Thông tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được đề cử thêm một nhiệm kỳ nữa đã được rò rỉ ra công chúng vài tuần trước khi Đại hội Đảng bắt đầu hôm 25/1 và được chính thức 'tiết lộ' bởi một uỷ viên Trung ương Đảng hôm 27/1. Tuy nhiên, các trang báo mạng trong nước đã đồng loạt sửa đổi bài viết trích dẫn bình luận của uỷ viên Trung ương này, trong đó nói ông Trọng được “giới thiệu tái cử” và là “nhân sự đặc biệt” cho việc biểu quyết tại Đại hội Đảng 13 đang diễn ra tại Hà Nội.
VnExpress là một trong những tờ báo mạng đăng bài phỏng vấn Uỷ viên Trung ương Đảng Hầu A Lềnh tiết lộ việc người đứng đầu Đảng Cộng sản, Nguyễn Phú Trọng, được đề cử để tiếp tục làm tổng bí thư nhiệm kỳ 5 năm tới.
“Sáng nay tờ báo mạng VnExpress có đăng bài phỏng vấn ông Hầu A Lềnh nhưng khoảng 1 tiếng sau thì vẫn là đường dẫn đấy nhưng nội dung đã bị cắt phần có tên ông Trọng đi,” Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp cho VOA biết theo quan sát của ông từ Hà Nội.
Theo tìm hiểu của VOA, hiện tại đường link bài báo và tiêu đề “Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu tái cử” vẫn hiển thị khi tìm kiếm về thông tin này nhưng chi tiết trong bài viết đã được thay đổi.
Trong bản tin gốc được TS Hợp, một nhà nghiên cứu của Viện Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak, chụp lại trước khi bị thay đổi, ông Lềnh, phó chủ tịch kiêm phó tổng thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nói với phóng viên bên hành lang Đại hội 13 sáng ngày 27/1 rằng “Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng quá tuổi theo quy định nhưng được giới thiệu tái cử.” Nhưng phần trích dẫn này bị cắt bỏ trong bản tin đã được sửa đổi với tiêu đề mới “Ông Hầu A Lềnh: ‘Nhân sự khoá XIII được chuẩn bị kỹ lưỡng’” và tên của ông Trọng không còn được nhắc tới trong phần trích dẫn về điều kiện tái cử liên quan đến tuổi.
Một loạt các bài viết trên ZingNews, Pháp Luật Online, Dân Trí hay Tiền Phong đều được sửa đổi tương tự. Đường dẫn các bản tin này vẫn tồn tại với các tiêu đề ban đầu về việc ông Trọng “được giới thiệu tái cử” hoặc là một “nhân sự đặc biệt” nhưng chi tiết trong bài khi nhấn vào đường link đã bị xoá bỏ phần nào.
“Người ta chưa muốn tuyên bố ông Trọng được đề cử để tái ứng cử trong thời gian này,” TS Hợp nhận định. “Thực ra mọi thông tin đã rò rỉ ra ngoài nhưng chính thức thì người ta chưa muốn công bố. Ban Tuyên giáo bắt các tờ nào đăng tin đó phải thay nội dung để không có tên ông Trọng nữa.”
Ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản là nơi kiểm duyệt thông tin của báo chí trong nước, hầu hết nằm dưới sự quản lý của nhà nước, và thông tin về nhân sự của lãnh đạo Đảng được quy định là “tuyệt mật”. Mặc dù vậy, trên mạng xã hội đã rò rỉ những thông tin về các “trường hợp đặc biệt” quá tuổi, gồm ông Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhiều ngày trước khi Đại hội Đảng khai mạc hôm 25/1.
“Ông Hầu A Lềnh không lỡ lời,” TS Hợp nhận định về việc ‘tiết lộ’ thông tin ông Trọng được giới thiệu tái cử. “Không loại trừ là người ta bảo ông ấy nói ra.”
