Bà Liz Truss, một trong những người chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ nhất trên chính trường Anh và cũng thường tự mô tả là người bảo vệ cho trật tự thế giới phương Tây thời hậu chiến, trở thành thủ tướng hôm 6/9, thay thế ông Boris Johnson, người bị nhiều đảng viên trong cùng đảng của ông xem là chưa cứng rắn kịp thời, theo Reuters.
Quan hệ giữa London và Bắc Kinh đã trở nên tồi tệ trong thập kỷ qua khi Anh ngày càng lo ngại rằng việc mở cửa cho đầu tư của Trung Quốc có thể gây ra rủi ro an ninh quốc gia, đồng thời sự lấn át về kinh tế và quân sự của Trung Quốc có thể đi ngược lại chương trình thương mại tự do hậu Brexit của nước này.
Bà Truss coi Trung Quốc là mối đe dọa đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đã chi phối thương mại và ngoại giao sau Thế chiến II, và bà tự xem rằng mình có vai trò xây dựng một bức tường thành chống lại mối đe dọa của Bắc Kinh.
Trong một bài phát biểu được nhiều người biết đến rộng rãi hồi đầu năm nay, bà nói: “Các quốc gia phải tuân thủ luật chơi và bao gồm cả Trung Quốc”, đồng thời nói thêm rằng Bắc Kinh đang “nhanh chóng xây dựng một quân đội có khả năng phô trương sức mạnh đi sâu vào các khu vực có lợi ích chiến lược của châu Âu”.
Bà Truss cảnh báo rằng nếu Trung Quốc không tuân theo các quy tắc toàn cầu, họ sẽ khó mà vươn lên như một siêu cường và họ nên rút ra bài học từ phản ứng kinh tế mạnh mẽ của phương Tây đối với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Bà nói rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc không phải là bất khả kháng và phương Tây nên đảm bảo rằng Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh nói là lãnh thổ của chính họ, có thể tự vệ.
Thời báo Hoàn cầu, một phụ bản của Nhân dân Nhật báo - tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, gọi bà Truss là một “người theo chủ nghĩa dân túy cấp tiến” và nói rằng bà nên vứt bỏ đi “tâm lý đế quốc lỗi thời”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh hôm 6/9 cho biết bà hy vọng quan hệ với Anh vẫn sẽ “đi đúng hướng”.
Ông James Rogers, đồng sáng lập Hội đồng nghiên cứu Geostrategy có trụ sở tại London, cho biết bà Truss sẽ áp đặt nhiều hạn chế hơn đối với việc Trung Quốc mua lại các công ty của Anh và sẽ làm nhiều hơn nữa để gắn kết các nước với nhau nhằm chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ông nói: “Bà ấy hiểu về những lợi ích kinh tế ngắn hạn có thể có tác động chiến lược và chính trị lâu dài ra sao, và sẽ cố gắng cân bằng những lợi ích đó hiệu quả hơn so với trước đây”.