Tạo hiện thực giả bằng ngôn ngữ

Trên cả ba bình diện quốc tế, quốc gia và liên cá nhân, ngôn ngữ bao giờ cũng gắn liền với ý niệm về quyền lực, do đó, đều có tính chính trị. (1) Giới làm chính trị hiểu rõ điều đó và không ngừng tận dụng ngôn ngữ như một thứ vũ khí để giành giật, và sau đó, bảo vệ quyền lực.

Trong lịch sử, không có giới chính trị nào hiểu điều đó một cách sâu sắc và tận dụng điều đó một cách triệt để cho bằng giới lãnh đạo cộng sản.

Về đề tài này, Andrei Sinyavsky có một chương viết rất thú vị về ngôn ngữ Xô Viết trong cuốn Soviet Civilization, A Cultural History (2). Tuy nhiên, ở đây, tôi chỉ giới hạn trong trường hợp của Việt Nam.

Từ lúc lên nắm chính quyền vào năm 1945, đảng Cộng sản đưa ra nhiều chính sách ngôn ngữ liên quan đến ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, tiếng Việt và tiếng nước ngoài (3). Ngoài các chính sách chung, họ cũng tung ra nhiều cuộc vận động lớn, bao gồm ba cuộc vận động chính: một, vận động cải tiến chữ quốc ngữ (vào tháng 9 năm 1960); hai, vận động giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (tháng 2 năm 1966); và ba, vận động chuẩn hóa tiếng Việt (tháng 7 năm 1983).

Về hai phương diện này, thật ra, không có gì đáng nói. Về chính sách, những người làm luật Việt Nam thừa hiểu biết và khôn ngoan để sử dụng những lời lẽ thật hay và đẹp, phù hợp với các xu hướng tiến bộ trên thế giới. Thì cũng, một mặt, thừa nhận một ngôn ngữ chính thức; mặt khác, thừa nhận và tôn trọng tính chất đa ngôn ngữ trong xã hội. Thì cũng bảo vệ ngôn ngữ các dân tộc thiểu sổ và khuyến khích dân chúng, hoặc ít nhất là học sinh và sinh viên, học thêm một thứ tiếng nước ngoài nào đó. Vấn đề người ta có thực hiện những điều đó hay không thì lại là một chuyện khác. Về các cuộc vận động phát triển tiếng Việt thì hầu như chỉ có tính chất phong trào. Đâu lại hoàn đấy. Cho đến nay, sau bao nhiêu cuộc vận động và sau hơn nửa thế kỷ cầm quyền, có những vấn đề đơn giản nhất, như nguyên tắc viết chính tả và cách thức phiên âm tên riêng từ nước ngoài, người ta vẫn chưa giải quyết được. Đọc sách báo, ở đâu người ta cũng thấy một tình trạng: cực kỳ lộn xộn. Đã có rất nhiều người lên tiếng than phiền về điều đó.

Tuy nhiên, những điều ấy đều nằm ngoài phạm vi bài viết này. Ở đây, chúng ta chỉ tập trung vào những chủ trương chính trị hóa ngôn ngữ.

Ngay từ ngày mới lên nắm chính quyền, đảng cộng sản Việt Nam đã sử dụng ngôn ngữ để khẳng định sự tồn tại và bản sắc của chế độ cộng sản như một cái gì mới mẻ và tiến bộ nhất trong lịch sử, khác hẳn với các chế độ và các thời đại trước.

Cách thức dễ thấy nhất là đặt ra những tên gọi mới cho các đơn vị hành chính, các tổ chức và chức vụ trong hệ thống đảng cũng như nhà nước. Về tên miền, họ thay thế chữ “kỳ” quen thuộc thời Minh Mạng đến thời Pháp thuộc bằng chữ “bộ”: Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ (4). Về tổ chức, người đứng đầu các cơ quan công quyền là “chủ tịch”, từ Chủ tịch nước (thay vì Tổng thống) đến chủ tịch các ủy ban nhân dân, từ cấp tỉnh (thay cho “tổng đốc”) xuống cấp huyện (thay cho “tri huyện”) và cấp xã (thay cho “chánh tổng”).

Người đứng đầu mỗi bộ là Bộ trưởng thay vì là Thượng thư (5). Ngay ở cấp thấp nhất, chữ “lính”, vốn rất quen thuộc, người ta cũng ngại: nó gợi nhớ đến những lính thực dân và lính đánh thuê ngày trước. Bèn thay bằng những chữ như “vệ quốc quân”, “giải phóng quân”, “chiến sĩ cách mạng”, và cuối cùng, thông dụng nhất, “bộ đội”.

