Đinh Hoàng Thắng
Hai bên quyết nâng cấp quan hệ
Tổng thống Joe Biden hôm 8/8/2023 cho biết, ông có kế hoạch sớm thăm Việt Nam. Ông Biden nói vậy khi phát biểu tại một sự kiện gây quỹ tranh cử tại thành phố Albuquerque thuộc bang New Mexico. “Tôi sẽ sớm đến Việt Nam, vì Việt Nam muốn thay đổi mối quan hệ với chúng ta để trở thành một đối tác chủ chốt,” Nhóm báo chí tham gia cuộc gặp mặt liên quan đến chiến dịch tranh cử đã tường thuật lại bài nói của ông Biden như thế. CNN cũng có yêu cầu Nhà Trắng cung cấp thông tin chi tiết thêm về phát biểu của Biden liên quan đến chuyến công du Hà Nội. Tuy nhiên, câu trả lời của phát ngôn viên Nhà Trắng chắc không làm thỏa mãn cánh báo chí: “Chúng tôi chưa có gì để chia sẻ với quý vị vào thời điểm hiện nay” (1). Thái độ thận trọng này có phần giống với truyền thông Việt Nam. Tuyên bố của Biden đã qua vài ngày nhưng chưa có tờ báo chính thức nào ở Việt Nam đưa lại câu phát biểu của người đứng đầu nước Mỹ. Đài VOA Hoa Kỳ đã gián tiếp giải thích, tại sao giờ này Việt Nam lại trở nên thận trọng. “Việt Nam tỏ ra thận trọng, vì e ngại làm mất lòng Trung Quốc, nước láng giềng khổng lồ mà Việt Nam có quan hệ thân thiết, hoặc Nga, một đối tác truyền thống khác” (2).
Trước đó, ngày 28/7/2023, Tổng thống Biden cũng đã công bố, “Lãnh đạo cao nhất” Việt Nam muốn gặp ông – nhân ông trên đường đi dự Hội nghị thượng đỉnh khối các nước G20 vào tháng 9 tới đây tại New Delhi – để thảo luận việc nâng cấp quan hệ song phương. Hãng tin Reuters cũng khẳng định công bố ngày 28/7 này của Biden và rằng, Lãnh đạo Việt Nam “muốn nâng tầm quan hệ thành một đối tác lớn, ngang hàng với Nga và Trung Quốc” (He wants to elevate us to a major partner, along with Russia and China) (3). Các nhà phân tích đều ám chỉ “Lãnh đạo Việt Nam” ở đây là “Tổng bí thư ĐCSVN” Nguyễn Phú Trọng, người mà Tổng thống Mỹ đã nói chuyện trực tiếp qua điện thoại vào tháng 3/2023. Nhận xét của Biden ở Albuquerque (bang New Mexico), được đưa ra khi chính quyền của ông đang tìm cách chống lại xu hướng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Thái Dương. Năm ngoái, Biden cùng với các nhà lãnh đạo từ Australia, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, đã khởi động “Khuôn khổ Kinh tế Ấn Thái Dương (IPEF) trong chuyến thăm tới Tokyo. Thông báo nói trên đánh dấu một trong những trọng tâm trong chuyến thăm châu Á của Biden.
Hành động cao hơn mọi tuyên bố
Ngược lại với sự dè dặt từ Hà Nội, thời gian gần đây, nhân kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ “Đối tác toàn diện” Việt – Mỹ (25/7/2013 – 25/7/2023), Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper đã mạnh mẽ tái khẳng định, “Hoa Kỳ ủng hộ một Việt Nam hùng mạnh, độc lập, thịnh vượng, tự cường, đồng thời mong muốn thúc đẩy mối quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam lên tầm cao mới”. Đại sứ Knaper đã trả lời phỏng vấn dài kỷ lục trên chương trình “Talk show” do VOV.VN thực hiện. Bài phỏng vấn dài gần 5.500 từ, đề cập đến hầu hết mọi khía cạnh của bang giao song phương Mỹ – Việt trong bối cảnh “Chiến lược Ấn Thái Dương” (FOIP) được công bố từ năm 2021. Tại đấy, chính quyền Biden mong muốn tăng cường quan hệ với các đối tác khu vực, trong đó có Việt Nam. Theo Đại sứ Mỹ, Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc điện đàm đầu năm đã trao đổi lời mời đến thăm lẫn nhau. Và, đến thời điểm thích hợp cả hai bên hy vọng sẽ có điều gì đó để thông báo. Nhưng tại thời điểm này, nhìn lại sáu tháng qua, phía Mỹ rất hài lòng với những cuộc tiếp xúc cấp cao đã có được (4).
