này con không về” của Trịnh Lâm Ngân mà mấy ngày này quý vị đi phố có thể nghe các nơi bán CD băng nhạc người ta cho phát để quảng cáo hàng thì tựa đề của bài hát chỉ có thể có nghĩa là lời của một người lính nhắn với mẹ mình là “Tết này con không về”. Còn ngoài đấy ra thì phần lớn, như đã nêu, là nói chung chung về mùa Xuân, trong đó có thể lọt vào ba ngày Tết hoặc là không!

Mà như thế thì nhiều lắm! Phạm Đình Chương còn có “Xuân tha hương” và bài “Đón Xuân”. Dương Thiệu Tước có “Bến Xuân xanh”, một bài theo điệu “Valse” thật đặc sắc! Phạn Duy có: “Hoa Xuân”, “Xuân ca”, “Xuân Thì”, “Mộng đêm Xuân”, v.v.. Hòang Trọng có bài “Gió mùa Xuân tới”. Vũ Thành có bài “Nhớ bạn”. Văn Phụng có “Xuân miền Nam” và “Xuân thôn dã”. Nguyễn Hiền có bài “Anh cho em mùa Xuân”, phổ thơ Kim Tuần. Nguyễn Văn Đông có bài “Nhớ một chiều Xuân”. Lê Dinh và Minh Kỳ có bài “Cánh thiệp đầu Xuân”. Trần Thiện Thanh có “Đồn vắng chiều Xuân”. Từ Công Phụng có bài “Mùa Xuân trên đỉnh bình yên” trước năm 75. Ngô Thụy Miên có bài “Em còn nhớ mùa Xuân ?” ở hải ngọai sau năm 75. v.v… và v.v…

Đối với người Việt ở hải ngoại và ngay cả không ít người đang có mặt trên đất nước thì Tết đến có lẽ đọan sau đây trong bài “Xuân tha hương” của Phạm Đình Chương là hợp tình hợp cảnh hơn cả:

XUÂN THA HƯƠNG


Vừa rồi là trích đọan bài “Xuân tha hương” của Phạm Dình Chương qua tiếng hát của Phạm Thành, người con trai của tác giả. “Đuờng đi xa lắc lê thê thêm khát khao ngày về quê...để sống vui quê Mẹ lúc Xuân về...” Cũng có nghĩa là về ăn Tết với Mẹ mình ở quê cũ! Nghe bài hát và nhìn lại thì làng xã thôn ấp ở Việt Nam của nửa thế kỷ trước không thay đổi nhiều. Với mấy mươi năm trở lại đây thì tình hình đã khác xưa nhiều lắm. Một người xa quê mà trở về nguyên quán sau đôi ba năm để ăn Tết trong dịp Xuân thì có khi không còn trở về chốn cũ như mình vẫn quen thuộc!

Thời đại công nghiệp hóa, kinh doanh thị trường nó là như thế! Lúc đó thì có khi con người ta lại phải như người nghệ sĩ trong bài hát “Cô láng giềng” của Hoàng Quý khi xưa, mở đầu với “Hôm nay trời Xuân bao tươi thắm...” nhưng rồi ở cuối bài lại phải âm thầm lặng lẽ mà hát lên câu: ”đành lòng nay tôi bước chân ra đi, dơ tay buồn hái bông Hồng Tường Vi!”, cho dù không phải vì cô láng giềng khi xưa của mình đã bỏ đi lấy chồng, mà cũng chưa chắc là khóm Hồng Tường Vi còn đấy!

Và đến đây thì xin mời quý vị ta cùng nhau nghe bài hát “Gió mùa Xuân tới” của Hòang Trọng qua giọng ca của Lê Dung!

GIÓ MÙA XUÂN TỚI


Vừa rồi là tiết điệu rộn ràng của bài “Gió mùa Xuân tới” của Hòang Trọng qua tiếng hát Lê Dung!

Còn bây giờ thì đến một giai điệu thanh thóat êm ả hơn: bài “Hoa Xuân” của Phạm Duy qua giọng ca Quỳnh Giao.

HOA XUÂN

Ở trong Nam thời trước năm 75 đã có một nhà thơ cho rằng ngày Tết mà không có bài “Ly rượu mừng” của Phạm Đình Chương thì kể như không có Tết! Các nhà thơ khi muốn tìm ra một từ ngữ hay một cái ý gì đấy cho thật kêu thì họ cũng thường viết lách hay phát ngôn kiểu như thế! Chúng tôi ở đây chỉ biết là trước ngày bài “Ly rượu mừng” ra đời thì chúng tôi và trăm ngàn vạn con người khác, nếu như chúng tôi không muốn lập lại cách nói theo kiểu thậm xưng, vẫn ăn Tết vui vẻ; tuy cũng đồng ý với một khía cạnh thôi nơi cái ý của nhà thơ vừa nêu là ba ngày Tết mà có bài “Ly rượu mừng” của Phạm Đình Chương thì lại càng có thêm cái để nhắc nhở đến không khí Tết!

Xin mời quý vị ta cùng nhau nghe bài hát tưởng chừng như khó còn có bài thay thế đuợc cho ba ngày Tết: bài “Ly rượu mừng” của Phạm Đình Chương qua phần hợp ca của Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao, Vũ Anh, Duy Hiển và Phạm Thành!

LY RƯỢU MỪNG

Quý vị thân mến. Ta vừa cùng nhau nghe bài hát “Ly rượu mừng", trình bày hợp ca! Bài này thì đã quá quen tai với không biết bao người suốt từ ngày nó ra đời cho đến tận ngày hôm nay! Do đó mà để trả lời cho câu hỏi: ”Thế nào là một bài ca hay?” thì thiết tưởng cũng không đến nỗi khó khăn phức tạp cho lắm! Tạm coi như cái gì hay thì nó tồn tại!

Và đến đây thì nhân dịp Tết Canh Dần, người thực hiện chương trình này cũng muốn gửi đến quý vị một bài hát của chính mình trong ngày đầu năm mới, như một lời chúc lành đến mọi người! Xin mời quý vị nghe bài “Bài hát mùa Xuân” của Thanh Trang, một lần nữa, qua tiếng hát Quỳnh Giao!

BÀI HÁT MÙA XUÂN

Quý vị thân mến: Ca khúc “Bài hát mùa Xuân” của Thanh Trang qua tiếng hát Quỳnh Giao vừa rồi cũng vừa kết thúc chương trình “Ca khúc Việt Nam” hôm nay. Xin kính chúc quý vị bốn phương một năm mới an lành, và xin hẹn nhau lại đến tuần tới!

Mời quý vị bấm vào đường dẫn bên phải để nghe chương trình này.