Phe đối lập Đài Loan đạt tiến bộ trong cuộc tranh cử.

Bà Thái Anh Văn, Chủ tịch đảng đối lập 'Dân chủ Cấp tiến' ở Đài Loan

Tổng thống đương nhiêm của Đài Loan Mã Anh Cửu được biết tiếng là đã giảm bớt được căng thẳng với đối thủ lâu năm Trung Quốc. Tuy nhiên khi vận động để được tái đắc cử trong tuần này, ông phải tranh đấu vất vả để giữ được tư thế dẫn đầu trong những cuộc thăm dò công luận. Thông tín viên Ralph Jennings tại Đài Bắc tường trình về chiến dịch tranh cử cho biết phe đối lập chính chống Trung Quốc đang cáo buộc chính quyền đương nhiệm không đạt được những thành quả đáng kể.

Trong một đại nhạc hội vào hôm Chủ Nhật tại Đài Bắc, thủ đô Đài Loan, ứng cử viên của đảng đối lập chính Thái Anh Văn tìm cách củng cố sự ủng hộ của cử tri đang ngày càng tăng. Nhiều ngàn người tham dự những buổi nói chuyện và một buổi hoà nhạc để dồn một lực đẩy lần cuối cho nữ ứng cử viên Tổng thống đầu tiên của đảo này trước cuộc bầu cử ngày 14 tháng Giêng.

Bà Thái 55 tuổi, cựu phó Thủ tướng với kiến thức về luật đã thu hút được thêm nhiều người ủng hộ trong những cuộc thăm dò dư luận kể từ tháng 10 năm ngoái khi chiến dịch tranh cử của bà nhắm vào thành phần trung lưu đông đảo.

Tổng thống Mã Anh Cửu, trong một số cuộc thăm do, dẫn trước với số điểm không đến 1%, và theo sau bà Thái trong một số cuộc thăm dò khác, giảm sút so với hơn 5% vào giữa năm 2011.

Nữ Phát ngôn viên của bà Thái, bà Hsiao Bi-khim, nói cử tri lo ngại về việc thiếu các việc làm trả lương khá và ở bên ngoài thủ đô nền kinh tế các điạ phương chậm chạp.

Bà Hsiao nói một số cử tri không tin tưởng chính sách của Tổng thống Mã Anh Cửu đối với Trung Quốc, sợ rằng ông đã mang Đài Loan gần với Bắc Kinh một cách nguy hiểm trong những cuộc thương thuyết để mở những kênh mậu dịch mới.

Bà Hsiao nói: “Hiện nay có nhiều người lo lắng là liệu việc làm có bền vững hay không, lương có đủ hỗ trợ cho một đời sống thoải mái của giai cấp trung lưu ở Đài Bắc hay không. Và những người nhìn vào một toàn cảnh rộng lớn hơn quan tâm về một điều có thể xảy ra là Đài Loan bị phụ thuộc, trở thành một chi nhánh của kinh tế Trung Quốc.”

Tổng thống Mã lên cầm quyền vào năm 2008 và với sự ủng hộ rộng rãi của Quốc Dân Đảng cầm quyền đã có những cuộc thương thuyết cột mốc với Bắc Kinh để thảo luận về hợp tác kinh tế. Những cuộc thương thảo này đưa đến việc ký kết 16 thoả thuận về đầu tư, du lịch và những chuyến bay trực tiếp, tất cả đều bị hạn chế trong quá khứ.

Chính quyền của Tổng thống Mã cho rằng những liên hệ mới với thị trường khổng lồ Trung Quốc giúp kích thích nền kinh tế Đài Loan. Trung Quốc hoan nghênh những cuộc đối thoại này.

Lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền trên đảo Đài Loan kể từ cuộc nội chiến trong những năm 1940 và tìm cách thống nhất Đài Loan. Bắc Kinh không công nhận quyền tự trị dân chủ của Đài Loan và chưa từ bỏ đe dọa dùng vũ lực nếu Đài Loan nhất quyết tách rời khỏi Trung Quốc.

Tuy nhiên cuộc khủng hoảng tài chánh thế giới năm 2008 và việc thị trường chứng khoán tuột đốc vào giữa năm 2011, gây nên những mối quan tâm về các món nợ quốc gia tại châu Âu, làm tổn hại nền kinh tế Đài Loan vốn trông cậy vào việc xuất khẩu sang các thị trường châu Âu.

Chính phủ tiên đoán tăng trưởng 4.51% tổng sản lượng nội địa vào năm 2011, dưới mức 6% Tổng thống Mã hứa cách đây 4 năm.

Chính phủ Mã Anh Cửu ra lệnh thi hành một gói kích cầu nhiều tỉ đô la để đưa Đài Loan ra khỏi suy thóai trầm trọng trong năm 2009 và bắt đầu đánh thuế buôn bán những nhà cửa đắt giá để giữ cho giá nhà bình thường vẫn hợp túi tiền.

