Hàng chục nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có các vị thủ tướng của Australia, Ấn Độ và Nhật Bản, Tổng thống Nam Triều Tiên, và “các cấp lãnh đạo chính phủ” không được nêu đích danh của Trung Quốc sẽ có mặt tại Singapore vào ngày Chủ Nhật này để dự lễ quốc tang vị thủ tướng đầu tiên của đất nước nhỏ bé này, ông Lý Quang Diệu.
Ông Lý là mẫu mực cho các chính trị gia Châu Á hy vọng tái tạo được sự nhiệm màu đã đưa Singapore từ một thuộc địa hẻo lánh lên thành một trong các quốc gia thịnh vượng và thành đạt nhất thế giới.
Ông Lý qua đời hôm thứ Hai, thọ 91 tuổi, tiếp theo một cơn bạo bệnh kéo dài. Linh cữu của ông được quàn tại trụ sở Quốc hội Singapore cho tới ngày thứ Bảy để công chúng đến viếng. Hàng ngàn người xếp hàng dọc theo các đường phố ngày hôm thứ Tư vào lúc linh cữu phủ quốc kỳ được chở đi chầm chậm trên một cỗ xe đại bác từ Israna là tư thất chính thức của vị tổng thống trên danh nghĩa, đến trụ sở Quốc Hội, nơi những người để tang xếp hàng dài tới 2 kilomet kiên nhẫn chờ đợi.
Ông Lý Quang Diệu làm thủ tướng từ năm 1959, là lúc Anh Quốc ban quyền tự trị, đưa Singapore vào rồi lại ra khỏi một liên bang đầy rắc rối với Malaysia trước khi tuyên bố độc lập vào năm 1965. Ông Lý rời chức năm 1990 sau khi trở thành vị thủ tướng phục vụ lâu năm nhất thế giới. Nhưng ông giữ vai trò lãnh đạo đảng Hành động Nhân dân nhiều thế lực cho đến năm 1992 và trong những năm sau đó vẫn là nhân vật tối cao của Singapore trong chức vụ bộ trưởng cao cấp và sau đó là bộ trưởng cố vấn.
Con trai của ông là Lý Hiển Long lên làm thủ tướng từ năm 2004 và hiện vẫn đang giữ chức vụ này.
Một trong nhiều người ngưỡng mộ ông Lý Quang Diện là cựu thủ tướng Thái Lan Anand Panyarachun nói rằng trong tư cách một người Đông nam Á, ông cảm thấy một “cảm giác mất mát lớn lao.”
Ông Anand nói, “Sự khôn ngoan của ông, lời khuyên nhủ của ông, tầm nhìn của ông vẫn luôn được các nhà lãnh đạo các quốc gia khác tìm đến.” Ông Anand là thủ tướng Thái Lan vào đầu thập niên 1990.
Đương kim thủ tướng Thái, tướng Prayuth Chan-ocha, người lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính năm ngoái, tỏ ra hơi lúng túng khó hiểu khi than van rằng ông Lý Quang Diệu đã làm việc quá cần mẫn trong suốt cuộc đời và đó là lý do vì sao con người không tuổi tác này đã yểu mạng.
Vị tướng lãnh hồi hưu này sẽ dự tang lễ của ông Lý, nơi ông ta có thể giáp mặt với người mà ông muốn vĩnh viễn xóa bỏ ảnh hưởng khỏi chính sự Thái – vị cựu thủ tướng tự ý sống lưu vong Thaksin Shinawatra, bị quân đội lật đổ năm 2006 và là một người được sự bảo trợ của ông Lý Quang Diệu, và là người đã tìm cách thiết lập một cái nhãn hiệu “Thai Inc.” theo hình ảnh “Singapore Inc.” của nhà cố vấn Á Châu.
Cho đến nay, các nhà lãnh đạo khác ở Châu Á, cũng xác nhận sẽ dự lễ quốc táng ngày Chủ Nhật gồm các vị tổng thống của Indonesia và Myanmar, và thủ tướng Campuchia.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, từng làm ngoại trưởng Nam Triều Tiên, đã công bố một thông cáo nói rằng ông rất lấy làm đau buồn về cái chết của ông Lý, và gọi ông là một “nhân vật kỳ tài ở Châu Á.”
Các nhà lãnh đạo độc đoán ở Châu Á thèm muốn khả năng của ông Lý Quang Diệu trong việc duy trì một chính phủ độc đảng trong một quốc gia theo chế độ gia trưởng, tránh né chủ nghĩa cấp tiến, ngoại trừ các chính sách kinh tế.
Ông Curtis Chin, một cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Ngân hàng Phát triển Á Châu, nói trong một cuộc phỏng vấn của đài VOA ở Bangkok rằng nhiều nhà lãnh đạo đương thời với nhân vật này của Singapore ít thành đạt hơn trong khu vực đã không thấm nhuần được các bài học quan trọng nhất của ông.
Ông Chin nói: “Do đó khi tôi nghĩ về những gì những người khác có thể học hỏi từ ông Lý Quang Diệu thì họ có thể liệt ra một số điều. Nhưng chẳng may có quá nhiều nhà lãnh đạo ở Châu Á ngày nay đã không học được về pháp trị, quản trị tốt, tính trách nhiệm, cuộc chiến chống tham nhũng, là những điểm chính về ông Lý Quang Diệu."