Từ tháng 2/2023 đến nay, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Catherine Tai đã đến Hà Nội; liền kề là một loạt các chuyến thăm Việt Nam của các quan chức cấp cao như chuyến thăm của Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) Rochelle P. Walensky, Tổng giám đốc Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Samantha Power, Ngoại trưởng Antony Blinken, cũng như Bộ trưởng Nông nghiệp Thomas Vilsack, và mới nhất là chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng đã có đoàn đại biểu cấp cao từ Quốc hội có thành viên thuộc cả Dân chủ lẫn Cộng hòa, đại diện cả Thượng viện lẫn Hạ viện thăm Việt Nam. Trước đó phải kể đến chuyến thăm của một phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ lớn nhất từ trước đến nay tới Việt Nam. Tất cả các chuyến thăm này cho thấy Hoa Kỳ quan tâm trở lại ở mức độ rất cao trong mối quan hệ với Việt Nam, cho thấy Hoa Kỳ rất tin tưởng vào tình hữu nghị với Việt Nam và trong mong muốn làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước (5).
Đằng sau các chuyến thăm “con thoi” nói trên là những thành tựu có ý nghĩa to lớn. Những việc làm trên thực tế cao hơn mọi lời tuyên bố (action louder than words). Chỉ cần điểm qua ba trong hàng chục các chuyên ngành, thuộc về kinh tế cũng đủ thấy tầm quan trọng của chúng. Tập đoàn dầu khí Mỹ ExxonMobil đã lại tiếp tục dự án khí Cá Voi Xanh trị giá 20 tỷ USD với Việt Nam trên Biển Đông, sau những vướng mắc kéo dài tưởng chừng bế tắc nhiều năm qua. PVN và ExxonMobil đã bàn kế hoạch thúc đẩy dự án mỏ khí Cá Voi Xanh (6). Ban Chỉ đạo Dự án đã giao nhiệm vụ rất cụ thể và đề nghị các bên liên quan thực hiện các nội dung: i) Hoàn tất thủ tục ký thỏa thuận khung mua bán khí (GSA HOA) trong quý 1/2023; ii) Hoàn thiện Kế hoạch phát triển mỏ Cá Voi Xanh (phiên bản D do ExxonMobil trình) trong quý 1/2023 và iii) Đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương khẩn trương giải quyết các vấn đề liên quan (cũng trong quý 1/2023) (7). Theo một nghiên cứu của Trung tâm Thông tin Kỹ thuật Quốc phòng Mỹ (DTIC) - Cơ quan lưu trữ thông tin nghiên cứu và kỹ thuật thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, Việt Nam có những thế mạnh tiềm tàng to lớn về các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đặc biệt là đất hiếm. Nghiên cứu đã chỉ ra những lợi thế cũng như cách thức Việt Nam và Mỹ có thể tận dụng những tài nguyên này để mang lại lợi ích cho thế giới… (8)
Cộng hưởng toàn cầu, lan tỏa khu vực
Chính quyền Biden—giống như ít nhất với hai chính quyền trước đó—tin chắc rằng quan hệ Mỹ – Việt cần được tăng cường, chính xác là vì cả hai nước đều có chung lợi ích chiến lược lâu dài. Cả hai nước đều muốn ngăn chặn các nhân tố tiêu cực làm tổn hại tới không gian “Ấn Thái Dương Tự do và Rộng mở” (FOIP); và cả hai đều có lợi ích mạnh mẽ trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Trong “Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời năm 2021”, chính quyền Biden đã đề cập đến Việt Nam cùng với Singapore, một đồng minh trên thực tế của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á; tuyên bố rằng cả hai nước này sẽ giúp “thúc đẩy các mục tiêu chung” ở Ấn Thái Dương. Trong “Chiến lược FOIP năm 2022”, chính quyền cũng đặt Việt Nam vào danh sách nổi bật như là “các đối tác hàng đầu trong khu vực”, ngang hàng với Ấn Độ, New Zealand, Đài Loan và các quốc gia quan trọng khác (9). Tuy nhiên, có nhiều giả thuyết giải thích khác nhau cho việc tại sao Việt Nam không vội vã trong việc nâng cấp quan hệ “Đối tác chiến lược” với Hoa Kỳ.
