Liên Hiệp Quốc trông đợi thế giới sẽ thâu hoạch thêm lúa gạo trong năm 2012 so với năm ngoái.
Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc cho hay mức thâu hoạch lúa gạo trên thế giới sẽ gia tăng gần 2%, chủ yếu là vì sản lượng gia tăng tại Châu Á.
Theo dự kiến lúa gạo sẽ được mùa tại Bangladesh, Miến Điện, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Philippines, và Thái Lan.
Tổ Chức Lương Nông Quốc Tế cũng tiên đoán thâu hoạch lúa gạo sẽ phục hồi ở Châu Phi.
Tổ chức này hy vọng sản lượng sẽ gia tăng tại Mali, Nigeria, và Senegal.
Nhưng tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc dự kiến thâu hoạch sẽ thấp hơn ở Liên Hiệp Châu Ấu và Hoa Kỳ.
Hai lý do cho sự kiện này là thời tiết khô bất thường và giá gạo sụt giảm khiến một số nông gia quay sang trồng các loại hoa mầu khác.
Theo dự đoán hâu hoạch lúa gạo cũng ít hơn tại Châu Mỹ La Tinh và vùng Caribê.
Bà Concepcion Calpe là một kinh tế gia làm việc với Tổ Chức Lương Nông Quốc Tế. Bà cho biết mức bội thu tại Châu Á sẽ dẫn tới mức cầu về gạo sút giảm trong năm nay.
Mức cầu sẽ sụt giảm 9.000.000 tấn xuống tới khoảng 34 triệu tấn.
Bà Calpe nói một lý do đưa tới sự sụt giảm này là do một số nước nhập khẩu lớn, như Indonesia và Bangladesh sản xuất được nhiều lúa gạo hơn mức dự kiến.
Các nước khác đã định giới hạn cho số gạo họ muốn nhập khẩu.
Tổ Chức Lương Nông Quốc Tế cho hay giá gạo vẫn cao vì nhiều lý do. Trong đó bao gồm giá nhiên liệu, giá phân bón, và tại một số nơi giá lao động cũng cao.
Một quốc gia nơi giá gạo vẫn cao là Trung Quốc.
Bà Concepcion Calpe nói rằng, giá cao có vẻ như không phù hợp với phúc trình của các giới chức Trung Quốc về các vụ thâu hoạch kỷ lục.
Tại Thái Lan, một chương trình trợ giá của chính phủ đã dẫn tới tình trạng gạo xuất khẩu sụt giảm khoảng 20%, xuống tới dưới tám triệu tấn.
Chương trình này khiến gạo xuất khẩu của Thái Lan cao hơn giá thị trường.
Tổ Chức Lương Nông Quốc Tế nói rằng, vì thế các nước xuất khẩu gạo như Australia, Ấn Độ, và Việt Nam đã chiếm được thị phần lớn hơn.
Bà Calpe nêu lên rằng Miến Điện có thể trở thành một nước xuất khẩu gạo lớn.
Mới đây, nhiều chính phủ các nước Phương Tây đã nới lỏng hạn chế giao thương với Miến Điện vì những nỗ lực của nước này trong công cuộc cải tổ chính trị và kinh tế.
Đầu tư nước ngoài và gia tăng sản lượng tại Kampuchea cũng có thể cũng giúp nước này xuất khẩu thêm gạo.