Trong lúc tiếp tục “đốt lò” chống tham nhũng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi thanh niên Việt Nam hãy đặt niềm tin vào lý tưởng cách mạng và đừng để bị “các thế lực xấu, thù địch tác động, lôi kéo, kích động.”
"Giới trẻ tại sao người ta lại không quan tâm đến Đảng, Đoàn hay những hoạt động ngoài thực tế? Người muốn thu hút họ phải tìm xem nguyên nhân tại làm sao."Nguyễn Nhung, nhà phân tích truyền thông độc lập
Trong một bài phát biểu dài gần 20 phút trên truyền hình nhà nước VTV tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sáng ngày 11/12 tại Hà Nội, người đứng đầu Đảng Cộng sản nói: "Hiện nay xã hội không khỏi băn khoăn trước thực trạng có một bộ phận thanh hiên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc của dân tộc… Thanh niên cũng là đối tượng thường bị các thế lực xấu, thù địch tiếp cận, lôi kéo, kích động, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm phá hoại sự nghiệp cách mạng của nước ta."
Nhận xét về nhận định của TBT Việt Nam đối với sự kém quan tâm của thanh niên tới “lý tưởng cách mạng,” một người trong giới trẻ Việt Nam và là nhà phân tích truyền thông độc lập Nguyễn Nhung cho rằng phải đặt câu hỏi tại sao "giới trẻ tại sao người ta lại không quan tâm đến Đảng, Đoàn hay những hoạt động ngoài thực tế? Người muốn thu hút họ phải tìm xem nguyên nhân tại làm sao và tìm ra cách để thu hút chứ không (thể) là thấy người ta không bị hấp dẫn bởi mình thì trách cứ. Chuyện đó là vô lý."
Lên tiếng trước khoảng 1.000 đoàn viên tham dự, Tổng Bí Thư Trọng đổ lỗi cho Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh “còn chậm và lúng túng” trong việc “giải quyết các vấn đề bức xúc, tiêu cực, mặt trái tác động đến thanh thiếu nhi.”
Ông Trọng kêu gọi tổ chức cao nhất của thanh niên Việt Nam cần tìm cách “tăng sức đề kháng cho thanh niên trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội.”
"Đôi khi khía cạnh “độc hại” của người này lại là khía cạnh thực sự ý nghĩa, hữu ích và đáng để quan tâm đối với người khác."Nguyễn Nhung, nhà phân tích truyền thông độc lập
Nhiều nhà lãnh đạo của Việt Nam từng kêu gọi siết chặt quản lý mạng xã hội, vốn được cho là nơi phát tán những “thông tin độc hại” tới người dùng, nhất là giới trẻ. Nhưng thế nào là tin độc hại?
"Định nghĩa một khái niệm như thế nào là “độc hại” như thế nào là xấu thì cũng rất là khó," theo chị Nhung. "Ngay kể cả những thông tin mang tính chất nhạy cảm như là sex, hay chính trị, hay sự khác biệt văn hóa… thì ở mỗi một góc độ nhìn khác nhau thì mỗi người quan tâm đến một khía cạnh khác nhau. Và đôi khi khía cạnh “độc hại” của người này lại là khía cạnh thực sự ý nghĩa, hữu ích và đáng để quan tâm đối với người khác."
Chính phủ Việt Nam đã đạt được một số cam kết từ Facebook và Google nhằm giúp hạn chế những thông tin mà họ cho là “xấu, độc chống chính quyền Hà Nội,” theo truyền thông trong nước.
Người trẻ trong độ tuổi 20 chiếm gần 50% trong tổng số hơn 50 triệu người dùng internet ở Việt Nam.
TBT Trọng là người nổi tiếng trong việc phát động phong trào chống suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng. Tại phiên khai mạc Hội nghị của Đoàn thanh niên HCM hôm 11/12, ông Trọng cũng đưa ra lời kêu gọi này với thanh niên.
Ông Trọng đang dẫn đầu một cuộc chiến chống tham nhũng với việc khởi tố một loạt nhân vật quan trọng trong ngành ngân hàng và giới chính trị. Cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng là nạn nhân mới nhất bị bắt giam và chờ khởi tố.
Your browser doesn’t support HTML5