BA.5, thuộc gia đình Omicron, là biến thể virus corona mới nhất gây ra làn sóng lây nhiễm lan rộng trên toàn cầu.
Theo phúc trình gần đây nhất của Tổ chức Y tế Thế giới, BA.5 chiếm 52% ca nhiễm hồi cuối tháng 6, tăng từ 37% trong một tuần. Tại Hoa Kỳ, biến thể này ước tính là nguyên nhân gây ra khoảng 65% số ca nhiễm.
Số ca nhiễm tăng cao
BA.5 không phải là mới. Lần đầu tiên được xác định vào tháng Giêng, nó đã được WHO theo dõi từ tháng Tư.
Đây là một biến thể chị em của dòng Omicron vốn đang chiếm ưu thế trên toàn thế giới kể từ cuối năm 2021, và đã khiến tỷ lệ ca nhiễm tăng vọt tại các quốc gia bao gồm Nam Phi, nơi biến thể này được phát hiện đầu tiên, cũng như tại Vương quốc Anh, một số khu vực của Châu Âu và Úc.
Dữ liệu của WHO cho thấy các ca nhiễm virus corona trên toàn thế giới hiện đã tăng trong 4 tuần liên tiếp.
Tại sao lan tràn?
Giống như anh em họ hàng gần gũi của nó, BA.4, BA.5 đặc biệt giỏi trong việc né tránh sự bảo vệ miễn dịch mà chúng ta có được từ lần nhiễm bệnh trước đây hay từ tiêm chủng.
Vì lý do này, “BA.5 có lợi thế tăng trưởng so với các dòng phụ khác của Omicron đang lưu hành”, bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19, nói trong một cuộc họp báo ngày 12/7.
Nghĩa là sẽ có nhiều người tái bị nhiễm COVID, thậm chí là chỉ sau khi đã bị nhiễm một thời gian ngắn. Bà Van Kerkhove nói WHO đang đánh giá các phúc trình về việc tái lây nhiễm.
“Chúng tôi có rất nhiều bằng chứng cho thấy những người bị nhiễm Omicron lại bị nhiễm BA.5. Không nghi ngờ gì về việc này”, ông Gregory Poland, một nhà nghiên cứu virus học và vắc-xin của Bệnh viện Mayo ở Rochester, Minnesota, nói.
Các nhà nghiên cứu cho rằng nếu điều đó đặc biệt phổ biến lúc này thì đơn giản có thể là vì đã có quá nhiều người bị nhiễm Omicron.
Không trầm trọng hơn
Dù số ca bệnh tăng khiến số người nhập viện tăng tại một số quốc gia, nhưng số ca tử vong không tăng mạnh.
Điều này phần lớn là do vắc-xin vẫn bảo vệ chúng ta khỏi bị bệnh nặng và tử vong, chứ không bảo vệ khỏi bị nhiễm, và các nhà sản xuất cũng như giới thẩm quyền cũng đang xem xét các loại vắc-xin cải tiến để nhắm trực tiếp vào các biến thể Omicron mới hơn.
Cũng không có bằng chứng nào cho thấy BA.5 nguy hiểm hơn bất kỳ biến thể nào khác của Omicron, bà Van Kerkhove của WHO nhấn mạnh, mặc dù số ca tăng vọt có thể khiến các dịch vụ y tế bị áp lực và có nguy cơ nhiều người bị COVID lâu dài.
WHO và các chuyên gia khác cũng nói rằng đại dịch đang diễn ra - kéo dài bởi sự bất bình đẳng về vắc-xin và bởi nhiều nước gạt COVID qua một bên - sẽ chỉ dẫn đến nhiều biến thể mới và khó dự đoán hơn.
Các nhà khoa học đang chú ý vào BA.2.75, lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ, có một số lượng lớn các đột biến và đang lây lan nhanh chóng.
WHO ngày 12/7 nói đại dịch COVID vẫn còn là một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu và các quốc gia nên xem xét các biện pháp y tế công cộng như mang khẩu trang, giãn cách xã hội khi số ca gia tăng, cùng với tiêm chủng.
Ông Poland nói: “Điều cơ bản mọi người không hiểu là khi có sự lây truyền cao trong cộng đồng thì virus sẽ đột biến.” “Ai biết được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Chúng ta đang đùa với lửa.”