Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc, UNICEF, nói rằng cuộc đại suy thoái kinh tế năm 2008 tác động tai hại đến hàng triệu trẻ em ở nước giàu. Thông tín viên VOA Lisa Schlein tường trình từ Geneve.
Bảng xếp hạng của UNICEF ghi nhận trong 41 nước giàu có 23 nước đã thất bại trong nhiệm vụ làm cho đời sống của trẻ em tốt đẹp hơn chứ không phải là tệ hơn. Phúc trình của tổ chức này cho thấy 2,6 triệu trẻ em đã xuống dưới mức nghèo từ giữa năm 2008 và 2012, nâng tổng số trẻ em sống trong tình trạng nghèo khó ở các nước phát triển lên khoảng 76,5 triệu.
Các nước tệ nhất trong phúc trình là Hy Lạp và Iceland, bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Iceland, đặc biệt, có số gia tăng mạnh tỉ lệ trẻ nghèo đến 20%. Nói chung, theo số liệu của bảng phúc trình thì số trẻ em sống trong cảnh nghèo gia tăng đáng kể ở nam châu Âu cũng như ở Croatia và 3 nước trong vùng Baltic.
Tuy nhiên, Chuyên gia về Chính sách Xã hội và Kinh tế của UNICEF Yekaterina Chzhen nói rằng một số nước đã tìm được cách nâng cao phúc lợi của trẻ em, trong giai đoạn kinh tế bị giao động mạnh này:
“Chile là nước dẫn đầu trong công tác này. Trẻ em nghèo ở Chile thực sự giảm đáng kể gần 9 điểm phần trăm. Tuy nhiên điều thực sự rất đáng chú ý là trong 15 nước đứng đầu, số trẻ sống trong tình trạng nghèo khó thực sự giảm trong giai đoạn kinh tế bị xáo trộn mạnh này. Vì vậy điều đó quả là đáng chú ý.”
Ba Lan, Australia, Slovakia, Thụy Sĩ, Na Uy, và Nam Triều Tiên nằm trong số 15 nước giảm được số trẻ em nghèo. UNICEF cho rằng sự thành công này là do sự vững mạnh của các chính sách bảo trợ xã hội. Theo UNICEF thì các nước duy trì được mạng lưới an toàn xã hội đã giữ được trẻ em không bị chìm đắm trong cảnh đói nghèo.
Phúc trình nói rằng tình cảnh trẻ em nghèo không thay đổi trong 3 nước – New Zealand, Cộng hòa Czech và Đức. Mặt khác, chuyên gia Chzhen nói trẻ em cực nghèo ở Mỹ tăng trong lần suy thoái này nhiều hơn trong thời gian suy thoái năm 1982. Bà nói:
“Lần này trẻ em trong các gia đình có cha mẹ không đi làm đặc biệt chịu nhiều khó khăn, và đây là nhóm trẻ có khuynh hướng lâm vào cuộc sống dưới mức cực kỳ nghèo khó, các gia đình này thực ra không được lợi ích gì trong chương trình hoàn thuế lợi tức, không như những trẻ em trong các gia đình nghèo có cha mẹ đi làm. Vì vậy thành phần cực kỳ nghèo có khuynh hướng lệ thuộc rất nhiều vào chế độ tem phiếu thực phẩm.”
Chuyên gia Chzhen nêu lên rằng mạng lưới an toàn hiện nay cho thành phần nghèo nhất ở Mỹ tệ hơn năm 1982. Vì vậy bà nói rằng ngay cả thành phần nghèo có làm việc nhận được ít trợ giúp.
Phúc trình của UNICEF cũng theo dõi tỷ lệ của nhóm người trẻ từ 15 đến 24 tuổi, không nằm trong thành phần đi học, lao động hay đào tạo. Theo phúc trình thì suy thoái kinh tế đặc biệt tác động mạnh đến nhóm này. Phúc trình nói rằng tình huống tệ nhất được ghi nhận trong các nước thuộc Liên hiệp châu Âu, khu vực có 7,5 triệu người trẻ không đang làm việc cũng không đang đi học.