Vì sao VN tham gia tập trận hải quân lớn nhất thế giới tại Mỹ?

Cờ công ty Repsol tại Madrid, Tây Ban Nha.

Cờ công ty Repsol tại Madrid, Tây Ban Nha.

Vì sao lần đầu tiên từ năm 1975 và cũng là lần đầu tiên từ năm 1995 sau khi bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, giới chóp bu Việt Nam lại ‘can đảm’ cho lực lượng hải quân nước này tham gia tập trận hải quân lớn nhất thế giới mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) tại Hawaii và Nam California - bắt đầu vào cuối tháng Sáu năm 2018?

‘Can đảm’ sau 5 năm

Theo não trạng và cũng là thói quen cố hữu của đảng Cộng sản, tin tức chưa có tiền lệ trên hoàn toàn không được thông báo bởi Bộ Quốc phòng hay Bộ Ngoại giao của Việt Nam, mà được phát ra bởi trang mạng Stars & Strips dẫn từ thông báo của Hải quân Mỹ. Vào ngày 30/5/2018, Hải quân Mỹ đã công bố danh sách 26 quốc gia tham dự cuộc tập trận hải quân RIMPAC, diễn ra từ ngày 27/6 đến 2/8/2018, trong đó Việt Nam, Sri Lanka, Brazil và Israel là 4 nước lần đầu tiên tham dự cuộc tập trận RIMPAC.

Nếu kế hoạch này diễn ra mà không có sự đổi ý từ Việt Nam, quyết định tham gia RIMPAC là một bước tiến khá dài của Việt Nam kể từ khi chế độ độc đảng này dám đăng ký để trở thành quan sát viên cho cuộc tập trận mang tên Hổ Mang Vàng do quân đội Mỹ chủ xướng vào đầu năm 2016.

Sự kiện Việt Nam dám tham gia RIMPAC diễn ra chỉ 2 tháng sau một sự kiện có mức độ ‘can đảm’ gần như thế: tháng 3/2018, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ đã cập cảng Đà Nẵng ở miền Trung Việt Nam - theo một thỏa thuận giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch.

Sự trùng hợp giữa hiện tại và quá khứ là cái tên Đà Nẵng. 5 năm trước, có 3 tàu chiến Mỹ đã đến vùng biển Đà Nẵng để tiến hành sứ mệnh “giao lưu hải quân” với quân đội Việt Nam. 2013 cũng là năm mà không khí “chiến tranh lạnh” giữa Mỹ và Việt Nam phần nào được cải thiện bằng một chuyến công du của nhân vật số 2 trong đảng Cộng sản Việt Nam - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - đến Tòa Bạch Ốc để có cuộc hội kiến với Tổng thống Mỹ Barak Obama. Cải hai đều cười tươi và cùng nói về triển vọng của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ muốn chấp nhận cho Việt Nam tham gia.

Còn giờ đây, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Washington đã chính thức rút khỏi TPP và khiến Việt Nam hụt hẫng bởi nước này chẳng còn hy vọng trở thành “quốc gia hưởng lợi nhiều nhất trong TPP” nếu TPP có mặt người Mỹ. Nhưng thay vào đó, giờ đây Việt Nam và Mỹ lại có cùng một cái nhìn về an ninh Biển Đông, cùng để bảo vệ lợi ích của của mình.

Phải mất đến 5 năm để quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ nhích thêm một chút và có một nét gì đó thực chất hơn.

Cô đơn giữa khu rừng “đối tác chiến lược”

Khoảng thời gian nửa cuối năm 2017 và đầu năm 2018 đã chứng kiến một chủ trương có thể tạm gọi là “dựa Mỹ đối Trung” của giới chóp bu Việt Nam - như một biện pháp tình thế trong ngổn ngang và hỗn tạp tâm thế “không ưa Mỹ nhưng vẫn cần Mỹ”, vẫn chưa có gì thay đổi tính từ giữa năm 2014 đến nay và đặc biệt trong gần nửa năm qua.

