Hôm 12/3, Tư lệnh Thái Bình Dương của Hải quân Pháp thông báo trên Twitter rằng tàu hộ vệ Prairial của nước này vừa thực hiện chuyến thăm 4 ngày đến cảng Cam Ranh của Việt Nam. Phía Pháp cho biết rằng chuyến thăm này nhằm gửi đi thông điệp Paris ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông.
Truyền thông Việt Nam cho biết tàu hộ vệ Prairial neo ở cảng Cam Ranh từ ngày 9-12/3 và thực hiện các công việc như vừa sửa chữa trực thăng quân sự trên tàu, vừa tăng cường hợp tác quân sự - quốc phòng với phía Việt Nam.
Ngày 11/3 tại Hà Nội, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery khẳng định chuyến thăm của tàu Prairial là “sự kiện rất quan trọng” của Pháp ở Việt Nam trong năm nay.
Trang Tuổi Trẻ dẫn lời Đại sứ Warnery nói: “Như các bạn đã biết, Pháp là nước hết sức quan tâm tới việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, đặc biệt về vấn đề tự do hàng hải và hàng không.”
“Cùng với chuyến thăm của tàu Hải quân Pháp lần này, chúng tôi cũng muốn đưa ra thông điệp ủng hộ quan điểm của Việt Nam, giống như quan điểm của chúng tôi, là ủng hộ tự do hàng hải và hàng không,” Đại sứ Warnery nói.
Your browser doesn’t support HTML5
Trước đó, Hải quân Pháp xác nhận hai tàu bao gồm tàu đổ bộ Tonnerre và tàu hộ tống Surcouf của nước này đã rời cảng Toulon hôm 18/2 để tham gia một nhiệm vụ kéo dài 3 tháng ở khu vực Thái Bình Dương. Dự kiến, hai tàu này của Pháp sẽ đi qua Biển Đông và tham gia tập trận với Mỹ và Nhật vào tháng 5 sắp tới.
Hôm 12/3, trang SCMP dẫn lời lực lượng vũ trang Pháp nói rằng hai tàu chiến của Pháp đi qua Biển Đông với sứ mệnh ủng hộ “tự do hàng hải.” Nhưng SCMP nhận định rằng thuật ngữ này đã trở nên có ý nghĩa chính trị vì phần lớn các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ trong khu vực là nhằm vào Trung Quốc.
Chiều ngày 11/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nêu phản ứng của Việt Nam trước việc, Anh, Pháp, Đức, các cường quốc châu Âu liên tục tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông.
Trang Pháp Luật Online dẫn lời bà Hằng cho biết: “Việc duy trì hòa bình ổn định, trật tự, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ở Biển Đông phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 là mục tiêu, lợi ích và trách nhiệm, nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế.”
Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Hoạt động của các quốc gia ở Biển Đông cần phải đóng góp vào mục tiêu chung này.”