Tuy nhiên hiện nay một số người Đài Loan đổ lỗi cho Tổng thống để cho lương bổng không tăng và khoảng cách giàu nghèo nới rộng.

20% người giàu nhất Đài Loan có lợi tức 6 lần lớn hơn 20% người dân ở cuối bực thang xã hội. Tuy nhiên giám đốc tranh cử của Tổng thống, ông King Pu-tsung tuyên bố tại một cuộc họp báo vào tháng 11 năm ngoái rằng nền kinh tế Đài Loan vẫn còn là một trong nền kinh tế khả quan nhất trên thế giới.

Ông King Pu-Tsung nói: “Có thể nào cho rằng Tổng thống kém cỏi đến thế nếu thống kê cho thấy khác hẳn.”

Ông nói tiếp điều Tổng thống Mã thực hiện trong 3 năm đã vượt quá những gì phe đối lập làm trong 8 năm. Thống kê cho thấy kinh tế Đài Loan đang trên đà tiến bộ và phát triển đang trong chiều hướng đi lên.

Đảng Dân Tiến của bà Thái xuất hiện vào những năm 1980 như là một thay thế được ưa chuộng cho Quốc Dân Đảng, một chính đảng đã cai trị toàn thể Trung Quốc trước cuộc nội chiến. Đảng của bà thắng trong các cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000 và 2004 nhờ lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.

Bà Thái nói bà muốn thảo luận về những vấn đề kinh tế với Bắc Kinh với một điều kiện là chính phủ Cộng sản tôn trọng quyền tự trị của Đài Loan. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng vấn đề Trung Quốc đã phai nhạt trong lịch trình tranh cử khi đe dọa chiến tranh giảm bớt và các cử tri lo lắng nhiều hơn cho túi tiền của họ.

Khoa học gia chính trị Shane Lee, trường đại học Thiên Chúa giáo Chang Jung tại Đài Loan nói những cử tri chưa quyết định bỏ phiếu cho ai và những cử tri trẻ bỏ phiếu lần đầu tiên đang hướng về đảng của bà Thái để tìm những gì mới.

Ông Lee nói: “Dĩ nhiên nhiều người cảm thấy rằng hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo càng ngày càng rộng làm cho mọi người bất bình. Chiến dịch của bà Thái yêu cầu mọi người nghĩ về những gì chính quyền Mã Anh Cửu đã làm trong thời gian 3, 4 năm qua và thực sự người ta không thấy có gì cụ thể để trả lời câu hỏi này, do đó mọi người cảm thấy đã đến lúc cần thay đổi.”

Một ứng cử viên của một đảng nhỏ, ông James Soong, làm cho sự việc khó khăn thêm cho Tổng thống đương nhiệm. Ông Soong là một cựu tỉnh trưởng của nước Cộng hoà Trung Hoa, tên chính thức của Đài Loan. Lập trường của ông có nhiều chỗ giống Tổng thống Mã, và do đó, những cuộc thăm dò mới đây tiên đoán ông có thể chiếm được từ 5% đến 8% số phiếu lẽ ra là của Tổng thống đương nhiệm.

Các cử tri Đài Loan cũng sẽ bầu Quốc hội mới vào ngày thứ Bảy vào lúc đảng cầm quyền cố giữ 64% đa số trong tổng số 113 ghế. Quốc Dân Đảng có thể sử dụng đa số này để ngăn trở tiến trình chính trị nếu thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống, như họ đã làm trong khoảng thời gian đảng Dân Tiến đối lập nắm quyền từ năm 2000 đến năm 2008.

Chiến dịch tranh cử yên tĩnh theo như tiêu chuẩn của Đài Loan khi hai ứng cử viên cảm thấy không ổn với những chỉ trích và lo ngại cho hình ảnh của họ trước công chúng.

Dấu hiệu của những cuộc bầu cử trong quá khứ như bạo động hay những cuộc biểu tình đông đảo quần chúng vượt quá con số 100.000 người tham dự, đã không có trong cuộc chạy đua năm 2012.

Theo dự kiến nhiều cử tri sẽ cố kết với các đảng của họ, hành động đã giúp quyết định những cuộc bầu cử đã qua.

Những người tại Đài Bắc thiên về Quốc Dân Đảng, trong khi những cử tri miền nam lại thích phe đối lập. Tuy nhiên những cuộc bầu cử Đài Loan có thể được quyết định chỉ bằng một vài ngàn lá phiếu, có nghĩa là kết quả cuộc bầu cử vào ngày thứ Bảy có thể dựa vào các quyết định phút chót của 18 triệu cử tri Đài Loan.