Năm 2007, anh từng bị tống giam, bị đuổi việc, và bị kỷ luật sau khi cho một đồng nghiệp mượn xem vài cuốn sách viết về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Năm 2008, anh tham gia cuộc biểu tình chống Trung Quốc nhân dịp đuốc Thế vận hội Olympic Bắc Kinh được rước qua Việt Nam và treo biểu ngữ trên cầu vượt Nam Thăng Long, kêu gọi dân chủ, đa nguyên-đa đảng tại Việt Nam. Anh bị bắt giữa tháng 9 năm 2008. Trong thời gian bị cầm tù, anh đã nhiều lần tuyệt thực để phản đối cách đối xử với tù nhân trong trại và bản án mà giới bảo vệ nhân quyền trên thế giới chỉ trích là vi phạm nhân quyền.
Trao đổi với Tạp chí Thanh Niên trong ngày mãn hạn tù, anh Vũ Hùng kể về chặng đường từ một nhà giáo đến một tù nhân về tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước”, về lý tưởng dân chủ mà anh theo đuổi.
Trà Mi: Xin được hỏi khởi điểm từ đâu thay đổi anh từ một nhà giáo thành một người dấn thân đấu tranh đòi dân chủ?
Vũ Hùng: Tôi chỉ nghĩ là nếu không có quyền tự do ngôn luận thì nói gì đến dân chủ. Mục đích đấu tranh là dân chủ. Vũ khí đấu tranh là tự do ngôn luận. Đây là việc làm tốt cần phải làm để đưa đất nước tiến lên.
Trà Mi: Nhưng vì sao đang tham gia công tác trồng người dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, anh lại quay sang tham gia các hoạt động chính trị bị chính quyền gọi là ‘chống phá nhà nước’. Mọi việc bắt đầu từ đâu thưa anh?
Vũ Hùng: Như Phan Bội Châu có câu thơ:
“Sống tủi làm chi đứng chật trời?
Sống nhìn thế giới hổ chẳng ai.
Sống làm nô lệ cho người khiến..”
Tôi được những người cộng sản dạy tôi tinh thần trách nhiệm với đất nước. Thế nhưng, bây giờ, họ lại đưa tôi vào tù và họ muốn tôi vô trách nhiệm. Tức là họ làm ngược. Nói một đằng làm một nẻo. Đến bây giờ tôi mới vỡ mộng ra. Còn nhiều người vì lợi cá nhân, nhưng nếu ai cũng thế thì cường quyền sẽ lấn át. Nếu ai cũng chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân thôi thì xã hội toàn chộp giựt cả. Cứ đúng mà tôi làm thì tôi không sợ, không sợ khó khăn, nguy hiểm. Lấy cái sợ lớn chữa cái sợ nhỏ. Lấy cái sợ nhục chữa cái sợ chết. Tôi cứ kiên trì học hỏi, điều chỉnh, và trưởng thành từng ngày. Có thể nhiều người có suy nghĩ giống tôi, nhưng họ đi tới một đoạn đường nào đấy thì họ dừng lại để nghĩ đến cái thiết thực hơn. Có thể một ngày nào đó, tôi sẽ bị bắt lại. Có thể tôi sẽ chết trong tù. Tôi nghĩ đấy cũng là một vinh dự, vì chết cho cái đúng. Nhiều người khác chết vô nghĩa lắm.
Trà Mi: Tại tòa, anh thừa nhận có vi phạm điều 88, tức điều cấm các hoạt động ‘tuyên truyền chống nhà nước’, nhưng anh khẳng định là không làm bất cứ điều gì chống phá nhà nước Việt Nam. Điều này hơi khó hiểu và mâu thuẫn vì bản thân điều 88 cấm ‘chống phá nhà nước’. Anh cho là mình có vi phạm điều này, nhưng lại nói không ‘chống phá’. Xin anh giải thích thêm mâu thuẫn này nên được hiểu thế nào?
Vũ Hùng: Ý tôi là thế này. Nhà nước của dân, vì dân chân chính thì hướng tới cái tốt, hướng tới dân chủ, lợi ích thật sự mà việc làm của tôi cũng cùng giống mục đích đấy. Nếu đúng như những gì tốt đẹp mà nhà nước nói thì tức là tôi giúp nhà nước chứ tôi không hề chống. Còn nhà nước cứ kết án tôi thì tự nhiên nó lộ bản chất của nhà nước ra. Cái ý tôi là như vậy. Tôi muốn bằng công việc của mình chứng minh bản chất của chế độ.
Trà Mi: Thế nhưng anh chứng minh thế nào rằng những hoạt động của mình là không ‘chống phá nhà nước’?
Vũ Hùng: Cùng mục đích nhà nước cũng bảo là chống tham nhũng, bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ đất nước-biển-đảo. Nhà nước cũng nói đất nước ta là đất nước tự do, của dân, do dân, vì dân, và có tự do ngôn luận. Nếu đúng như thế thì tôi đâu có ‘chống’. Tôi làm đúng đấy, chứ tôi có chống đâu.
Trà Mi: Anh treo biểu ngữ kêu gọi đa đảng, mà Hiến pháp Việt Nam quy định đảng cộng sản là thế lực duy nhất độc quyền cai trị…
Vũ Hùng: Có ý nghĩa gì đâu khi mà bản chất đã bị phơi bày, mặt nạ đã bị rơi ra. Những người chân chính, những người có lương tri, những người có đạo đức thức tỉnh. Vấn đề quan trọng nhất là lật mặt nạ của một chế độ thường hay nói những điều tốt đẹp mà thực tế là một chế độ tà trị. Đấy là mục đích của tôi. Ôn hòa, bất bạo động để giúp cho tiến bộ xã hội là một việc làm hay, một sáng kiến hay. Có gì đâu mà người ta bắt?! Đấy cũng là một cái hay, vì những con người bằng xương bằng thịt, những quan điểm chính kiến nghiêm túc được trình bày ra, được trải qua thời gian thử thách thực sự. Đấy cũng là cái để người ta ngẫm nghĩ.