Cũng về phương diện tổ chức, để làm nổi bật tính chất dân chủ, một thứ nhà nước của dân, do dân và vì dân mà họ muốn tuyên truyền, người ta ghép từ “nhân dân” vào hầu hết các cơ quan nhà nước: Ủy ban nhân dân, công an nhân dân, quân đội nhân dân, tòa án nhân dân, đại biểu nhân dân, đoàn xiếc nhân dân (chỉ trừ một ngoại lệ: Ngân hàng nhà nước!). Không “nhân dân” thì “tập thể”: nhà ở tập thể, nông dân tập thể, cửa hàng ăn uống tập thể. Xưng hô với nhau, người ta đều gọi nhau là “đồng chí”. Cả với người yêu cũng vẫn là “đồng chí” (Thơ Vũ Cao, trong bài “Núi đôi”: “Nhớ nhau anh gọi em: đồng chí”; thơ Nguyễn Đình Thi, trong bài “Không nói”: “Chiều mờ gió hút / Bắt tay / Đồng chí / Em / Bóng nhỏ / Đường lầy.”) (6)

Ở khía cạnh này, có bốn đặc điểm đáng chú ý.

Thứ nhất, chính quyền cộng sản muốn tách rời khỏi các danh xưng gắn liền với chế độ phong kiến trước đó.

Thứ hai, họ muốn “sang hóa” thể chế của họ nên họ tận dụng thật nhiều từ Hán Việt, phần lớn là vay mượn thẳng từ kho từ vựng chính trị và hành chính từ Trung Quốc: Giống như Trung Quốc, họ cũng có Chủ tịch, có Tổng bí thư, bí thư, có các chi bộ, chi ủy, chi ủy viên, chính ủy. Ngôn ngữ chính trị của cộng sản đầy ắp từ Hán Việt. Đó là một nghịch lý: về phương diện lý thuyết, tất cả các nhà lãnh đạo cộng sản, từ Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng đến những người khác, đều tuyên bố nên giảm thiểu đến tối đa các từ Hán Việt và nên tận dụng lớp từ thuần Việt nôm na và bình dị của quần chúng.

Nghịch lý này tiết lộ đặc điểm thứ ba trong cách định danh của ngôn ngữ cộng sản: tính chất kỳ thị. Từ Hán Việt được sử dụng cho những gì thuộc về họ, và từ thuần Việt được “ưu tiên” dành riêng cho phe địch. Từ đó, chúng ta thấy có các sự đối lập: thuộc phe ta là “bộ đội”, thuộc phe địch là “lính”; thuộc phe ta là “phi công”, thuộc phe địch là “giặc lái”; thuộc phe ta là “văn nghệ sĩ”, thuộc phe địch là “bồi bút”; thuộc phe ta là “nhân danh”, thuộc phe địch “núp dưới tên”; thuộc phe ta thì có “Hồ Chủ tịch”, thuộc phe địch thì chỉ có Diệm hoặc Kỳ hoặc, xa hơn, ở Mỹ, thì có “Tổng Ai” (Eisenhower), “Tổng Ken” (Kennedy), “Tổng Nít” (Nixon) hay “Tổng Giôn” (Johnson) (7). Trong cách xưng hô, đứng trước tên riêng, thuộc phe ta thì bao giờ cũng phải có chức danh phía trước: hoặc “Bác Tôn” hoặc “Đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn”; với những người khác thì ít nhất phải là “đồng chí”; thiếu là bất kính; thuộc phe địch thì hoặc trống không hoặc là “thằng” (“thằng Diệm”), “con” (“con Trần Lệ Xuân”) hoặc “mụ” (“mụ Thụy An” – một người trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm). Chữ “đồng chí” chỉ được dùng giữa người của họ với nhau mà thôi. Dân chúng nói chuyện với đảng viên hay các quan chức nhà nước thì phải gọi là “cán bộ”. Liên quan đến đặc điểm này, có một chuyện cười khá phổ biến ở Việt Nam: Có một ông già đang đi đường thì bị công an bắt. Từ trong buồng giam, nhìn ra ngoài, ông nhác thấy bóng đứa con trai của ông đang làm công an ở nhà tù. Ông mừng rỡ, gọi ơi ới: “Con! Con!” Một tên quản giáo đi ngang qua, nghe thế, quát: “Ông kia, ông nói ai là ‘con’? Phải gọi là ‘cán bộ’, nghe chưa?” Ông già sợ hãi, im bặt. Lúc ấy con trai ông cũng vừa thấy, đến gần. Ông già nghiêm chỉnh gào to: “Báo cáo cán bộ, xin nhờ cán bộ về nói với mẹ cán bộ là chồng của mẹ cán bộ mới bị bắt. Xin đề nghị đi thăm nuôi!”

