Ông Ken Ballen, sáng lập viên và chủ tịch Tổ chức Terror-Free Tomorrow cho biết ban đầu đó chỉ là một dự án nghiên cứu. Khi nhóm của ông tiến hành lấy ý kiến công chúng về thế giới Hồi giáo, ông Ballen đã đi du hành thường xuyên và đã có dịp gặp những kẻ cực đoan trẻ tuổi.
Ông Ballen nói: "Thật đáng ngạc nhiên là rất nhiều người đã tỏ ra cởi mở với tôi. Họ đã chia sẻ về cuộc đời mình với tôi, kể cho tôi nghe rằng họ đã tham gia vào phong trào cực đoan như thế nào - nhiều người trong số họ đã từ bỏ, và tôi nghĩ điều đó cũng quan trọng như khi họ bắt đầu dính líu vào.
Trong tổng số trên dưới 100 phần tử cực đoan mà ông đã phỏng vấn, trong cuốn sách của mình, ông Ballen tập trung vào 6 người trong số họ.
Ông Ballen nói tiếp: "Quí vị không thể chọn 6 người và nói rằng họ đại diện cho tất cả các động cơ của những phần tử cực đoan ở khắp nơi. Họ không đại diện cho tất cả. Nhưng tôi nghĩ rằng họ đại diện cho nhiều hình thức mà người ta tham gia vào phong trào này."
Theo ông Ballen, điều kết nối những câu chuyện này với nhau được phản ánh trong cuốn sách mang tựa đề Terrorists in Love, xin tạm dịch là Tình yêu của những tay khủng bố.
Ông Ballen cho biết: "Cuốn sách kể câu chuyện về những người hầu như không thể tìm thấy tình yêu, và cảm giác thất vọng, không thể kết nối được với một người khác trên trái đất – họ chỉ có thể tìm thấy tình yêu với Chúa – họ chuyển cảm giác thất vọng đó thành hành động cực đoan.”
Một trong số những người này là Abdullah Al Gilani. Câu chuyện của người này có tên là Romeo và Juliet thánh chiến. Ông Ballen giải thích rằng người thanh niên Ả Rập Saudi này đã yêu một phụ nữ có tên là Mariam, nhưng không thể cưới được cô.
Ông Ballen nói: "Cha của cô gái muốn gả cô với một khoản tiền hồi môn lớn và ông ta nghĩ ông ta sẽ có thể thu về 30.000 đôla. Tuy nhiên, người thanh niên này không có số tiền lớn như vậy. Anh ta chỉ có tối đa là 8.000 đôla. Vì vậy cha của cô gái đã gả cô cho một người đàn ông lớn tuổi hơn cô gấp 3 lần. Cô gái đã bị làm nhục và thực tế là đã bị cưỡng hiếp vì cô không đồng tình với cuộc hôn nhân đó. Abdullah sau đó đã rất quẫn trí. Anh ta nghĩ rằng nếu anh ta tham gia thánh chiến và chết, anh ta chiến đấu vì chúa, vì vậy anh ta có thể lên thiên đường và gặp người yêu Mariam. Vì thế, anh ta quyết định đi sang Iraq."
Ahmad Alshayea là một phần tử tham gia thánh chiến đã tới Iraq. Ông Ballen nói rằng mối quan hệ không tốt đẹp với người cha đã dẫn đến quyết định rời bỏ gia đình và rời bỏ đất nước của Ahmad. Ông Ballen đã phỏng vấn Ahmed ở Ả Rập Saudi tại nơi mà các cựu chiến binh thánh chiến được cải tạo.
Ông Ballen nói như sau: “Người thanh niên này chưa từng gặp gỡ một người phụ nữ nào ngoài những thành viên trong gia đình cho tới khi anh ta tới Abu Ghreib, sau khi đã đi khắp nơi, và đã được một nhân viên y tế người Mỹ chăm sóc, người phụ nữ đầu tiên mà anh ta từng gặp. Sự gặp gỡ đó đã mở mang cho anh ta về người Mỹ, về phụ nữ, điều mà anh ta chưa từng trải qua trước đó. Nó đã thức tỉnh lòng nhân đạo của anh ta."
