Trung Quốc đang tăng cường việc theo dõi những nhân vật tranh đấu dân chủ ở Hồng Kông và sử dụng những phương pháp rất đỗi tinh vi. Theo tường thuật của thông tín viên Shannon Van Sant của đài VOA tại Hồng Kông, hiện chưa rõ việc theo dõi này là do nhà nước bảo trợ hay là của cá nhân những tay tin tặc.
Một năm sau khi những người ủng hộ dân chủ ồ ạt rủ nhau xuống đường ở Hồng Kông, thành phố này đã trở thành mục tiêu của nhiều vụ tấn công mạng hết sức tinh vi. Toán Ứng phó Tình trạng Khẩn cấp Máy vi tính Hồng Kông (HKCERT), một tổ chức theo dõi an ninh mạng, cho biết những vụ tấn công mạng đã tăng 38% kể từ năm ngoái.
Ông Nicholas Thomas, giáo sư Đại học Thành thị Hồng Kông, nói rằng hiện chưa rõ ai là kẻ đứng sau những vụ tấn công mạng.
Ông Thomas cho biết: "Với những gì đã xảy ra ở phía Hồng Kông, chưa có mối liên hệ trực tiếp nào với chính phủ Trung Quốc hay bất kỳ cơ quan chính phủ nào. Dĩ nhiên là có thể có liên hệ. Nhưng cũng có thể là những nhóm tin tặc Trung Quốc, những người đang bộc lộ những xu hướng dân tộc cực đoan trong không gian mạng và họ làm điều này theo ý riêng của mình."
Từ tháng 8 năm ngoái tới nay đã có hơn 1.175 vụ tấn công kiểu phishing, khi dữ liệu và máy vi tính của người sử dụng bị xâm hại sau khi nhấn chuột vào một tệp đính kèm.
Nhưng những vụ tin tặc ở thành phố này không chỉ giới hạn ở cách tấn công phishing. Các chuyên gia an ninh Tây phương nói rằng những tay tin tặc đang sử dụng những kỹ thuật tinh vi hơn, chẳng hạn như Google Drive và Dropbox để xâm nhập máy tính của các nhà tranh đấu. Tin tặc cũng sử dụng kỹ thuật "danh sách trắng" để tấn công những người truy cập một số website nào đó.
Về việc này, giáo sư Thomas cho biết như sau:
"Những gì mà chúng tôi biết được là những vụ tấn công rất tinh vi đang được thực hiện. Họ dùng Dropbox và Google Drive để cài đặt phần mềm độc hại. Họ cũng dùng 'khía cạnh mây' của Google Drive và Dropbox để che giấu những gì mà họ làm."
Nạn nhân của những vụ tin tặc hồi gần đây gồm có các nhân vật tranh đấu, giáo sư đại học và nhà báo. Và các công ty an ninh mạng Tây phương, như FireEye, nói rằng những kỹ thuật tin tặc tinh vi thường được sử dụng bởi Trung Quốc và Nga.
Ông Tom Grundy, người sáng lập tổ chức Tự do Báo chí Hồng Kông, cho biết trang web của tổ chức ông đã bị tấn công ngay trước khi bắt đầu chính thức hoạt động.
Ông Grundy nói: "Đó là một vụ tấn công từ chối dịch vụ (DDOS). Nó làm cho lượng truy cập tăng mạnh và dường như có một người ở đằng sau. Bây giờ tôi nghĩ rằng trang web của chúng tôi có lẽ là trang web an toàn nhất ở Hồng Kông, và chúng biết là những cơ quan truyền thông khác, như tờ Apple Daily chẳng hạn, đã bị tấn công một cách ác độc hơn nhiều. Nhưng Hồng Kông lẽ ra là tiền đồn và là thành luỹ của tự do diễn đạt, tự do ngôn luận và tự do báo chí trong khu vực Trung Quốc mở rộng. Do đó nhiều người chúng tôi trong ngành truyền thông rất quan tâm về việc này."
Một số công ty an ninh mạng cho biết những vụ tấn công này đã làm cho Hồng Kông trở thành nơi bị tấn công nhiều nhất ở Á châu kể từ khi phong trào "Cách mạng Dù" bùng ra hồi năm ngoái. Đảng Dân chủ Hồng Kông cho biết trong năm qua họ đã bị tấn công nhiều lần. Bà Emily Lau, một nhà lập pháp của đảng này, nói rằng bị theo dõi đã trở thành một phần của cuộc sống ở đây.
Bà cho phát biểu: "Bị theo dõi. Tôi luôn luôn cảm thấy bị theo dõi. Ngay cả trong lúc nói chuyện với quí vị đây, tôi cũng cảm thấy như vậy. Và dĩ nhiên tôi không có gì phải che giấu. Tôi luôn luôn nói rằng cuộc sống của tôi là một cuốn sách mở rộng và tôi đi bộ một mình ở khắp nơi tại Hồng Kông."
Các nhà quan sát nói rằng đó là một thái độ mà có lẽ nhiều nhân vật tranh đấu dân chủ ở Hồng Kông cần phải có vào lúc này.