2014 là năm tung tóe vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xông thẳng vào vùng lãnh hải Việt Nam như chốn không người và như một cú vỗ mặt nảy đom đóm vào Bộ Chính trị Việt Nam. Trong cuộc khủng hoảng mang tên “Hải Dương 981” kéo dài từ tháng Năm đến tháng Bảy năm 2014, hầu hết các “đối tác chiến lược” của Việt Nam, kể cả nước Nga của Putin, đều thờ ơ hoặc quay lưng khi Việt Nam bị uy hiếp. Thế nhưng sau đó, giới chóp bu Việt Nam có vẻ vẫn chưa tỉnh ngộ về thực chất “bạn vàng” là thế nào và vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách “đu dây chính trị” cho tới khi “té lộn đầu” trong hai vụ khủng hoảng Bãi Tư Chính năm 2017 và 2018.

Rất nhiều lần, mặc dù luôn tuyên bố chủ quyền với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng phía Việt Nam đã tìm cách im lặng “cho nó lành” trước Trung Quốc. Ngay cả vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm Biển Đông vào giữa năm 2014 cũng không làm cho giới lãnh đạo Việt Nam sôi sục nỗi liêm sỉ. Khi đó, đã không có bất kỳ một văn bản nào của Bộ Chính trị hay nghị quyết nào của Quốc Hội Việt Nam lên án hành vi xâm phạm của Trung Quốc.

Từ đó đến nay, giới chóp bu Việt Nam chưa bao giờ cô đơn đến thế trên trường quốc tế, dù Việt Nam đã thủ đến chẵn một tá “đối tác chiến lược” trong túi, kể cả một “đối tác chiến lược” khác là Đức mà Việt Nam đã bị quốc gia này “tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam” ngay sau việc Nhà nước Đức cáo buộc mật vụ Việt Nam bắt cóc một nghi phạm kinh tế là Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào tháng Bảy năm 2017.

Chỉ đến đầu năm 2016, sách lược “đu dây” của Việt Nam mới có chút xoay chuyển trước sức ép ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt Bắc Kinh nhòm ngó ngày càng lộ liễu vào việc khai thác dầu khí của Việt Nam ở mỏ Cá Rồng Đỏ thuộc Bãi Tư Chính và và mỏ Cá Voi Xanh ở ngoài khơi Đà Nẵng, cùng lúc tàu Trung Quốc tăng cường khiêu khích và bắn giết ngư dân Việt trên biển.

Từ đầu năm 2016 đến nay, có ít nhất ba lần thể chế một đảng ở Việt Nam đã “ngó lơ” chuyện chiến hạm Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa như một động tác thách thức Trung Quốc, trong đó có hai lần Bộ Ngoại giao Việt Nam bất thần tỏ ra “can đảm” khi đưa ra tuyên bố hoặc “tàu Mỹ đi qua vô hại” hoặc “tàu Mỹ tự do giao thông ở Biển Đông.”

Hẳn là từ đầu năm 2016, “tập thể Bộ Chính Trị Việt Nam” đã bắt đầu phải tính toán việc dựa dẫm vào sức mạnh của hải quân Mỹ để bảo vệ vùng biển và lợi ích khai thác dầu khí của mình.

Cơn ác mộng mất ăn dầu khí

Một thực trạng trần trụi là mỏ khí đốt Cá Rồng Đỏ và mỏ Cá Voi Xanh là những tiềm năng cuối cùng có thể cứu vãn ngân sách. Nếu Repsol - một công ty Tây Ban Nha liên doanh với Việt Nam, và hãng Exxonmobil của Mỹ liên doanh với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khai thác thành công hai mỏ dầu khí này thì ngân sách của chế độ Việt Nam sẽ được chia phần không ít.