Ahmad bị bắt và được đưa đến Abu Ghreib sau khi sống sót sau một vụ đánh bom tự sát. Anh ta và hai phần tử thánh chiến khác được giao nhiệm vụ lái một chiếc xe tải đi cài mìn. Nhưng các tòng phạm của anh ta đã nhảy ra khỏi xe trước khi chiếc xe đến hàng rào bê tông và phát nổ, khiến 8 người chết, còn Ahmed thì bị thương nặng. Trong cuốn sách, Ballen mô tả những ý nghĩ nội tâm của Ahmed sau khi được đưa tới Abu Ghreib.
Ông Ballen nói tiếp: "Cuốn kinh Quran dậy Ahmad rằng là một chiến binh tử vì đạo, anh ta sẽ mãi mãi được nuôi dưỡng trên Thiên đường với những trái chà là. Nhưng thay vì những trái chà là ngọt ngào mà Cha nói là thức ăn trên thiên đàng, anh ta lại phải truyền nước biển vào tĩnh mạch. Thay vì mặc áo choàng bằng lụa và nằm dài trên những chiếc ghế đi văng trảm trang sức như cuốn Kinh thánh hứa hẹn, Ahmad giờ nằm trên một chiếc giường màu trắng. Và còn cả những trinh nữ trong trắng như ngọc mà thánh Allah đã hứa dành cho bất kỳ kẻ tử vì đạo nào. Anh ta cũng chẳng được đoàn tụ với gia đình như đã được hứa hẹn – không được gặp em trai, ông và người mẹ thân yêu. Anh ta đơn độc."
Ông Ballen nói rằng trải nghiệm đó đã khiến Ahmad đặt ra một sứ mạng mới. Anh ta cảnh báo những người trẻ tuổi như mình chớ đi theo con đường mà anh ta từng chọn.
Những thanh niên khác được ông Ballen đề cập trong cuốn sách còn có Malik, một cố vấn tinh thần của thủ lĩnh Taliban Mullah Omar, và Zeddy, chiến binh Pakistan chuyên nghiệp, người đã phát hiện ra rằng một nhóm thánh chiến tôn giáo cũng có thể bị mục nát như bất kỳ tổ chức nào khác.
Tác giả nói rằng để chống khủng bố, chúng ta phải hiểu những con người đó và cách suy nghĩ của họ.
Ông Ballen nói: "Tôi nghĩ sự thay đổi phải được thực hiện từ bên trong. Điều đó phải được thực hiện từ những người sẵn sàng hành đạo của mình – dù là Hồi giáo, Cơ đốc giáo, Do Thái hay Aán giáo – một cách khoan dung và gồm nhiều thành phần chứ không loại trừ ai – giống như kiểu chỉ có đạo của chúng ta là đúng còn của mọi người khác là sai. Nhiều người có thể thay đổi và nhiều người có thể thay đổi qua đối thoại. Và chúng ta nên vạch trần thực tế của bất kỳ phong trào cực đoan nào, bởi có vô số sự mục nát trong đó.”
Đó là lý do tại sao ông Ken Ballen lại viết cuốn Terrorists in Love để chia sẻ với bạn đọc những câu chuyện mà ít người được nghe về chủ nghĩa khủng bố và những người thực hiện chúng.
Tại sao một người thanh niên trẻ lại biến từ một công dân thuộc tầng lớp trung lưu, tuân thủ theo pháp luật, thành một tay khủng bố? Ông Ken Ballen. một cựu công tố viên liên bang, đã dành 5 năm để tìm cầu trả lời và kết quả là ông đã viết một cuốn sách với tựa Terrorists in Love: The Real Lives of Islamic Radicals. Thông tín viên VOA Faiza Elmasry đã nói chuyện với ông Ballen và có bài tường trình sau đây.