‘Sóng ngầm’ bạo lực gia đình của người Việt ở Mỹ

Biểu tình phản đối bạo lực gia đình trước Điện Capitol, Mỹ

Tình trạng bạo lực gia đình trong cộng đồng người Việt ở Mỹ không khác gì với ở Việt Nam là mấy mặc dù luật pháp Mỹ khắt khe về vấn đề này, một chuyên gia cho biết và giải thích rằng do vấn nạn này bắt rễ sâu xa trong tâm lý người Việt nên khó xử lý tận gốc.

Do văn hóa?

Trao đổi với VOA, ông Hoàng Công Thái Dương, Tiến sỹ Tâm lý học cư trú ở tiểu bang Virginia, Mỹ, và đang là chuyên viên tư vấn cho Ủy ban Cứu người vượt biển BPSOS (một tổ chức NGO của người Mỹ gốc Việt), nhìn nhận trong cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng có tình trạng bạo hành gia đình như ở trong nước.

“Từ xưa nay chúng ta nghe ở Việt Nam và ở Mỹ cũng nghe là ‘về nhà dạy vợ’ đi,” ông nói.

Ông Dương dùng khái niệm ‘power control’, tức là nắm quyền kiểm soát quyền lực ở nhà, để giải thích cho bạo hành gia đình, và ông cho rằng quan niệm này phổ biến ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có văn hóa Mỹ.

“Người đàn ông luôn có tư tưởng là mình phải giữ quyền lực trong gia đình.”

Riêng văn hóa Việt Nam mang nặng ảnh hưởng của Khổng giáo cho nên ‘người chồng hay người đàn ông có toàn quyền trong gia đình’, ông giải thích.

“Văn hóa Việt Nam coi trọng người đàn ông nhiều hơn, coi đàn ông là trụ cột trong gia đình, là người ‘cầm quyền’,” ông nói thêm. “Vì những suy nghĩ đó khiến người đàn ông nghĩ rằng họ có thẩm quyền trong gia đình. Từ đó họ cảm thấy có quyền đánh đập vợ con.”

Ngoài ra, theo các nghiên cứu, có những người bạo hành ‘cũng từng là nạn nhân của bạo hành hay từng chứng kiến bạo hành gia đình trong giai đoạn họ trưởng thành’ nên từ đó họ ‘học được cách để có quyền lực trong gia đình’ và ‘cho rằng tương quan mối quan hệ vợ chồng phải là như vậy’, ông cho biết.

Bên cạnh đó, cũng có những người đã từng trải qua những chấn thương tâm lý nhưng không có cách đương đầu với những chấn thương đó nên ‘cách tốt nhất là thể hiện quyền lực hay dùng vũ lực’ để ‘che đậy cho những trầm cảm và uất ức trong cuộc sống chưa giải quyết được’.

“Mặc dù bên đây (Mỹ) có luật lệ nhưng những người Việt vẫn còn nặng tư tưởng đó trong đầu,” ông cho biết.

Sĩ diện gia đình

Tiến sĩ Thái Dương nói trong cộng đồng người Việt ở Mỹ ‘có sóng ngầm về bạo hành gia đình mà bên ngoài không hay biết’ và dẫn các số liệu nghiên cứu khác nhau cho thấy ‘có từ 30 đến 50% các gia đình Việt Nam ở Mỹ có xích mích, bạo hành thể xác, bạo hành tinh thần và bạo hành tình dục’.

“Người Việt Nam có tư tưởng rằng đã là vợ chồng thì người vợ có trách nhiệm phải phục tùng chồng (về tình dục),” ông giải thích về bạo hành tình dục. “Điều đó không đúng trong xã hội Mỹ. Cho dù là vợ chồng vẫn có tội ‘hiếp dâm’. Bất cứ lúc nào vợ hoặc chồng không muốn mà bị ép buộc thì là hiếp dâm.”

“Người Việt không nắm vững chuyện đó nên không cho là hiếp dâm nên tình trạng bạo hành tình dục xảy ra thường xuyên,” ông nói.

Khi được hỏi tại sao sống trong một xã hội có luật pháp nghiêm ngặt về bạo lực gia đình như ở Mỹ mà các nạn nhân người Việt không nhờ đến pháp luật bảo vệ, ông Dương cho rằng ‘văn hóa Việt Nam luôn nghĩ cho mặt mũi của gia đình và họ sợ nếu nói ra sẽ để lại vết nhơ cho gia đình’.

“Những nạn nhân này rất ngại kêu cứu mặc dù họ sẵn sàng chia sẻ với bạn bè nhưng tìm đến chuyên gia hay cảnh sát thì rất ít,” ông cho biết.

“Chính cá nhân tôi nhận được rất nhiều cú điện thoại kêu cứu, nhưng khi tôi góp ý phương cách giải quyết thì họ rất ngại vì không muốn tổn thương đến sĩ diện gia đình,” ông nói thêm.

Ngoài ra, những người bạo hành ‘luôn có kế hoạch đe dọa về thể chất hay tâm lý nạn nhân’, chẳng hạn như ‘nếu đi trình báo thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng, có thể bị đánh đập nặng hơn hay lấy con cái ra đe dọa’, bị lấy giấy tờ, bị cản trở không cho liên lạc với bên ngoài… khiến các nạn nhân rất khó khăn hay miễn cưỡng trong việc trình báo, Tiến sĩ Dương nói.

Hơn thế nữa, ông nói, nhiều nạn nhân người Việt ‘thực sự không biết luật’, cảm thấy ‘bạo lực gia đình là điều quá xa vời’ hay vì hạn chế ngôn ngữ, không có chuyên gia xung quanh để tư vấn nên họ không cách nào tìm kiếm sự hỗ trợ.

“Nếu không làm gì hết, nếu không nói ra thì tình trạng của họ không đỡ hơn mà còn trở nên trầm trọng hơn. Người bạo hành sẽ cảm thấy rằng họ đang tiếp tục có quyền lực đối với nạn nhân,” ông cảnh báo.

Chuyên gia từng tư vấn tâm lý cho nhiều nạn nhân gốc Việt bị bạo hành nói có những nạn nhân cho dù người thân và các tổ chức có hứa hẹn giúp đỡ đảm bảo an toàn cho họ nhưng ‘khi đưa ra luật pháp thì họ rút đơn kiện ngay cả trong những trường hợp bị bạo hành trầm trọng’.

Khó nhổ tận gốc?

Tại Mỹ, các ‘nạn nhân bạo hành gia đình người Mỹ sẵn sàng đi trình báo nhiều hơn nạn nhân người Việt’, ông nói.

“Mỗi thành phố đều có cơ sở tạm lánh (shelter) cho những ai bị bạo lực gia đình,” Tiến sĩ Dương nói.

Nhà tâm lý học này thừa nhận do có cội rễ sâu xa từ trong văn hóa nên vấn đề bạo hành gia đình trong cộng đồng Việt Nam ‘khó nhổ tận gốc’.

“Giáo dục là phương cách tốt nhất. Mọi người phải hiểu mối tương quan vợ chồng là như thế nào chứ không thể dùng bạo lực để giải quyết mọi công việc,” ông khuyến nghị.

Tiến sĩ Dương cho biết bản thân đã có những buổi thuyết trình để giúp cộng đồng người Việt hiểu về bạo hành gia đình, về luật pháp, những phương cách để kêu cứu và những tổ chức sẵn sàng giúp đỡ họ.

Ông cảnh báo những người bạo hành gia đình ‘có thể phải ra tòa, ở tù nhiều năm’ và có thể bị tòa cấm đến gần nạn nhân trong thời hạn nhất định.