Việc rò rỉ hoặc tiết lộ thông tin nhân sự của lãnh đạo cấp nhà nước từ một quan chức chính phủ ở Việt Nam từng xảy ra trước đây và theo nhận định của giới quan sát đó có thể là những bước, mà TS Hợp gọi là “thủ thuật” của ban Tuyên giáo đã nhiều lần được dùng, để “chuẩn bị dư luận.”
Ngoại lệ
Ông Trọng đã có hai nhiệm kỳ làm tổng bí thư, kể từ lần trúng cử đầu tiên vào năm 2011, và điều lệ Đảng chỉ cho phép một tổng bí thư giữ chức vụ này không quá 2 nhiệm kỳ. Cũng theo quy định hiện hành, ông Trọng, hiện 76 tuổi, đã quá giới hạn tuổi cho phép, 65 tuổi, để tái cử.
Theo TS Hợp, báo chí trong nước gần đây đã đăng các bài viết về việc phải sửa đổi hiến pháp hoặc không cần trong các trường hợp “đặc biệt.”
“Tức là người ta đã để lộ gián tiếp thông tin rằng ông Trọng sẽ được đề cử để tái ứng cử làm tổng bí thư khoá thứ 3 và nếu như thế nó trái với điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó điều 17 quy định tổng bí thư không làm việc quá 2 khoá liên tiếp,” TS Hợp nói và nhận định rằng việc sửa đổi là “rất dễ” bởi Đảng Cộng sản cầm quyền có thể quyết định điều đó mà không gặp bất cứ phản đối nào.
Theo ông Lềnh, được truyền thông trong nước trích lời nói hôm 27/1, rằng một số trường hơp “đặc biệt” ngoài độ tuổi theo quy định đã được Trung ương bàn rất kỹ lưỡng và giới thiệu với Đại hội 13 xem xét, quyết định.
Sau các cuộc họp của Trung ương Đảng trước thềm Đại hội, nhiều nhà quan sát chính trường Việt Nam cũng đã nhận định rằng ông Trọng đã được ủng hộ để trở thành ngoại lệ.
Điều này tiếp tục một xu hướng của những chuyển giao quyền lực một cách khó khăn và dường như là những ngoại lệ cần thiết đối với các chuẩn mực lâu đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington DC.
Năm 2016, ông Trọng được cho là sẽ từ chức tổng bí thư và sẽ được thay thế bởi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng thay vào đó, ông Trọng trở thành ngoại lệ đầu tiên về giới hạn độ tuổi và được tái cử nhiệm kỳ tổng bí thư thứ 2 trong một Đại hội đảng được cho là gây nhiều chia rẽ.
Ông Dũng lúc đó được nhiều người ca ngợi là ủng hộ doanh nghiệp và cải cách, nhưng cũng là một người tham nhũng. Sau khi đánh bại ông Dũng để tiếp tục làm tổng bí thư, ông Trọng đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng, mà truyền thông trong nước ca ngợi và được nhiều người dân ủng hộ, trong đó xét xử nhiều quan chức dưới thời ông Dũng.
“Việc ông Trọng làm được trong những năm qua về chống tham nhũng được đánh giá cao trong nội bộ Đảng,” TS Hợp nói và cho rằng ông Trọng “không tham quyền lực” bởi ông đang gặp những vấn đề về sức khoẻ trong vài năm qua.
“Nhưng do tình hình chưa chắc chắn để có thể tìm ra ngay một người có thể làm tổng bí thư khoá 13 thì đây là một giải pháp, là (Bộ Chính trị) đề xuất ông (Trọng) ở lại,” TS Hợp nói.
Gần 1.600 đại biểu trên toàn quốc sẽ bầu chọn ra 200 thành viên của Uỷ ban Trung ương Đảng và những người này chọn ra trong số họ 19 thành viên vào Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng. Các vị trí tứ trụ sau đó sẽ được bầu chọn tại Đại hội 13, dự kiến kết thúc ngày 2/2.