Mười một quốc gia hội họp tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng hôm thứ Bảy đồng ý xúc tiến hiệp định thương mại tự do xuyện Thái Bình Dương, bất chấp thị trường lớn nhất thế giới, Hoa Kỳ, đã rút ra khỏi hiệp định này. Dự kiến Việt Nam sẽ là một trong các bên được hưởng lợi nhiều nhất trong thỏa thuận mậu dịch tự do giữa lúc nước này đang phát triển nhanh chóng khâu xuất khẩu, kể cả trong lĩnh vực công nghệ. Thông tín viên Daniel Sschearf của VOA đến thăm FPT, công ty công nghệ lớn nhất Việt Nam, và thực hiện một cuộc phỏng vấn đặc biệt với Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT ở Đà Nẵng.
Thương mại tự do và đầu tư là những yếu tố đẩy mạnh nền kinh tế Việt Nam – vốn có tỷ lệ tăng trưởng hơn 6% mỗi năm – giúp Việt Nam trở thành một trong số 4 nước tăng trưởng nhanh nhất châu Á.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình nói:
"Trên thực tế, tôi nghĩ điều rất quan trọng đối với Việt Nam không những chỉ là mở cửa với thế giới mà còn phải cải thiện các quy định về thương mại và sản xuất, và quốc tế hóa Việt Nam nhiều hơn nữa".
Công ty công nghệ lớn nhất của Việt Nam có thể được tăng sức hơn nữa với một thỏa thuận thương mại tự do đã được môi giới tại các cuộc họp ở Diễn Đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương (APEC), thay thế cho Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Thương mại Việt Nam phát biểu:
"Trên cơ sở các kết quả của bốn vòng đàm phán, các bộ trưởng, trong các cuộc họp trong những ngày vừa qua tại Đà Nẵng, đã thống nhất một số nội dung quan trọng trong đó, thống nhất với cái tên gọi mới của hiệp định TPP gồm 11 nước thành viên, là Hiệp định toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, viết tắt theo tiếng Anh là CPTPP. "
Thỏa thuận thương mại mới được hình thành sau khi Tổng thống Donald Trump rút thị trường lớn nhất thế giới – là Hoa Kỳ - ra khỏi hiệp định TPP, để theo đuổi các hiệp định thương mại song phương.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị tập đoàn FPT nói:
"Tôi tin chắc là vào một thời điểm nào đó, Mỹ sẽ quay trở lại để thảo luận về cam kết đối với đà tăng trưởng mạnh mẽ. Tôi nghĩ đó sẽ là cách mà nước Mỹ vận hành trong tư cách nước lãnh đạo thế giới".
FPT tuyên bố tập đoàn này không có ý định bỏ lỡ cuộc cách mạng kỹ thuật số toàn cầu.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT phát biểu.
"Việt Nam đã chậm chân trong ba cuộc cách mạng công nghiệp sau cùng. Và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư có thể là cơ hội cuối cùng cho Việt Nam để bắt kịp thế giới."
Với các cơ sở lớn mạnh ở Việt Nam, giờ đây công ty công nghệ lớn nhất của Việt Nam đang tìm kiếm thêm nhiều thị trường mới ở châu Á.
Your browser doesn’t support HTML5