Trà Mi: Nhật ký ba năm tù của anh chắc chắn vui ít buồn nhiều, nhưng có những chi tiết nào anh cho là đáng chú ý, cần được chia sẻ không? Những quy chế về sinh hoạt, lao động, học tập trong trại giam đối với anh thế nào?
Vũ Hùng: Ba năm tù đối với tôi là những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời. Ở đấy khắc nghiệt. Nó là địa ngục trần gian, là nơi sống chết cận kề. Ba năm tù là ba năm đấu tranh để giữ quan điểm. Có những lúc khó khăn, mạng sống bị đe dọa. Nhưng hạnh phúc là mình vì sự tiến bộ mà bị đi tù. Mỗi ngày khó khăn gian khổ vượt qua lại rèn luyện, đấu tranh. Những năm tháng trong tù là những năm tháng kỷ niệm đẹp nhất cuộc đời tôi là vì lý do như vậy.
Trà Mi: Anh cũng từng tuyệt thực trong trại giam. Trong những lần tuyệt thực đó, anh được cán bộ trại giam đối xử thế nào?
Vũ Hùng: Có nhiều lần lắm, nhưng đáng nhớ nhất là lần tuyệt thực 31 ngày phản đối bản án sơ thẩm đối với tôi. Trong đấy thì nhiều chuyện lắm, tôi cũng không biết bắt đầu từ đâu nữa.
Trà Mi: Nhưng kết quả của cuộc tuyệt thực kéo dài 1 tháng đó như thế nào, thưa anh?
Vũ Hùng: Mỗi lần rơi mặt nạ ra, họ lại càng khốc liệt hơn trong việc đàn áp những người dân chủ.
Trà Mi: Tuyệt thực 31 ngày để phản đối bản án sơ thẩm của mình, anh có gặt hái được kết quả gì không? Một chút tiến bộ nào theo như mong muốn không?
Vũ Hùng: Mỗi lần tuyệt thực là một lần khích lệ tinh thần mọi người để mọi người lại cố gắng hơn lên. Tinh thần mọi người lại thêm vững vàng hơn.
Trà Mi: Bản án 3 năm tù đối với anh có ý nghĩa thế nào? Nhìn lại bản án này, anh rút ra cho mình điều gì?
Vũ Hùng: Có nhiều điều tôi không thể nói được. Về phần tôi, tôi không nghĩ nhiều. Bản án này chỉ có ý nghĩa để rút kinh nghiệm. Một cách ngắn gọn nhất để bản chất chế độ được phơi bày rõ ràng và dễ hiểu nhất.
Trà Mi: Nếu có thể trở lại từ đầu, anh sẽ thay đổi điều gì?
Vũ Hùng: Tôi đã cố gắng hết sức. Tôi đã vắt kiệt toàn bộ sức lực, trí tuệ, tình cảm, tâm huyết của tôi vào rồi. Tất nhiên được rút kinh nghiệm để làm thì chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều. Nhưng lịch sử không có từ ‘Nếu’, và tôi đã cố gắng hết sức.
Trà Mi: Nhưng để làm một điều gì đó có thể tránh bản án này không xảy ra với mình, anh nghĩ mình sẽ làm gì không?
Vũ Hùng: Những người bằng xương, bằng thịt thể hiện chính kiến thì tốt hơn, hay hơn. Đàng hoàng ‘Đánh chuông ra mặt, đánh giặc ra tay’ thì vẫn tốt thôi. Có gì đâu việc đi tù để thể hiện rõ bản chất chế độ cũng là một việc tốt. Trong tương lai, việc dân chủ hóa đất nước sẽ phải là tất yếu thôi. Rồi sẽ ngày càng nhiều hơn. Mỗi người một cách làm, một suy nghĩ, hướng tới cái tốt, cái trung thực, đạo lý. Đừng nghĩ đến những cái được cho cá nhân mình, mà hãy nghĩ đến những cái cá nhân mình phải chịu đựng. Còn cái được là được cho mọi người. Hãy đặt trách nhiệm, nghĩa vụ lên trên. Theo tôi, đó là cái quan trọng. Ai mà như vậy, ai có tâm với dân, với nước sẽ đi được xa. Một đằng là sáng, một đằng là tối. Một bên lạc hậu, một bên tiến bộ. Người tiến bộ làm việc tiến bộ thì người lạc hậu sẽ đàn áp, bắt bớ. Chuyện đó cũng đương nhiên thôi.
Trà Mi: Cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.
Tạp chí Thanh Niên vừa gửi đến quý vị câu chuyện với nhà bất đồng chính kiến Vũ Hùng, một nhà giáo trẻ vừa mãn hạn 3 năm tù vì các hoạt động mà giới bảo vệ nhân quyền gọi là đấu tranh cổ võ cho dân chủ nhưng chính quyền Việt Nam cho là ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’. Còn ý kiến của quý vị và các bạn nghe đài ra sao? Xin chia sẻ và bình luận cùng độc giả khắp nơi trong chuyên mục Tạp chí Thanh Niên, trên trang www.voatiengviet.com.
http://www.youtube.com/embed/4c1CwY_bVEc http://www.youtube.com/embed/aoXDO0UpehA