So sánh ông Lý với nhà lãnh đạo kiểu độc tài Mahathir Mohamad, người lãnh đạo lân quốc Malaysia trong tư cách thủ tướng từ năm 1981 đến năm 2003, ông Robert D. Kaplan, trong cuốn sách năm 2014 có tựa là “Lò đúc của Châu Á” đã đánh giá nhân vật Singapore này là kiến tạo một “mẫu mực lãnh đạo đáng ca ngợi hơn...không có những thành kiến dứt khoát xấu xa và tính nhỏ mọn của ông Mahathir, trong khi nuôi dưỡng một viễn kiến sách lược bén nhọn hơn.”
Là một người theo chủ nghĩa thực dụng có học thức cao, ông Lý bác bỏ khái niệm về một “mô hình Á Châu” cho sự phát triển, nhưng nói lên những giá trị Á Châu mà trong mắt ông, đã đặt an ninh và phát triển tập thể lên trên các quyền tự do cá nhân.
Do đó không phải là điều bất ngờ mà trong nhiều thập niên, nhiều nhà lãnh đạo của Trung Quốc đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với chuyển biến nhanh chóng của Singapore dưới sự lãnh đạo của ông Lý, một người “khách gia” của Trung Quốc mà quê nhà ở Mai Châu thuộc tỉnh Quảng Đông miền nam Trung Quốc.
Ông Lý đã có “những đóng góp lịch sử vào mối quan hệ song phương” giữa Bắc Kinh và Singapore, theo nhận định của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi.
Ông Hồng nói: “Ông Lý Quang Diệu là một chính khách độc đáo có nhiều ảnh hưởng ở Châu Á. Và ông cũng là một sách lược gia thể hiện các giá trị đông phương và viễn kiến quốc tế.”
Nhà lãnh đạo Quốc Dân Đảng ở Đài Loan, ông Eric Chu, nhận định rằng ông Lý “đem lại cho Đài Loan nhiều khái niệm về quản lý thành phố.”
Trong nước, ông Lý đã dẫn dường cho người gốc Hoa, người Malaysia và người Ấn Độ nằm dưới sự đô hộ của Anh và sau đó là Nhật Bản trên một hòn đảo nhỏ bé đông dân.
Ông Chin, nay là một giảng viên của Viện Milken nói: “Vì vậy khi các nước tìm cách theo một số những điều đã làm được, thì lại không có tác dụng và có thể không hợp với một quốc gia có kích thước lớn hơn nhiều.”
Ông Lý đã dẫn dắt quốc gia nhỏ bé của ông đến chỗ độc lập vào một thời điểm đầy xáo trộn giữa thập niên 1960. Ngoài sự thù nghịch liên tục với Malaysia, khu vực còn đối mặt với những vấn đề sắc tộc, tôn giáo và lãnh thổ, chưa kể cuộc Chiến tranh Việt Nam, khi Singapore đồng ý vào năm 1967 với Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan thành lập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, tức ASEAN.
Phó giáo sư Li Kui Wai thuộc phân khoa kinh tế tài chính tại trường Đại học Hong Kong, gợi lại: “Để ông Lý Quang Diệu đóng được một vai trò như thế, ta phải làm cho mọi thứ bình ổn về chính trị. Và ông đã hoàn thành được điều đó với rủi ro lớn.”
Thủ tướng Australia Tony Abott, người sẽ đến dự tang lễ ông Lý, nêu ra rằng nhà lãnh đạo Singapore “đã thúc đẩy đất nước ông vào một thời điểm cấp thiết trong lịch sử,” ý nói đến nhận định của ông Lý năm 1980 nói rằng Australia đang có nguy cơ trở thành “rác rưởi trắng tồi tệ” của Châu Á.
Không phải tất cả những nhận định về di sản của ông Lý trong tuần này đều là những lời ca ngợi.
Ông Rupert Abbott, giám đốc ở Đông nam Á của tổ chức phi chính phủ, Hội Ân xá Quốc tế, có nhận xét: “Có một mặt tối trong những gì ông để lại đằng sau – quá nhiều khi, các quyền tự do cơ bản và nhân quyền đã bị hy sinh để bảo đảm cho tăng trưởng kinh tế. Các hạn chế về tự do phát biểu về việc bịt miệng chỉ trích vẫn là một phần trong thực tế hàng ngày của người dân Singapore.”
Ông Phil Robertson, phó giám đốc đặc trách Châu Á của tổ chức Human Rights Watch, thừa nhận “vai trò to lớn của ông Lý trong sự tăng trưởng kinh tế của Singapore là điều không còn nghi ngờ gì nữa.” Nhưng ông nêu nghi vấn liệu quốc gia thành phố này nay có thể có được “cuộc đối thoại” về khai phóng chính trị lẽ ra phải có từ lâu hay không.
Cựu đại sứ Trung Quốc Chin khẳng định rằng Singapore đang “diễn biến và nay phải đối mặt với thực tế của mạng truyền thông xã hội,” là mảng không bị hạn chế như các cơ quan thông tin truyền thống bị kiểm soát và được cấp phép của nước này, thường tự chế không chỉ trích giới lãnh đạo và chính phủ trong quốc gia với khối dân 5 triệu rưởi người này.
Những người ngưỡng mộ ông Lý và những người chỉ trích ông đồng ý về một điều: người cha của Singapore hiện đại là một chính khách tài ba lỗi lạc và thành công với ảnh hưởng lan ra ngoài lãnh vực tương đối khiêm tốn của ông.