Toàn bộ Ban Chấp hành Trung ương Đảng hôm 3/10 nhất trí đề cử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm chủ tịch nước với phương án nhất thể hóa hai chức danh cao nhất của nhà nước Việt Nam, sau khi Chủ tịch Trần Đại Quang qua đời, đang trở thành hiện thực.
Thông cáo phát đi từ Văn phòng Trung ương Đảng về ngày làm việc thứ hai trong khuôn khổ Hội nghị TƯ 8 được truyền thông trong nước trích dẫn cho biết 100% nhất trí giới thiệu ông Trọng để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14.
Đây được coi là sự sao chép của mô hình được Đảng Cộng sản Trung Quốc áp dụng từ nhiều năm nay trong đó Tập Cận Bình kiêm hai chức vụ cao nhất.
Việc bỏ thiếu cho ông Trọng sẽ được tiến hành trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6 kéo dài hơn 22 ngày tại Hà Nội, bắt đầu từ 22/10.
Trước đó trong ngày, đồng loạt các báo lớn trong nước trích lời nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão ủng hộ mô hình tổng bí thư làm chủ tịch nước. Ông Mão nói ông ủng hộ nếu tổng bí thư được bầu làm chủ tịch nước bởi đây là phương án “tốt nhất” trong tình hình hiện nay.
“Niềm tin của người dân đặt vào Tổng Bí thư ngày càng mạnh mẽ, đây là thời điểm chín muồi để Trung ương triển khai việc thực hiện mô hình tổng bí thư làm chủ tịch nước,” ông Mão, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nói. Ông cho rằng phương án này “hợp lòng dân.”
Tuy nhiên theo hai người hiện đang sống trong nước cho VOA biết hôm 3/10, chưa có một cuộc khảo sát ý kiến nào được thực hiện để cho thấy sự ủng hộ của người dân đối với việc hợp nhất hai chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước.
“Tôi thấy chưa có trưng cầu dân ý thì chưa thể nói là lòng dân như thế nào cả,” Luật sư Hà Huy Sơn từ Hà Nội cho biết và nói rằng bản thân ông không ủng hộ nhất thể hóa vì “nó tập trung quyền lực” vào tay một người và như vậy “không tốt cho dân chủ và xã hội.”
Từ Nha Trang, nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng nhận định của ông Mão là “không đúng” và “hồ đồ” vì nó không dựa trên một thăm dò xã hội nào cả.
Theo quan sát của VOA, có những bình luận của độc giả trên các trang báo mạng trong nước ủng hộ việc ông Trọng kiêm chức chủ tịch nước.
Một bạn đọc của Dân Trí có tên Nguyễn Huy Hoàng viết: “Nếu kỳ họp Quốc hội lần này thống nhất bầu tổng bí thư đảm nhiệm luôn vai trò chủ tịch nước, chắc chắn nhân dân ta sẽ được hưởng nhiều quyền lợi từ tư tưởng, đạo đức và cái tâm, cái tầm của ông Nguyễn Phú Trọng.”
Nhà báo Tạo cho rằng có nhiều người dân là đảng viên trong nước ủng hộ chiến dịch “đốt lò” – tức cuộc chiến chống tham nhũng – của ông Trọng nên vị Tổng bí thư này đã gây được cảm tình đối với họ khi đưa những đảng viên ‘có cỡ’ như cựu Ủy viên TƯ Đảng Đinh La Thăng ra tòa xử.
“Nhưng họ chỉ thấy như thế thôi chứ họ không thấy một cách toàn diện là có rất nhiều người tham nhũng rất nặng nhưng không bị xử lý.” Ông Tạo, cũng là một cựu binh, gọi chiến dịch ‘đốt lò’ của ông Trọng là “chống tham nhũng có định hướng.”
Mặc dù việc nhất thể hóa được một số người ủng hộ cho rằng sẽ giảm được biên chế khi hợp nhất các chức danh, nhưng trong một thể chế không có đa nguyên chính trị và tam quyền phân lập thực sự như ở Việt Nam, việc kiểm soát quyền lực sẽ rất khó để thực hiện, theo nhà báo Tạo.
Tuy nhiên, với quyết định chưa từng có trong lịch sử của Ban Chấp hành TƯ Đảng hôm 3/10, việc nhất thể hóa đang dần trở thành hiện thực. LS Sơn cho rằng cần phải sửa đổi Hiến pháp để đưa Đảng Cộng sản, cơ quan mà ông Trọng đang lãnh đạo, vào cơ cấu của nhà nước để chịu trách nhiệm trước pháp luật nhằm kiểm soát quyền lực của người đứng đầu.
“Theo như hiến pháp hiện nay mới ghi là Đảng có quyền nhưng thực chất Đảng không có trách nhiệm gì trước pháp luật cả và ông Tổng bí thư không bao giờ bị chất vấn trước Quốc hội.”
LS Sơn cho rằng bản hiến pháp hiện nay mâu thuẫn về mặt logic khi quy định “Đảng lãnh đạo” nhưng “Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất.” Do đó vị luật sư này đề xuất rằng Hiến pháp cần thay đổi để buộc Đảng phải là nơi chịu trách nhiệm cao nhất.