Các doanh nghiệp và chính phủ Đông Nam Á e ngại rồi đây số cung năng lượng sẽ không bắt kịp số cầu, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Để giải quyết vấn đề; Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam xây các nhà máy điện hạt nhân trong 10 năm tới. Các nước khác hy vọng đi theo con đường này.
Ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử của Việt Nam nói rằng kế hoạch xây ít nhất 8 nhà máy điện hạt nhân sẽ đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam và làm các nhà đầu tư nước ngoài an tâm:
“Việt Nam đang thiếu nhiều điện; vì vậy các nhà đầu tư lo âu. Chúng tôi cần có nguồn cung điện năng ổn định.”
Nhà máy Bata'an ở Philippines hiện nay là nhà máy điện hạt nhân duy nhất tại Đông Nam Á, đã có từ 27 năm nay, nhưng vì e ngại động đất và núi lửa bên cạnh, nhà máy này chưa bao giờ được sử dụng.
Chính phủ Philippines định mang ra sử dụng lại nhưng ông Cirilo Bautista, người phụ trách chương trình này nói rằng cần phải huấn luyện nhân viên mới:
“Các chuyên viên cũ nay đã luống tuổi. Nhiều người đã qua đời. Muốn tổ chức lại nhà máy, chúng tôi phải huấn luyện lại người mới, một số có thể đi học tại các nước nào có kinh nghiệm về nhà máy điện hạt nhân.”
An toàn không phải là lý do duy nhất các nước Đông Nam Á chậm sử dụng năng lượng hạt nhân. Họ không thông thạo với loại năng lượng này so với các loại khác.
Vì lý do đó, các nước này tiếp tục xây đập thủy điện hoặc đi tìm các nguồn nhiên liệu hóa thạch mới, bất chấp tai hại ô nhiễm môi trường.
Bob Kamandanu là Chủ tịch hội các mỏ than đá Indonesia:
“Than đá vẫn là nguồn điện rẻ tiền. Muốn tránh ô nhiễm chúng ta cần sử dụng công nghệ, cải tiến công nghệ để giảm bớt chất thải. Chúng ta không thể tránh phải dùng than đá nhưng chúng ta phải tìm cách giảm chất thải của than.”
Các chuyên viên năng lượng nói rằng năng lượng hạt nhân rồi đây sẽ được sử dụng nhiều tại Đông Nam Á, bên cạnh các nguồn năng lượng khác.
Nhiều nước Đông Nam Á cần năng lượng để phát triển kinh tế và giải pháp có nhiều người hưởng ứng là điện hạt nhân.
Nhưng giải pháp này có những thách thức.