Cuối cùng, thứ tư, cộng sản độc quyền chiếm dụng hẳn một số từ nhất định. Ví dụ, chữ “Đảng” viết hoa, đứng một mình, phải được hiểu là đảng Cộng sản; chữ “Bác” cũng vậy, khi viết hoa và đứng một mình, đều chỉ riêng một người: Hồ Chí Minh. Không thể có ai khác. Ngay cả chữ “Người” viết hoa, cũng ưu tiên dành cho Hồ Chí Minh. Thời Nhân Văn Giai Phẩm, Trần Dần bị phê phán là “phản động” vì nhiều lý do; một trong những lý do ấy cũng là ở chữ “Người”. Phan Khôi, trong bài “Phê bình lãnh đạo văn nghệ”, kể: “Tôi nhớ một vị bắt lỗi trong bài thơ Trần Dần có chữ ‘người’ viết hoa. Lấy lẽ rằng chữ ‘người’ viết hoa lâu nay chỉ để xưng Hồ Chủ tịch, thế mà Trần Dần lại viết hoa chữ ‘người’ không phải để xưng Hồ Chủ tịch. Tôi ngồi nghe mà tưởng như mình ở trong chiêm bao: chiêm bao thấy mình đứng ở một sân rồng nọ, ông Lê Mỗ tố cáo ông Nguyễn Mỗ trước ngai vàng, rằng trong phép viết, chỉ có chữ nào thuộc về hoàng thượng mới phải đài, thế mà tên Nguyễn Mỗ viết thư cho bạn, dám đài những chữ không phải thuộc về hoàng thượng.”(8) Nghe như chuyện hài hước. Nhưng không nên quên: vì những chuyện đại loại như thế, Trần Dần đã bị bắt bỏ tù hơn ba tháng, bị cải tạo lao động hơn một năm và bị cấm xuất bản trên 30 năm!

Liên quan đến việc đặt tên, cần chú ý đến sự thay đổi trong chính sách của đảng Cộng sản trong mấy thập niên đầu tiên: thoạt đầu, họ theo hướng quốc tế hóa; sau, dân tộc hóa.

Xu hướng quốc tế hóa ấy thể hiện ở ngay trong tên đảng: “Đảng Cộng sản Đông Dương” (thay vì đảng Cộng sản Việt Nam) và trong tên cuộc vận động chính trị đầu tiên của đảng ấy: “Xô Viết Nghệ Tĩnh” (1930-1). Xô Viết Nghệ Tĩnh bị thất bại nặng nề, một phần, vì sự đàn áp khốc liệt và hiệu quả của Pháp; phần khác, vì sự ủng hộ thưa thớt và yếu ớt của quần chúng. Lý do thứ hai này lại xuất phát từ một lý do khác: ngay tên gọi và các khẩu hiệu của phong trào đã hoàn toàn xa lạ với quần chúng, vốn bao gồm, trước hết, thành phần nông dân ít học, hoàn toàn không biết gì về Liên Xô và chủ nghĩa xã hội.

Rút kinh nghiệm từ những thất bại ấy, họ chuyển hẳn sang hướng dân tộc hóa với những tên gọi như “Việt Minh”, “Văn hóa Cứu quốc” và cuối cùng, từ năm 1951, “Đảng Lao Động Việt Nam”. Trong cái gọi là xu hướng dân tộc hóa trong lãnh vực ngôn ngữ này, những người lãnh đạo cộng sản vừa có ý thức vừa biết cách tận dụng sức mạnh của truyền thống trong việc tuyên truyền. Trong cái gọi là truyền thống ấy, có một yếu tố quan trọng: ý thức đạo đức. Trong khi nền tảng xã hội ở các nước Tây phương phần lớn được xây dựng trên các tôn giáo có tính mặc khải (revealed religions), ở Việt Nam, cũng như Trung Quốc, nó lại được xây dựng trên ý niệm về đạo đức (9). Ý niệm đạo đức ở Việt Nam lại được xây dựng trên hai cơ sở chính: Nho giáo và gia đình. Hồ Chí Minh, ngay từ lúc mới lên nắm chính quyền, đã tận dụng cả hai. Ông tự xây dựng hình ảnh mình không như một lãnh tụ hùng hồn và hùng dũng như Lenin, Stalin và Fidel Castro, cũng không bệ vệ và oai vệ như Mao Trạch Đông, mà chỉ như một nhà nho, hơn nữa, một người quân tử theo quan điểm Nho giáo (10). Ông thường thù tạc với các chính khách khác bằng chữ Hán. Rồi làm thơ bằng chữ Hán. Ông sử dụng lại các khái niệm quen thuộc trong Nho giáo: “Trung với đảng, hiếu với dân”. Và ông đóng vai một người “cha già” hoặc “Bác” trong khi những người khác trong ban lãnh đạo thì đóng vai “anh”, từ anh Tô (Phạm Văn Đồng) đến anh Văn (Võ Nguyên Giáp), anh Thận (Trường Chinh), rồi, với những người từng hoạt động trong Nam, anh Ba (Lê Duẩn), anh Sáu (Lê Đức Thọ), anh Mười (Nguyễn Văn Linh), v.v.