Hẳn nhiên yếu tố “bóng đè” Trung Quốc bao giờ cũng được nhắc đến đầu tiên. Nhưng trên thực tế, bang giao Việt – Mỹ đã vận hành ở cấp độ chiến lược, thậm chí trên cả chiến lược, ngay cả khi không có nhãn hiệu chính thức (10). Điển hình là, Việt Nam đã bày tỏ sự ủng hộ đối với “Chiến lược Ấn Thái Dương” (FOIP) của Hoa Kỳ; trong những năm gần đây, nhờ FOIP mà Việt Nam đã nhận được thêm sự hỗ trợ về ngoại giao và kinh tế—cũng như trang thiết bị quân sự và huấn luyện—để đối trọng lại trước sức ép từ Trung Quốc. Tất nhiên, Việt Nam sẽ thu được gì về cơ bản, cũng sẽ nằm trong giới hạn từ chính sách quốc phòng “bốn không một nếu” và từ quá trình nâng cấp quan hệ đối tác. Việt Nam đã nhận ra giá trị cộng hưởng từ những thay đổi “địa chấn” trên toàn cầu – từ chính sách quốc phòng ngày càng chủ động hơn của Nhật Bản đến việc ra đời “Bộ tứ thứ hai” (second QUAD)… – và quyết định nương theo xu thế thời cuộc. Đến lượt những chuyển đổi của Việt Nam, tuy mới chỉ là những bước nhỏ, chúng cũng có những ảnh hưởng lan tỏa nhất định trong khu vực, trước hết là ASEAN. Đặc biệt là cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine cùng với những hệ quả của nó, đã và đang có những tác động bước đầu đối với giới cố vấn chính sách đối ngoại Việt Nam.
Theo Giáo sư Thayer, hiện nay, Việt Nam đã cho thấy tín hiệu rõ ràng rằng, họ sẵn sàng thực hiện bước nâng cấp “Đối tác chiến lược” với Hoa Kỳ. Việc nâng cấp này nếu muốn thực hiện thì phải thực hiện ngay “bây giờ (năm 2023 này) hoặc không bao giờ”, do chu kỳ bầu cử và bầu cử sơ bộ của Mỹ vào năm 2024 (11). Tuy nhiên, trong chính trị quốc tế, không nên đặt vấn đề “bây giờ hoặc không bao giờ”. Không Tổng thống Biden thì sẽ có một Biden khác, không TBT Nguyễn Phú Trọng thì sẽ có một Phú Trọng khác. “Việc nâng cấp quan hệ hai nước chỉ phản ánh bản chất vốn có trong mối quan hệ của chúng ta hiện nay. Khi đánh giá những điều mà chúng ta đã làm cùng nhau, dù là Biển Đông, sông Mekong, đối phó với những vấn đề như chuỗi cung ứng, đại dịch toàn cầu, biến đổi khí hậu…, xét bản chất, tất cả về cơ bản đã mang tính chiến lược rồi” (Đại sứ Knapper trả lời phỏng vấn hôm 27/7). “Đối tác chiến lược Việt – Mỹ” như một tồn tại khách quan – kết quả từ các cộng hưởng toàn cầu và chắc chắn nó sẽ có sức lan tỏa ra khu vực – sẽ dẫn dắt mối bang giao song phương không có trở lực nào có thể ngăn cản. Dù đó là “bóng đè” Trung Quốc hay từ các thế lực bảo thủ của Việt Nam.
(2) https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-biden-noi-se-som-tham-viet-nam/7217460.html
(4-5) https://vov.vn/chinh-tri/viet-nam-va-hoa-ky-thuc-day-doi-tac-toan-dien-tin-cay-hop-tac-rong-mo-post1035252.vov
(9) https://foreignpolicy.com/2023/05/09/vietnam-us-china-geopolitics-strategic-partnership-trong-biden/
(10) https://vtc.vn/dai-su-pham-quang-vinh-quan-he-viet-my-da-du-tam-toan-dien-chien-luoc-ar633597.html