Một nhà nghiên cứu về chiến lược của Đài Loan nhận xét rằng các tàu ngầm Việt Nam vừa mua lại của Nga để tăng cường nội lực giữa căng thẳng Biển Đông leo thang là ‘không thực tế’.
Tờ Want China Times ngày 14/8 dẫn nhận định của nhà phân tích Chang Ching, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Đài Loan, khuyến cáo rằng Việt Nam nên đo lường giá trị của việc điều động tàu ngầm ra Biển Đông.
Theo ông Chang, trước tiên Việt Nam nên đối mặt với thực tế chính trị là chiến tranh tàu ngầm là điều không khả dĩ ở Biển Đông trừ phi bùng nổ một cuộc chiến trên mọi mặt.
Kế đến, vẫn theo nhà phân tích này, nếu các tàu ngầm của Việt Nam được điều động để phong tỏa khu vực mà các nước chỉ vận chuyển một lượng nhỏ hàng hóa qua lại mà thôi thì các tàu ngầm Việt Nam mua về được sử dụng không hiệu quả.
Thêm vào đó, chuyên gia này cho rằng dùng tàu ngầm để ngăn cản hàng hải ở Biển Đông có thể gây phương hại cho lợi ích kinh tế của nhiều nước, làm tăng thêm sự phản kháng chống lại Việt Nam, đồng thời việc này còn có thể làm thay đổi cân bằng ở Biển Đông và làm gia tăng căng thẳng tranh chấp tại khu vực.
Trước đây trong tháng, hải quân Việt Nam vừa tiếp nhận 2 tàu ngầm điện-diesel lớp kilo của Nga mang tên 184 Hải Phòng và 185 Khánh Hòa.
Theo hợp đồng ký với Nga từ năm 2009, hai chiếc nữa tương tự sẽ được chuyển giao vào năm 2016 giữa những nỗ lực của Việt Nam gầy dựng đội tàu ngầm 6 chiếc lớp kilo để tăng cường khả năng cho hải quân trước các hành động bành trướng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Your browser doesn’t support HTML5