Cũng liên quan đến việc khẳng định sự tồn tại và bản sắc qua ngôn ngữ, nhà cầm quyền cộng sản còn có thói quen sử dụng thật nhiều các định ngữ (11) hoặc bổ ngữ (12). Đi liền với lãnh tụ thì bao giờ cũng phải có chữ “vĩ đại”; với lãnh đạo thì “thiên tài” hay “sáng suốt”; với Đảng thì “quang vinh”; với chiến thắng thì “vẻ vang” hay “vang dội”; với lịch sử thì “rực rỡ”; với tranh đấu thì “oanh liệt”; với dân tộc thì “bất khuất”; với chính sách thì “đúng đắn”; với chỉ đạo thì “sâu sát”; với kẻ thù thì “tàn bạo”; với tộc ác thì “dã man”; với âm mưu của kẻ thù thì phải có “tinh vi” hay “hiểm độc”; với chính quyền địch thì phải có chữ “tay sai” hoặc “bù nhìn”; văn hóa, ở miền Bắc, phải đi liền với chữ “xã hội chủ nghĩa”, ở miền Nam, chữ “suy đồi”. Đứng trước tên nước Pháp phải có chữ “thực dân”; trước Mỹ, “đế quốc”; trước Trung Quốc (cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980), “bá quyền”; hoặc gọn hơn, “giặc”.'

Có thể nói, bằng các cách kết hợp từ như vậy, cộng sản đã tạo thành vô số các sáo ngữ. Thật ra, ở đâu và thời nào cũng có sáo ngữ. Chỉ có điều là, sáo ngữ, ở những nơi và những thời khác, phần lớn do lười biếng; dưới chế độ cộng sản, do bắt buộc. Ai cũng phải nói và viết thế. Khác đi, người ta có thể bị chụp mũ là phản động. Thành ra, hầu hết những bài văn chính luận của cộng sản đều có những cấu trúc ngữ hoặc có khi, cấu trúc câu, y hệt như nhau.

Việc lặp đi lặp lại mãi và bắt mọi người phải tự lặp đi lặp lại mãi những sáo ngữ như vậy cũng là một cách nhồi sọ. Biện pháp nhồi sọ ấy được thực hiện rộng khắp trong mọi lãnh vực, từ gia đình đến nhà trường và xã hội; và triền miên, từ năm này qua năm khác. Cuối cùng, ngôn ngữ, thay vì phản ánh hiện thực, lại tạo ra những ảo tưởng về một hiện thực mới. Với nhiều người, ảo tưởng ấy thay thế cho hiện thực. Sống dưới chế độ cộng sản là sống trong ảo tưởng và với những sáo ngữ như thế. Sáo ngữ trở thành thông hành cho mọi người.

Trong cuốn Soviet Civilization: A Cultural History, Andrei Sinyavsky kể: Đầu thập niên 1950, ông được mời tham gia ban giám khảo chấm một luận án tiến sĩ về Vladimir Mayakovsky của một nghiên cứu sinh Việt Nam. Hội đồng chấm thi không hài lòng với cái luận án ấy ở hai điểm chính: một, thường xuyên trích dẫn Hegel; và hai, đề cao chủ nghĩa vị lai (Futurism) Nga. Cả hai điểm ấy đều bị dị ứng dưới chế độ Xô Viết lúc bấy giờ. Họ muốn đánh hỏng. Nhưng Sinyavsky lại bênh vực. Ông không cãi lý về học thuật. Ông chỉ sử dụng ngôn ngữ chính trị để thuyết phục: “Các đồng chí thân mến! Đây là luận án đầu tiên được viết bởi một người Việt Nam và không phải về ai khác hơn là một nhà thơ hàng đầu của Cách mạng Nga, về Vladimir Mayakovsky! Chẳng phải là một sai lầm chính trị nếu Hội đồng không thông qua luận án này sao?” Sinyavsky kết luận: “Những lời lẽ ngắn gọn ấy như một phép màu (magic)”: Luận án được chấm đậu! (13) Hiện tượng như vậy chắc chắn cũng thường xuyên xảy ra ở Việt Nam. Giới cầm bút hiểu rõ điều đó: Viết về bất cứ điều gì, chương đầu tiên bao giờ cũng trích dẫn dài dòng các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa xã hội và ý kiến của giới lãnh đạo trong nước. Nhiều khi những trích dẫn ấy chả dính dáng gì đến đề tài họ nghiên cứu. Nhưng người ta vẫn làm. Như một thứ bùa hộ mệnh.