Nhưng vào tháng Bảy năm 2017 và tháng Tư năm 2018 đã xảy ra hai vụ chấn động mà được dư luận xã hội liệt vào loại “nhục quốc thể”: cả hai lần đó chính quyền Việt Nam đều phải “giương cờ trắng” khi yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol ngay tại Bãi Tư Chính mà luôn được Bộ Ngoại giao Việt Nam chiến đấu võ miệng “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam”. Dù chưa bao giờ giới tuyên giáo hay Bộ Ngoại giao Việt Nam dám nói toạc về cái nguồn cơn sâu xa của vụ “nhục quốc thể” ấy, nhưng vụ “giương cờ trắng” này lại trùng hợp với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí.

Chưa hết, sau thất bại ở Bãi Tư Chính, Việt Nam lại có nguy cơ bị Trung Quốc cản trở việc khai thác dầu khí ở mỏ Cá Voi Xanh - dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam, nơi được phát hiện bởi Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ và có thể sẽ đóng góp gần 20 tỷ đô la vào ngân sách Việt Nam.

Trong khi đó, Tập Cận Bình lại cử Vương Nghị - Bộ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc - đến Việt Nam ngay sau vụ Bãi Tư Chính lần hai, với một “tối hậu thư”: Việt Nam phải “cùng hợp tác khai thác” mỏ Cá Rồng Đỏ với Trung Quốc. Nếu không, “bản lĩnh Việt Nam” sẽ hết cửa kiếm tiền ngay trong vùng lãnh thổ của mình.

Không bao lâu sau ‘tối hậu thư’ của Vương Nghị, Trung Quốc đã tiến thêm một bước xa hơn bằng việc vẽ lại ‘đường lưỡi bò’ quét qua đến 67 lô dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông, chặn toàn bộ cửa ‘làm ăn’ của kẻ vẫn đang mơ màng về ‘Bốn Tốt’ và ‘Mười sáu chữ vàng’.

Vì sao Việt Nam phải trở thành đồng minh gián tiếp của Mỹ?

Vào thời gian này, ngày càng nhiều tàu cá Việt Nam bị tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc tấn công, đâm chìm, còn ngư dân Việt bị hành hung và bị hất xuống biển.

Không chỉ đặt tên lửa, Trung Quốc còn tiến thêm một bước dài khi mang cả máy bay quân sự ra đảo Đá Subi ở quần đảo Trường Sa.

Sau bi kịch quân sự là bi kịch xã hội. Phép thử chiến thuật “áo lưỡi bò” của du khách Trung Quốc phô diễn tại sân bay Cam Ranh - mang tính thách thức của giới chuyên gia tâm lý chiến Bắc Kinh - đã khiến cho toàn bộ bộ máy đảng cầm quyền, chính quyền và chính sách “Ba không” của Việt Nam hầu như tê liệt…

Rất có thể, tình trạng cô đơn cùng cực trên trường quốc tế cùng trạng thái mất ngủ lẫn mất ăn dầu khí đã khiến chính thể độc đảng ở Việt Nam phải tiến tới quyết định ‘bám Mỹ’, với bước đi liều lĩnh hơn hẳn khi tham gia vào cuộc tập trận hải quân lớn nhất ở Hoa Kỳ từ tháng Sáu đến tháng Tám năm 2018. Bằng cách thức này, Việt Nam đã gián tiếp xác nhận bước đi của mình như một đồng minh quân sự của Mỹ, chứ không chỉ là tư cách quan sát viên như hồi 2016.

Vài bước đi gần đây của Bộ Quốc phòng Việt Nam trong mối quan hệ có tính giao hảo với quân đội Ấn Độ, Nhật Bản và Úc càng cho thấy Việt Nam đang dần ngả về khối quân sự đồng minh Đông Bắc Á - với ý đồ mượn tay khối này để đối trọng hay chống trả lại kế hoạch thôn tính toàn bộ biển Đông của Trung Quốc.