***

Chú thích:
  1. Xin xem lại các bài viết về “Tính chính trị trong ngôn ngữ” đã đăng trên blog này trước đây.
  2. Andrei Sinyavsky (1990), Soviet Civilization, A Cultural History, Joanne Turnbull dịch từ tiếng Nga, New York: Arcade Publishing, tr. 190-225.
  3. Xem bài “Chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử” của Nguyễn Thiện Giáp trên http://ngonngu.net/index.php?p=172
  4. Chữ “kỳ” xuất hiện lần đầu tiên từ năm 1834, dưới thời Minh Mạng. Lúc ấy, Minh Mạng chia Việt Nam thành ba “kỳ”: Nam Kỳ, Bắc Kỳ và Kinh Kỳ (Huế). Pháp chiếm Việt Nam, vẫn duy trì chữ “kỳ” ấy, chỉ đổi Kinh Kỳ thành Trung Kỳ. Khi Việt Nam lên nắm chính quyền, chữ “kỳ” được đổi thành chữ “bộ”. Năm 1948, chính phủ Nguyễn Văn Xuân, để khác với thời Việt Minh, đổi chữ “bộ” thành chữ “phần”, từ đó, chúng ta có: Nam phần, Trung phần và Bắc phần; nhưng một năm sau, họ lại chủ trương dùng chữ “Việt”: Bắc Việt, Trung Việt và Nam Việt. Năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lại đổi chữ “Việt” thành chữ “phần” như cũ. Xem thêm chi tiết về những sự thay đổi này trong cuốn Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865-1930 của Bằng Giang, nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1992, tr. 10-18.
  5. Sự thay dổi này đã có từ chính phủ Trần Trọng Kim vào đầu năm 1945.
  6. Bài “Không nói” này có ít nhất ba dị bản: bản đăng trên báo Văn Nghệ năm 1948; trong tập Người chiến sĩ năm 1960 và trong cuốn Thơ Nguyễn Đình Thi năm 2001. Ở bản sau cùng, Nguyễn Đình Thi bỏ chữ “đồng chí”. Xem bài “Cuộc tranh chấp hai con người trong thơ Nguyễn Đình Thi” của Hoàng Hưng trên http://trieuxuan.info/?pg=tpdetail&id=8466&catid=6
  7. Thơ Tú Mỡ: “Dân thủ đô khoái tệ / Có tiếng cười ngạo nghễ / Tổng Giôn thèm chuối tiêu / Ông cho... xơi đằng rễ.” Hồ Chí Minh cũng thường xuyên sử dụng những cách nói này trong cuốn Nói chuyện Mỹ... ký tên C.B., Đ.X., T.L., Chiến Sĩ và Trần Lực do Quân Độ Nhân Dân xuất bản tại Hà Nội năm 1972.
  8. Giai Phẩm mùa thu, 1956, tập 1, tr. 11.
  9. Peter A. DeCaro (2003), Rhetoric of Revolt: Ho Chi Minh’s Discourse for Revolution, London: Praeger, tr. 31.
  10. DeCaro (2003) ghi nhận một chi tiết: Khác với các lãnh tụ cách mạng khác, Hồ Chí Minh không bao giờ mang súng. (tr. 61)
  11. Bổ nghĩa cho danh từ.
  12. Bổ nghĩa cho động từ hoặc tính từ.
  13. Andrei Sinyavsky (1990), sđd., tr. 204-5. Tôi đoán tác giả luận án tiến sĩ này chính là Hoàng Ngọc Hiến (1930-2011). Và Sinyavsky nhớ nhầm: luận án này được đệ trình vào đầu thập niên 1960 chứ không phải đầu thập niên 1950. Các nghiên cứu sinh cấp tiến sĩ của Việt Nam chỉ được gửi sang Nga du học từ cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.